Giải báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" hun đúc tình yêu nghề cho nhà giáo

GD&TĐ - Theo Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Trần Bá Dung, những tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" đã hun đúc thêm tình yêu nghề cho đội ngũ nhà giáo và lòng yêu quý của nhân dân.

Ông Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021. Ảnh Thế Đại.
Ông Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021. Ảnh Thế Đại.

Ông Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021 cho rằng, những tác phẩm báo chí qua cuộc thi đã hun đúc thêm tình yêu nghề cho đội ngũ nhà giáo và lòng yêu quý của nhân dân đối với các nhà giáo.

Năm vừa qua là năm hết sức đặc biệt của ngành giáo dục. Dù phải trải qua đại dịch Covid-19, toàn ngành từ giáo viên, học sinh đã vượt qua những thách thức gay gắt để hoàn thành nhiệm vụ của năm học. Từ đó đã có những tấm gương thực sự gây xúc động, để lại hình ảnh đẹp về người giáo viên hết lòng vì học trò.

Cũng theo ông Dung, năm nay, với hình thức dự thi có thêm nhiều tác phẩm đầu tư công phu, hiện đại hơn, truyền tải được nội dung sinh động, dài kỳ, đa phương tiện. Lĩnh vực phát thanh truyền hình thì có tác phẩm mới như phim tài liệu dài không có lời bình…

Nội dung tác phẩm có nhiều điểm đáng quan tâm từ những vấn đề lớn như chính sách vĩ mô về giáo dục như tự chủ đại học, chính sách về trường công trường tư, chính sách luân chuyển giáo viên, giáo dục mầm non, giáo dục miền núi, đổi mới nội dung sách giáo khoa, đổi mới chương trình,…

Ngoài ra là những tác phẩm về dạy học cho trẻ khiếm thính, người mù, người khuyết tật, giáo dục truyền thống cho con em tại địa phương, dân tộc.

Theo ông Trần Bá Dung, tác phẩm dự thi phong phú về mặt nội dung. Đó  là những hoạt động giáo dục ở nhiều địa phương, nhất là tấm gương hoặc mô hình giáo dục trong phòng chống dịch từ 2 năm nay. Những phương pháp dạy học Lịch sử, dạy học ở vùng cao, vùng sâu vùng xa đã được các nhà báo quan tâm, chú ý.

Đó cũng là những tấm gương của người thầy khuyết tật, tấm gương của thầy cô giáo hết mình vì sự nghiệp giáo dục, là tấm gương của những gia đình có 3 đời làm nghề dạy học….Những hình ảnh, câu chuyện đó đã được các nhà báo phản ánh, khai thác sâu sắc, để lại nhiều ấn tượng đối với người đọc.

Rất nhiều tác phẩm xúc động như thầy giáo bị ung thư nhưng vẫn mở lớp dạy học cho con em đồng bào dân tộc. Khi anh qua đời, đồng nghiệp vẫn tiếp nối truyền thống đó để dạy học và duy trì lớp học. Hay những tác phầm về các thầy cô, sinh viên băng mình vào tâm dịch…

“Chứng tỏ rằng phóng viên theo dõi rất sát sao về vùng miền, loại hình giáo dục. Điều này rất đáng ghi nhận. Bởi không phải ai cũng lên được những nơi đó để có những bài viết hay, hình ảnh đẹp và phóng sự, tư liệu chân thật gây xúc động, lan tỏa mạnh mẽ” – ông Trần Bá Dung đánh giá.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo, cuộc thi này tiếp nối thành công của các năm trước. Sau cuộc thi, sức lan tỏa về hình ảnh, đội ngũ nhà giáo ở khắp mọi miền đất nước từ thành thị, nông thôn đến vùng sâu vùng xa, giáo dục cho đồng báo dân tộc thiểu số Khmer, Tây Nguyên, Lai Châu…Hay hình ảnh bộ đội biên phòng tham gia dạy chữ, dạy nghề dạy văn hóa ở vùng biên giới làm cho xã hội thêm tin yêu vào ngành giáo dục, trân trọng các thầy cô giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ