Từ một làng quê bình dị với những điều mộc mạc, giản đơn, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo dần trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Cũng nhờ du lịch người Xơ Đăng nơi đây có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Cả làng làm du lịch
Làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng cách thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum) khoảng 40km về phía Tây. Làng có 63 hộ dân với khoảng 300 khẩu, 100% là bà con dân tộc thiểu số Xơ Đăng.
Sáng sớm, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo ẩn hiện trong làn sương. Mùa này, màn sương dày đặc tràn vào thung lũng tạo nên biển mây bồng bềnh, trắng xóa. Nằm lọt thỏm giữa 5 dãy núi, làng du lịch Vi Rơ Ngheo như tách biệt với phần còn lại của thế giới.
Xưa đến nay, người dân nơi đây biết bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nên Vi Rơ Ngheo còn giữ được nhiều nét đẹp trong kiến trúc, sinh hoạt.
Đường vào làng Vi Rơ Ngheo uốn lượn quanh những sườn đồi, khe suối khi lại cắt ngang những cánh đồng lúa chín nhuộm một màu vàng ươm. Hương thơm thoang thoảng của lúa chín, cây cỏ xanh tươi… khiến du khách đê mê chẳng muốn rời.
Xếp gọn mấy chậu địa lan đang khoe sắc trước nhà, anh A Thôn, Trưởng làng Vi Rơ Ngheo bảo rằng, xưa kia cuộc sống bà con vô cùng khó khăn, quanh năm chỉ cày bừa rồi đi trỉa bắp, trồng mì. Quần quật cả năm bà con chỉ đủ ăn, chẳng có lấy vài đồng dư dả.
Đến một ngày đầu đông, có đoàn du khách ưa trải nghiệm tìm đến. Vừa đặt chân đến Vi Rơ Ngheo họ thích thú bởi nét đẹp hoang sơ, với những căn nhà sàn truyền thống mộc mạc. Những du khách ấy được người dân dẫn đi thăm thú cảnh đẹp, thưởng thức món ăn dân dã và hòa mình cùng văn hóa người Xơ Đăng.
Trải qua một ngày, một đêm đắm chìm trong cảnh sắc, họ vẫn say đắm đến tận thời khắc chia tay. Thế rồi “tiếng lành đồn xa”, cảnh sắc và không khí trong lành ở Vi Rơ Ngheo được biết đến ngày một nhiều. Để du khách có những trải nghiệm tốt hơn, bà con bắt đầu cải tạo lại nhà cửa cho tiện nghi, đường làng ngõ xóm cũng được dọn dẹp sạch đẹp, xanh tươi hơn.
Anh A Hiền là một trong những người tiên phong, đưa Vi Rơ Ngheo từ làng quê nghèo trở thành điểm du lịch cộng đồng. Năm 2021, anh bắt tay vào sửa sang lại nhà cửa và trồng thêm hoa lối vào nhà. Thời điểm anh quyết định làm homestay cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Chẳng ai tin anh có thể đưa làng quê nghèo phát triển nhờ du lịch.
Thời điểm ấy, chưa có khách ghé chân, thu nhập không nhiều nên mọi việc từ sửa sang nhà cửa, cải tạo sân vườn… đều một tay anh Hiền tự làm. Mong muốn khi đi vào hoạt động homestay sẽ giữ chân du khách bằng những điều mộc mạc nên anh Hiền trang trí nhà bằng các dụng cụ lao động, trang phục truyền thống của người Xơ Đăng…
Khi dịch bệnh qua đi, homestay của anh Hiền cũng tiếp đón những vị khách đầu tiên. Từ dịch vụ manh mún như: Thưởng lãm cảnh đẹp, ngắm địa lan…, anh Hiền và một số hộ dân trong làng được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về ích lợi khi làm du lịch cộng đồng.
Thế rồi nhiều hộ dân khác cũng học tập cách làm homestay để vừa nâng cao chất lượng cuộc sống lại bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Những đoàn du khách ghé đến Vi Rơ Ngheo ngày một đông, họ được trải nghiệm chèo thuyền đánh cá trên sông, đánh cồng chiêng, múa xoang bên ánh lửa bập bùng với ghè rượu, gà nướng, cơm lam… Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, homestay của anh Hiền còn tạo thu nhập ổn định cho người dân làng Vi Rơ Ngheo từ việc chăn nuôi heo, gà, chế biến món ăn, múa xoang, biểu diễn cồng chiêng…
Một góc làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo. Ảnh: Trúc Hân |
Người dân hình thành các tổ múa xoang, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thu hút du khách. |
Những đứa trẻ ở làng học đánh cồng chiêng, lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: UBND xã Đăk Tăng |
Đời sống đổi thay
Ngoài thời gian lên nương rẫy, lâu nay chị Y Hân còn dệt thổ cẩm để sử dụng trong gia đình và phục vụ khách du lịch. Với mỗi chiếc áo hay váy thổ cẩm chị bán ra thị trường từ vài chục đến hơn 500.000 đồng. Chị còn làm thêm rượu cần với giá từ 200.000 - 400.000 đồng/ghè và mô hình nhà rông từ 300.000 – 800.000 đồng để du khách mua về làm quà.
Một số hộ khác kết nối với nhau tổ chức những đêm biểu diễn nghệ thuật để du khách trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng. Mỗi người dân khi tham gia hoạt động văn nghệ sẽ nhận được từ 50.000 - 150.000 đồng/buổi. Bà con phục vụ thêm các dịch vụ khác, như: Nấu ăn, hoạt động trải nghiệm… thì được thêm từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày.
“Đến Vi Rơ Ngheo du khách có thể trải nghiệm dệt thổ cẩm, gội đầu bằng nước lá rừng, văn nghệ lửa trại giao lưu cộng đồng và thưởng thức món ăn truyền thống của người Xơ Đăng. Chúng tôi vừa hòa mình vào điệu múa xoang, cồng chiêng… với du khách lại có thể quảng bá nét đẹp văn hóa của con người nơi đây. Ngoài ra, bà con có thêm nguồn thu nhập giúp cuộc sống đủ đầy hơn”, chị Y Hân tâm sự.
Anh A Thôn, Trưởng làng Vi Rơ Ngheo chia sẻ, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, số lượng du khách đến với Vi Rơ Ngheo ngày một nhiều. Đầu năm 2023 đến nay, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo đón tiếp gần 1.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm không gian xanh của những vườn địa lan, tự tay đan lát, dệt thổ cẩm…
Du khách cũng bị cuốn hút bởi những món ăn truyền thống, nghệ thuật cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và bài dân ca Xơ Đăng… Nhờ làm du lịch, người dân có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khôi phục và duy trì nghề truyền thống, như: Đan lát, dệt thổ cẩm, nghề rèn nhằm thu hút khách tới tham quan, trải nghiệm ở Vi Rơ Ngheo”, anh A Thôn bộc bạch.
Những chậu lan khoe sắc thu hút du khách ghé thăm. Ảnh: Trúc Hân |
Người Xơ Đăng nơi đây còn nhân giống hoa sim, đỗ quyên… khắp 5 ngọn núi để làng Vi Rơ Ngheo rực rỡ sắc hoa. Ảnh: Trúc Hân |
Trả lan về rừng
Ở khắp các ngõ ngách, hàng rào của các gia đình làng Vi Rơ Ngheo ngập sắc hoa phong lan. Những ngày cuối năm hoa lan rực rỡ khoe sắc, hương thơm thoang thoảng theo gió cuốn đi.
Anh A Kiểu (SN 1993, làng Vi Rơ Ngheo) cho hay, quanh làng chỉ có loài lan quý có tên là Trần Mộng. Hoa lan nở rộ khắp các dãy núi từ tháng 12 kéo dài đến tận tháng 4 năm sau.
Trước kia, khi lan mọc nhiều ở các ngọn núi, bà con đưa về để nhân giống và làm đẹp hơn làng Vi Rơ Ngheo. Đến nay cả làng có hơn 1.000 chậu lan khiến Vi Rơ Ngheo thu hút hơn trong mắt du khách gần xa bởi nét đẹp độc đáo lại mộc mạc.
Những cành lan ở rừng đã giúp cuộc sống người dân dần ổn định, kinh tế phát triển. Người Xơ Đăng ở làng Vi Rơ Ngheo cũng ý thức được đã đến lúc trả lan về rừng. Mỗi khi mưa xuống dân làng lại mang lan lên rừng trồng.
Từ những gốc cây mục hay hốc đá, chỗ nào lan có thể sống bà con đều trồng để trả lại cho rừng nét đẹp vốn có. Bà con còn nhân giống hoa sim, đỗ quyên… khắp 5 ngọn núi để làng Vi Rơ Ngheo rực rỡ sắc hoa.
Khi cuộc sống dần ổn định, kinh tế phát triển người dân ý thức được đã đến lúc trả lan về rừng. Ảnh: Trúc Hân |
“Các đồi hoa, rừng hoa này được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Không một ai được nhổ trộm, bán hoa. Sau này, chúng tự sinh sôi để hình thành cả vùng hoa và sẽ là điểm hấp dẫn đối với du khách khi đến với Vi Rơ Ngheo”, A Kiểu tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho hay, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho bà con. Từ việc làm du lịch, địa phương đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí, loại hình hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, hấp dẫn.
Theo ông Bay, thời gian qua làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo góp phần tạo cơ hội, việc làm cho người dân. Qua đó giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cuộc sống, người dân cũng dần ý thức được việc bảo vệ môi trường sống, cải tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm. Đồng thời gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc.
Theo ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, đến nay đã có 50/63 hộ dân trong làng Vi Rơ Ngheo tham gia hợp tác xã du lịch. Với sự giúp đỡ từ chính quyền và nỗ lực của người dân, làng Vi Rơ Ngheo đã hình thành các đội múa xoang, cồng chiêng với nhiều lứa tuổi tham gia.
Người dân Vi Rơ Ngheo còn xây dựng từng nhóm hộ trồng rau, nuôi gà, heo, bắt cá suối và tổ chức nấu ăn phục vụ du lịch khi có khách đến thăm làng. Huyện cũng kết nối các tour du lịch khám phá hồ, thác quanh làng Vi Rơ Ngheo.
“Huyện sẽ tổ chức đưa các hộ gia đình đi học tập kinh nghiệm ở những mô hình làm du lịch cộng đồng đã thành công ở các tỉnh khác. Để rồi từ những mô hình đó, họ sẽ về triển khai phù hợp với ngôi làng của mình. Mục tiêu của huyện là xây dựng làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo trở thành điểm đến hấp dẫn và đạt chuẩn ASIAN”, ông Thắng nói.
Ngày 7/4/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 116 công nhận điểm du lịch Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo. Vi Rơ Ngheo là làng du lịch cộng đồng thứ hai của huyện Kon Plông, sau làng du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen).