* Ông có nhận xét gì về Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019. Ông đánh giá như thế nào về sức lan tỏa của Giải báo chí này?
Giải năm nay có bước tiến vượt bậc so với năm trước ở chỗ phạm vi đề tài được mở rộng, từ các vấn đề liên quan đến công tác quản lý giáo dục, hoạt động thực tiễn phong phú của ngành Giáo dục, đa dạng các tấm gương nhà giáo ở khắp các vùng miền, không chỉ giáo dục trong nhà trường mà cả ngoài xã hội rộng lớn, những việc làm tốt và cả chưa tốt trong ngành, những cái mới, cái hay trong cuộc sống và nhiệm vụ giáo dục…
- Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2019 nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sự phối hợp tích cực của Hội Nhà báo Việt Nam.
Công tác tổ chức chuyên nghiệp của Báo Giáo dục & Thời đại, sự tham gia nhiệt tình của lực lượng báo chí trong cả nước, sự công tâm, khách quan của Hội đồng giải thưởng, công tác tuyên truyền cho Giải… đã mang lại thành công đáng ghi nhận của một giải thưởng toàn quốc dù chỉ qua 2 lần tổ chức.
Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” đạt được sự chuẩn mực về công tác tổ chức, từ việc thành lập Ban tổ chức, các Hội đồng chấm giải, sự tham gia có trách nhiệm của các nhà báo uy tín. Việc tuân thủ Điều lệ Giải và các trình tự chấm giải được bảo đảm.
Đặc biệt, sự hưởng ứng của đông đảo các nhà báo, nhất là từ các cơ quan báo chí chủ lực, báo chí địa phương, các báo ngoài ngành Giáo dục… - chứng tỏ Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm nay có sức thu hút lớn và có chỗ đứng trong lòng công chúng báo chí và nhà báo.
Ông Bùi Sỹ Hoa ghi nhận công tác tổ chức chuyên nghiệp của Báo Giáo dục & Thời đại. Ảnh: Thế Đại |
* Là giám khảo ở cả 2 vòng (vòng sơ khảo và chung khảo), ông đánh giá như thế nào về chất lượng của các tác phẩm tham gia Giải năm nay?
- Tham gia cả 2 vòng sơ khảo và chung khảo 2 năm liên tiếp, tôi đánh giá cao chất lượng các tác phẩm tham dự Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”.
Về mặt thể loại, Giải năm nay ghi nhận sự đóng góp của cả 4 loại hình, trong đó truyền hình vẫn giữ được thế mạnh như năm trước ở các tác phẩm phim tài liệu; báo in đóng góp những tác phẩm điều tra công phu, có chiều sâu và sức lan tỏa; báo điện tử cho ra đời những tác phẩm đa phương tiện, dễ đọc, công phu.
Đặc biệt ở thể loại phát thanh năm nay đã tạo ấn tượng đặc biệt, với nhiều tác phẩm dày công tìm tòi, phát hiện nhân vật, cách thể hiện tinh tế, sâu sắc, xử lý kỹ thuật âm thanh hoàn hảo, tạo ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ trong lòng công chúng.
* Trong quá trình chấm bài, các tác phẩm báo chí đã để lại cho ông ấn tượng gì đặc biệt?
- Tôi cực kỳ ấn tượng với các tác phẩm ở thể loại phát thanh và truyền hình. Sự phát hiện, tìm tòi nhân vật điển hình, cách thể hiện chân thực, sinh động, xử lý kỹ thật hình ảnh và âm thanh ở mức điêu luyện tạo được sự đồng tình rất cao của Hội đồng giám khảo.
Tác phẩm là sự kết hợp của phóng viên đi hiện trường và công tác tổ chức sản xuất ở phòng thu, cung cấp nhiều chi tiết sinh động, hấp dẫn, tạo hiệu ứng vô cùng to lớn đối với bạn nghe đài.
Các chi tiết đưa ra thật đắt về cô giáo vùng cao hy sinh vì nghề như 10 năm không dám sinh con thứ 2 vì chưa có con đường từ trường về nhà để thăm con, như nhiều lần con ốm, mẹ ở xa không thể về chăm sóc, để rồi sau này nghe con kể rằng, hôm đó, com nằm mơ, gọi mẹ mà không thấy…
* Nhiều ý kiến mong muốn và đề nghị Giải báo chí “Vì sự nghiệp báo chí Giáo dục Việt Nam” được tổ chức thường niên. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này? Ông có đề xuất gì để Giải ngày càng chất lượng và có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội?
- Tôi nghĩ, tiền đề thành công của Giải báo chí “Vì sự nghiệp báo chí Giáo dục Việt Nam” đã có. Sự nghiệp Giáo dục mà đất nước ta đang tiến hành vô cùng quan trọng và cấp bách, vô vàn những tấm gương nhà giáo và cả xã hội là nguồn đề tài vô tận cho báo chí phản ánh. Vì vậy việc tổ chức giải báo chí thường niên là việc nên làm và phải làm cho Giải có sức lan tỏa rộng lớn hơn.
Lâu nay, các nhà báo đang viết theo những gì đã biết, đã thấy hơn là sẽ biết, sẽ thấy, nghĩa là nhà báo phần lớn bị động, tự tìm tòi.
Vì vậy nên chăng cần có các định hướng lớn từ ngành báo chí được tham gia từ đầu, tránh tình trạng khi viết về các vấn đề vĩ mô, về cơ chế chính sách, nhà báo khó nắm bắt và thể hiện, hoặc tình trạng bài vở về cơ chế, chính sách thì khô khan, bài về thực tiễn thì có khi không theo kịp định hướng mới…
Xin cảm ơn ông!