Đây là nhận định của nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận; Ủy viên Tiểu ban Báo in Hội đồng Sơ khảo; Ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020.
Qua thẩm định các tác phẩm tham dự thể loại báo viết ở vòng sơ khảo, nhà báo Lê Trần Nguyên Huy cho rằng: một điểm cộng ở mùa giải năm nay là các tác phẩm tham dự đã vẽ lên được bức tranh toàn cảnh của giáo dục Việt Nam trong năm 2020.
Những vấn đề nóng bỏng nhất của giáo dục Việt Nam trong năm qua đã được thể hiện một cách sắc sảo, trực diện, đa chiều và khá thấu đáo. Đơn cử như vấn đề: Sự tồn tại của trường chuyên; chất lượng đào tạo thạc sĩ; vấn đề giấy khen và việc khen thưởng trong các trường; kịch bản dạy học thời dịch Covid-19; chất lượng dạy học trực tuyến; văn minh học đường - văn hóa ứng xử trong trường học; chọn trường cho con, nhà vệ sinh trong trường học….
Nhìn chung các tác phẩm đã có sự đồng đều hơn về chất lượng. Đặc biệt, có nhiều bài, loạt bài có sự nổi trội về chất lượng, có sự phát hiện mới mẻ về đề tài, có sự phân tích đa chiều, nhìn nhận từ nhiều góc độ.
Trong thể loại báo điện tử, loạt bài “Cuộc cách mạng giáo dục ở Kỳ Sơn” của báo Nghệ An điện tử, các tác giả đã lăn lộn thực tế, đi sâu tìm hiểu để thấy tại Kỳ Sơn - một huyện vùng cao thuộc dạng “huyện nghèo nhất nước” của Nghệ An - đã thực hiện được một cuộc cách mạng về giáo dục, quyết tâm “thay máu” mạnh mẽ toàn ngành, khó cũng làm và làm quyết liệt nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí cho huyện.
“Người thầy vùng lũ” của Đài Phát thanh-Truyền hình Thanh Hóa ghi lại hành trình đầy gian nan của những người thầy khi thuyết phục người dân người dân tộc thiểu số, người dân nghèo vùng lũ đến với con chữ. Những hình ảnh ghi được vừa xúc động, giàu thông điệp, vừa cho thấy những người thực hiện tác phẩm đã dày công như thế nào.
Hay câu chuyện “Truyền dạy kiến thức qua ống nhựa” của Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trấn Yên, Yên Bái. Qua câu chuyện rất nhỏ là sáng kiến của những thầy cô nơi đây: cho bài tập vào những đoạn ống nước được cắt ra rồi treo tại một nơi rồi thông báo cho học trò đến lấy - một hình thức rất sáng tạo để duy trì việc học tập trong bối cảnh dạy học bị gián đoạn bởi dịch Covid-19...
Các tác phẩm dự thi cũng phản ánh những vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm nhất của ngành Giáo dục trong năm. Như loại hình báo giấy với loạt bài “Để trường chuyên thực sự là nơi bồi dưỡng nhân tài” của Báo Sài gòn Giải phóng; loạt bài “Giấy khen không có lỗi” của Báo Lao động; “Tự chủ đại học: Đừng để học phí thành “nút thắt”” của Báo Nhà báo và Công luận; “Đừng để nhà vệ sinh trường học là nỗi ám ảnh của học sinh” của Báo Công an nhân dân;
Thể loại phát thanh với “Tinh giản biên chế trong ngành giáo dục” của Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam. Thể loại truyền hình nổi bật có series phim tài liệu “Cha mẹ thay đổi” của Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam, với cái nhìn thẳng thắn về công cuộc giáo dục con cái - công cuộc hiểu con, gần con của bố mẹ thời hiện đại; điều tra đầy công phu của Truyền hình Quốc hội Việt Nam với tác phẩm “Giáo viên hợp đồng hành trình tìm lại con chữ”- hành trình đưa những người giáo viên trở lại với bục giảng của các phóng viên Truyền hình Quốc hội.
“Vai trò, trách nhiệm của báo chí là phản biện xã hội. Với riêng ngành Giáo dục, lĩnh vực mang đậm tính dân sinh, được đông đảo dư luận xã hội quan tâm, công cuộc đổi mới ngành Giáo dục đang triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, càng rất cần sự vào cuộc chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng hành của báo chí để sẻ chia cũng như đóng góp ý kiến, thậm chí là phản biện về những công việc mà ngành đang thực hiện. Tất cả hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo nên một nền giáo dục có tư duy giáo dục khai phóng, trí tuệ nhân văn.” – nhà báo Lê Trần Nguyên Huy chia sẻ