“Gác” lại điều kiện tốt, chàng trai trẻ “băng rừng” đến với đồng bào dân tộc

GD&TĐ -Nông Nguyễn Duy sinh ra và lớn lên tại xóm Nà Khá, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, anh Duy đã “bén duyên” với Dự án đưa các trí thức trẻ về các xã nghèo công tác.

Phó Chủ tịch xã Nông Nguyễn Duy.
Phó Chủ tịch xã Nông Nguyễn Duy.

Ý định bỏ cuộc!

Anh Nông Nguyễn Duy sau khi tốt nghiệp Đại học định về quê xin việc tại địa phương. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu về Dự án đưa 600 Trí thức trẻ có trình độ Đại học về làm Phó chủ tịch xã tại các địa bàn vùng khó, anh đã “đầu quân” ngay.

Gia đình ngăn cản mãi vì xa nhà gần 200km, đi lại khó khăn, bố mẹ thì già yếu. Thế nhưng, nung nấu mãi ý chí được đưa những kiến thức đã học đến với đồng bào dân tộc nghèo, được khát khao cống hiến nên anh đã quyết tâm đăng ký và được phân công làm Phó chủ tịch xã Mông Ân, Huyện Bảo Lâm, (Cao Bằng).

Đó là một vùng quê miền núi đặc biệt khó khăn, điều kiện tự nhiên là một xã vùng núi địa hình đồi núi bị chia cắt mạnh là chủ yếu, diện tích đất nông nghiệp ít chủ yếu có các các sườn núi thoải nhân dân tận dụng mở ruộng bậc thang, và khái phá rẫy để trồng ngô, đỗ và các loại hoa mầu.

Thêm nữa, điều kiện khí hậu lại khắc nhiệt hạn hán vào mùa khô kéo dài, thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, sương muối băng giá tại các vùng núi cao.

Người dân chủ yếu là trình độ dân trí thấp, trong nhân dân vẫn cồn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, 100% nhân dân trong xã là bà con dân tộc thiểu số trong đó đông nhất là dân tộc Mông chiếm trên 60%, các hoạt động kinh tế chủ yếu là trồng trọt mang nặng tính tự cung tự cấp.

Với những điều kiện khó khăn ấy, anh Duy tự nhủ: “Khi nhận được quyết định công tác tại địa phương tôi tự nhủ trong lòng rằng mình phải làm được cái gì đó để gọp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương để nhân dân đỡ khó khăn vất vả hơn. Đây cũng là động lực để tôi phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Anh Duy còn nhớ mãi đoạn đường lần đầu tiên anh về nơi đây, phải đi mãi con đường dốc đá đầy hiểm nguy, leo mãi vẫn chưa hết chỗ khó, vừa đói vừa mệt, anh đã thấy “chùn bước”. Thế nhưng, càng nghĩ lại càng thương những con người sống mãi ở nơi đây, họ chẳng biết làm sao để thoát nghèo. Và, anh lại bước tiếp và đến nay, Bảo Lâm đã trở thành quê hương thứ hai của anh.

Thế nhưng, cái khó nhất của anh Duy có lẽ là sự bất đồng ngôn ngữ khi anh là người dân tộc Tày nhưng lại làm việc với dân tộc Mông , Sán Chỉ, Nùng, Dao, nên việc giao tiếp và làm việc với bà con gặp không ít trở ngại.

Nhớ lại những ngày phải nấu ăn nhờ tại bếp của UBND xã, ngủ tại phòng làm việc bằng chiếc chiếu rách trải tạm xuống nền; Không có điện, không sóng điện thoại, không chợ, không hàng quán, thế nhưng anh cùng bà con nơi đây có “tình cảm đặc biệt” với nhau. Họ quý anh như những người con của bản, họ thương anh bỏ nơi điều kiện tốt để về giúp họ vươn lên. Và cũng nơi đây, anh đã “bén duyên” với người vợ hiền cũng cùng chung ý chí như anh. Chị là giáo viên mầm non, cũng là một người từ nơi khác về công tác tại địa phương và mang trên mình trách nhiệm đưa con chữ về với con em vùng cao.

Đặt mình vào vị trí của dân

Lấy công việc làm niềm vui, lấy bà con làm mục đích phấn đấu, anh Duy luôn nhớ từng chi tiết nhỏ từ khi đặt chân đến mảnh đất này. Anh kể: Tôi còn nhớ mãi vào một buổi sáng đầu giờ làm việc mùa đông năm 2012 có một anh tham gia đề án trồng ngô thu đông của tôi đã xuống UBND xã tìm vì muốn biếu nửa bao ngô nếp với lời nhắn “nhờ cán bộ hướng dẫn mà em trồng ngô bán được cũng khá”. Thế là buổi sáng hôm đấy cả Ủy ban được bữa ngô luộc, niềm vui của bà con cũng chính là niềm vui của chúng tôi”.

Anh Duy còn cho hay: Bài học sâu sắc nhất rút ra trên cương vị Phó Chủ tịch xã của tôi là luôn mình vào vị trí của người dân để giải quyết những vướng mắc của nhân dân.

Sau những gì học được và truyền đạt kinh nghiệm cho nhân dân, anh Duy đã giúp bà con thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian làm Phó Chủ tịch xã anh thường mở thêm các tuyến đường mới phục phụ đi lại của người dân; Chấm giờ giấc làm việc của các công chức trong xã; Thành lập ban vận động phòng chống tảo hôn. Đề xuất Đề án về Trồng cỏ nuôi bò; Đề án Trồng ngô vụ thu đông; Đề án Trồng cây xoan ta,..giúp bà con phát triển kinh tế tăng thêm thu nhập, đồng thời đẩy lùi được mê tín dị đoan và những tệ nạn tiêu cực trong xã.

Nói về kế hoạch trong tương lai, anh Duy nói:“Tôi chỉ mong được cống hiến hết sức mình cho nhân dân, và hai vợ chồng sẽ cố gắng để xây được một căn nhà nhỏ để yên tâm sinh sống tại quê hương thứ hai này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ