Giải cơn khát cho đảo Bé

GD&TĐ - Đảo Bé (thuộc đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi) không có mạch nước ngầm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hơn 30 năm trước, ngành địa chất đã khoan thăm dò hàng trăm mũi trên hòn đảo vỏn vẹn 1km2 này nhưng tuyệt nhiên không gặp mạch nước ngầm nào. Chính vì vậy, người ta ví đảo Bé là “đảo khát”.

Vì không có nước ngọt nên hơn 100 gia đình ở đây chỉ sống nhờ vào nước trời. Tất cả các mái nhà trên đảo đều biến thành nơi hứng nước mưa dẫn vào các bể chứa bên dưới.

Tuy có bể chứa nhưng cũng chỉ chịu đựng được vài tháng mùa khô, những tháng còn lại đều phải nhờ đảo lớn chở nước ngọt sang và bán với giá từ 180.000 đồng - 250.000 đồng/khối, tùy theo năm.

Trước thực trạng trên, cách đây hơn 10 năm, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Doosan Vina (có nhà máy tại Khu Kinh tế Dung Quất) đã tặng cho đảo Bé một nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trị giá trên 20 tỷ đồng (bằng 1 triệu đô la vào thời điểm đó), công suất 200 mét khối nước/ngày.

Nhưng thực chất nhà máy này cũng chỉ cung cấp khoảng 30 - 40 mét khối nước ngọt/ngày. Kèm theo linh kiện lọc nước biển thành nước ngọt là 2 máy phát điện chạy bằng dầu diezel vì đảo Bé đến thời điểm đó (2012), điện quốc gia chưa kéo ra đây được.

Xin được nói thêm là, Công ty Doosan là nơi sản xuất các linh kiện chuyên lọc nước biển thành nước ngọt, bán cho thị trường Trung Đông - nơi vẫn thiếu nước ngọt quanh năm, từ nhiều năm qua.

Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, huyện Lý Sơn giao cho xã An Bình (tức đảo Bé) quản lý và khai thác. Để đảm bảo nguồn dầu (sau này là điện) cho nhà máy hoạt động, hàng năm, tỉnh Quảng Ngãi phải bù lỗ khoảng 1,3 tỷ đồng.

Tháng 3/2020, ba xã của huyện Lý Sơn là An Hải, An Vĩnh và An Bình (đảo Bé) bị xóa tên, Lý Sơn chỉ còn một đơn vị hành chính cấp huyện mà thôi. Vì không còn xã An Bình nữa nên huyện Lý Sơn giao nhà máy nước cho Đội Quản lý Trật tự Xây dựng - Đô thị và Môi trường (QLTTXD - ĐT&MT) trực tiếp quản lý, điều hành hơn 4 năm qua.

Vì hoạt động trong môi trường nước biển, lại không được tu bổ, sửa chữa thường xuyên nên hai tổ máy của nhà máy nước này bị xuống cấp và hư hỏng. Đến tháng 9/2023, nhà máy chính thức ngừng hoạt động. Dân đảo Bé lại quay về thời kỳ hứng nước mưa tích trữ và mua nước ngọt từ đảo lớn sang với giá rất cao.

Để người dân không phải khát nước, mới đây, huyện Lý Sơn đã trích kinh phí địa phương, phối hợp với Công ty Doosan Vina sửa lại số máy móc bị hỏng hóc. Đến nay, nhà máy nước đã hoạt động trở lại với công suất 700 mét khối/tháng, chính thức giải cơn khát cho đảo Bé sau nhiều tháng không có nước ngọt tại chỗ.

Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ 1,3 tỷ đồng hằng năm của tỉnh đã không còn nữa mà tiền thu về từ việc bán nước ngọt không thấm vào đâu. Mỗi tháng, Đội QLTTXD-ĐT&MT phải trả 10 triệu tiền điện và khoảng 18 triệu tiền lương cho 3 công nhân vận hành tại đây, trong khi tiền thu từ nước chưa đến 6 triệu đồng. Suốt 6 tháng qua, các công nhân vận hành nhà máy không có lương.

Tỉnh Quảng Ngãi cần áp dụng chính sách bù lỗ như trước đây để nhà máy nước hoạt động xuyên suốt, không chỉ phục vụ cho 100 hộ dân của đảo Bé, mà còn đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn khách du lịch thăm đảo trong mùa Hè này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.