Bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Chay gắn với du lịch cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mô hình du lịch cộng đồng đã và đang góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc và nâng cao thu nhập cho đồng bào người DTTS.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Chay gắn với du lịch cộng đồng.
Bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Chay gắn với du lịch cộng đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa

Yên Ninh là xã miền núi phía Bắc của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với địa hình đồi núi tương đối phức tạp. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 4.756,81 ha, dân số 6,777 người, trong đó gần 80% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhận thức được tiềm năng sẵn có tại địa phương, anh Hoàng Khắc Cần, người dân tộc Sán Chí xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã và đang mạnh dạn chuyển đổi, kết hợp mô hình vừa trồng chế biến nguồn dược liệu quý vừa xây dựng mô hình Farmstay.

Anh Cần chia sẻ: Tôi bắt đầu trồng dược liệu cây dây Thìa Canh lá to từ năm 2011, kế thừa các công trình nghiên cứu khoa học của PGS.TS Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Thực vật, Trường đại học Dược Hà Nội. Quá trình trồng, chăm sóc, chế biến nhận thấy đây là nguồn dược liệu quý, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với cây lúa, ngô và một số cây trồng khác.

Nhận thấy giá trị từ loại cây dược liệu này, nhiều hộ dân lân cận đã cùng tham gia trồng cây dược liệu Thìa Canh, ngay sau khi thu hoạch sẽ bán trực tiếp cho công ty cổ phần sản phẩm thiên nhiên DK với giá 8.000 đồng/ cân. Với khoản thu nhập này, đã giúp đời sống kinh tế của một số hộ là đồng bào người Sán Chay tại địa phương được nâng cao hơn, ổn định hơn.

Tuy nhiên, không dừng lại từ việc phát triển nguồn dược liệu, anh Cần còn tiếp tục mạnh dạn đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn, gìn giữ văn hóa đồng bào người dân tộc Sán Chay.

Một góc Farmstay thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người dân tộc Sán Chay tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Một góc Farmstay thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người dân tộc Sán Chay tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Theo anh Cần, để có thể thực hiện được mô hình du lịch cộng đồng này, anh đã phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ trang phục, cách trồng, chăm sóc và chế biến các món ăn, tập tục, đạo cụ làm nông nghiệp…

Hiện nay, anh Cần đã và đang trong quá trình hoàn thiện khu du lịch trải nghiệm cộng đồng của mình với các công trình như: Nhà sàn, khu tắm lá thuốc, ẩm thực đặc sắc với các món ăn chủ đạo từ mẻ và măng chua, khu vực thưởng trà, ngắm cảnh thiên nhiên, núi rừng, trải nghiệm các công cụ nông nghiệp của người Sán Chay như nỏ, cung tên, máy xay thóc, lúa…Với diện tích hơn 4ha, bao gồm cả khu vực trồng, chế biến dược liệu và farmstay đây sẽ là một trong những địa điểm trải nghiệm văn hóa dân tộc thú vị.

Đảm bảo các điều kiện cần thiết về ăn, nghỉ, trải nghiệm văn hóa

Anh Cần khẳng định: Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương đã mang lại kết quả rất tốt. Du khách trong nước và quốc tế biết đến huyện Phú Lương để trải nghiệm tăng nhiều hơn. Do đó, để có thể thu hút du khách về với mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương thì cơ sở lưu trú cần rất chỉn chu trong công tác phục vụ, đón tiếp du khách, tạo được sự tin cậy và hấp dẫn.

Máy quạt lúa - một trong những đạo cụ nông nghiệp được người dân tộc Sán Chay sử dụng.

Máy quạt lúa - một trong những đạo cụ nông nghiệp được người dân tộc Sán Chay sử dụng.

Thông qua hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư được hưởng lợi từ du lịch, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường. Mặt khác, thông qua phát triển du lịch đã và đang khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa địa phương phục vụ khách du lịch.

Không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, mô hình du lịch cộng đồng còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, tăng thu nhập cho người dân đặc biệt là đồng bào DTTS nói chung và cộng đồng người Sán Chay tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương nói riêng.

Hiện nay, toàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên có 18 di tích được công nhận xếp hạng, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 6 di sản văn hóa phi vật thể, có tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, đưa du lịch trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ