Tháng 7/2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thông qua Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, quản lý và sử dụng phí tham quan trên địa bàn huyện Lý Sơn nhưng vì tình hình dịch bệnh nên tạm hoãn từ đó đến nay.
Mới đây, chính quyền huyện Lý Sơn nhắc lại chuyện này và sẽ tiến hành thu phí vào năm 2024. Thông tin này lập tức nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng cần phải thu phí tham quan để dùng số tiền đó sửa sang lại các điểm di tích và dọn rác phục vụ cho chính du khách. Lại cũng có ý kiến không đồng tình với việc thu phí này vì ở Lý Sơn, cơ sở hạ tầng quá yếu, khâu phục vụ cũng không được như các nơi khác, giờ lại thu phí thì sẽ mất khách…
Ý kiến nào cũng đưa ra những lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm ủng hộ hoặc phản đối của mình. Riêng chính quyền huyện Lý Sơn thì … kiên quyết thu. Vì nếu thu với mức 80.000 đồng cho một khách tham quan ở đảo Lớn và 20.000 đồng cho khách tham quan đảo Bé thì mỗi năm ước thu được 8 tỷ đồng, trừ 30% lương cho đơn vị vận hành bán vé thì ngân sách huyện sẽ có thêm 5,6 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên sẽ phục vụ trực tiếp cho việc trùng tu, bảo vệ, sửa sang các điểm tham quan và vệ sinh môi trường.
Chính quyền huyện đảo Lý Sơn cũng nói rõ là số “phí tham quan” chỉ áp dụng cho khách du lịch còn khách đi công tác sẽ miễn hoặc giảm tùy theo từng đối tượng. Nếu phương án trên đây được triển khai như quyết tâm của huyện Lý Sơn thì bắt đầu từ Tết Dương lịch 2024 này, khách ra đảo Lý Sơn phải tốn thêm 100.000 đồng nếu thăm cả 2 đảo Lớn và đảo Bé.
Thực ra số tiền trên không lớn đối với một du khách khi muốn khám phá hòn đảo này chỉ vì… mê các miệng núi lửa hoặc muốn có một tấm ảnh check-in Cổng Tò Vò hay tận mắt xem Chùa Hang như thế nào chẳng hạn.
Điều mà đa số ý kiến không đồng tình với chuyện thu phí này còn băn khoăn là liệu sau một vài năm có nguồn thu ổn định mà các điểm di tích vẫn luộm thuộm hoặc cả đảo ngập trong rác thải thì khách sẽ không đến Lý Sơn nữa!
Lý Sơn mỗi năm đón 170 ngàn lượt du khách, trong đó có 2.000 khách quốc tế (số liệu năm 2023). Đây cũng là hòn đảo mà số lượng di tích văn hóa, lịch sử khá đậm đặc với 25 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia cùng với nhiều thắng cảnh độc đáo.
Đặc biệt, hòn đảo này còn trầm tích trong lòng nó câu chuyện lịch sử 300 năm kể từ khi cha ông mở cõi về phương Nam, trong đó có việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải quần đảo Hoàng Sa.
Với những gì mà Lý Sơn có được như thế, đủ sức để hấp dẫn du khách thì việc thu phí tham quan cũng không có gì phải bàn tới bàn lùi. Vấn đề ở chỗ, các nhà quản lý hòn đảo này cần học tập chính quyền Hội An tỉnh Quảng Nam trong việc “lấy du lịch nuôi du lịch”.
Cù Lao Chàm của Hội An là hòn đảo không nhiều điểm tham quan và các di tích lịch sử, văn hóa dày đặc như Lý Sơn mà họ vẫn bán vé tham quan với giá 70.000 đồng/khách.
Thế nhưng chẳng ai nói mắc hay rẻ vì đây là hòn đảo sạch, trong lành thực sự từ cách ứng xử của người dân với khách lẫn môi trường trên đảo. Đây cũng là hòn đảo đầu tiên ở Việt Nam nói không với túi ni lông hơn 10 năm nay.
Lý Sơn nên học Hội An chứ không phải đi đâu cho xa trước khi quyết định thu phí tham quan.