Du lịch cộng đồng – hướng đi mới của những thanh niên DTTS

GD&TĐ - Du lịch cộng đồng đang nhận được sự quan tâm lớn của du khách, cùng với đó là tinh thần khởi nghiệp của những thanh niên “dám nghĩ dám làm”

Du lịch cộng đồng – hướng đi mới của những thanh niên DTTS.
Du lịch cộng đồng – hướng đi mới của những thanh niên DTTS.

Mô hình du lịch độc đáo

Những mô hình du lịch độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại nhiều địa phương. Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều thanh niên ở vùng cao, thanh niên dân tộc thiểu số đã lựa chọn gây dựng sự nghiệp ngay tại quê hương, tạo sinh kế cho bản thân và từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho gia đình, cộng đồng.

Đơn cử như điểm du lịch cộng đồng do Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng tổ chức quản lý. Đây là điểm có khu sinh thái suối Kẹm với những cánh rừng nguyên sinh với 4 bãi tắm khá rộng và các điểm checkin đẹp bên bãi đá và các tầng thác.

Trên địa bàn hiện có 5 nhà hàng phục vụ ăn uống và kinh doanh dịch vụ nghỉ lưu trú Homestay, gồm: La Bằng xanh, Huệ Phúc, La Bằng homestay, Tân Sơn quán, Nhà hàng suối Kẹm. Người dân khu vực La Bằng còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa dân tộc như: hát then - đàn tính, lễ cấp sắc,tết nhảy của đồng bào người Dao, văn hóa trà, các nghề thủ công... có phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ.

Nhận thấy tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng, gia đình Lê Văn Phương, xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại từ bén duyên với mô hình homestay từ tháng 4 năm 2022, với số vốn hơn 2 tỷ đồng trên diện tích 6000m, anh Phương đã xây dựng khu lưu trú, nghỉ dưỡng kết hợp nhà hàng, nuôi cá tầm nước lạnh.

Du khách khi lưu trú tại homestay sẽ được hưởng đa dạng các dịch vụ như tắm suối, trải nghiệm nương chè đẹp, thưởng thức đặc sản địa phương, hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống độc đáo.

Theo anh Phương, mô hình sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã đem lại những tín hiệu tốt, du khách đến ngày càng đông, đặc biệt là những ngày cuối tuần, trung bình một tháng có từ 500 – 600 lượt khách tới trải nghiệm các dịch vụ. Trước đây, nếu chỉ theo nghề truyền thống là trồng và chế biến chè sẽ không thể đem lại thu nhập cao như làm homestay.

Mang đậm văn hóa dân tộc

Du khách thăm quan trải nghiệm tại khu du lịch cộng đồng của anh Hoàng Khắc Cần.

Du khách thăm quan trải nghiệm tại khu du lịch cộng đồng của anh Hoàng Khắc Cần.

Đồng quan điểm với anh Lê Văn Phương, anh Hoàng Khắc Cần, người dân tộc Sán Chay, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cũng đã mạnh dạn kết hợp mô hình vừa trồng chế biến nguồn dược liệu quý vừa xây dựng mô hình Farmstay. Đây là một trong những động lực để người dân phát triển thương hiệu, phát huy nghề trồng, chế biến và bảo tồn nguồn dược liệu quý

Không dừng lại tại đó, anh Cần tiếp tục thay đổi tư duy, xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng kết hợp với mô hình dược liệu. Theo anh Cần để có thể thực hiện được mô hình du lịch cộng đồng này, anh đã phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ trang phục, cách trồng, chăm sóc và chế biến các món ăn, tập tục, đạo cụ làm nông nghiệp…

Sau khi hoàn thiện khu du lịch trải nghiệm cộng đồng với các công trình như: Nhà sàn, khu tắm lá thuốc, ẩm thực đặc sắc với các món ăn chủ đạo từ mẻ và măng chua, khu vực thưởng trà, ngắm cảnh thiên nhiên, núi rừng, trải nghiệm các công cụ nông nghiệp của người Sán Chay như nỏ, cung tên, máy xay thóc, lúa…Với diện tích hơn 4ha, bao gồm cả khu vực trồng, chế biến dược liệu và farmstay của anh Cần đã đi vào hoạt động đón những du khách đầu tiên, có thể nói đây sẽ là một trong những địa điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng và văn hóa dân tộc thú vị.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó có Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiểu dự án nhằm hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gien dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ