F-35 và Patriot bảo vệ huyết mạch vũ khí đến chiến sự

GD&TĐ - Sau tiêm kích tàng hình F-35 là hệ thống phòng thủ Patriot được phương Tây triển khai sát biên giới Ukraine để phòng tình huống 'nóng' xảy ra.

Hệ thống đánh chặn Patriot.
Hệ thống đánh chặn Patriot.

Bảo vệ huyết mạch

Theo Defense News, Bộ Quốc phòng Đức ngày 23 tháng 1 thông báo đã điều động hai tổ hợp phòng không tầm xa Patriot cùng khoảng 200 quân nhân tới thành phố Rzeszow ở đông nam Ba Lan, nhằm bảo vệ hạ tầng hậu cần quốc phòng ở đô thị này.

Những hệ thống dự kiến bắt đầu hoạt động từ ngày 27 tháng 1 và sẽ làm nhiệm vụ tại đây trong ít nhất 6 tháng, thay thế các tổ hợp phòng không Mỹ triển khai.

Cùng với Patriot, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius còn cho biết nước này sẽ điều các tiêm kích đa năng Typhoon đến Ba Lan vào mùa hè để hỗ trợ bảo vệ không phận trước những nguy cơ có thể xảy ra.

Thành phố Rzeszow nằm cách biên giới Ba Lan - Ukraine chỉ khoảng 80 km, là trung tâm hậu cần quan trọng của NATO và cũng là nơi tập kết vũ khí của phương Tây trước khi chuyển cho Ukraine.

Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Ba Lan, có khoảng 90-95% thiết bị quân sự do Mỹ và đồng minh sản xuất đã được cung cấp cho Ukraine thông qua địa điểm này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz tuyên bố: "Jasionka là trung tâm viện trợ quân sự và nhân đạo chính cho Ukraine. Hai tổ hợp Patriot có ý nghĩa rất lớn, sẽ bảo vệ đất nước và không phận của chúng tôi".

Trước khi Đức triển khai Patriot, cuối năm 2024, Na Uy cũng đã triển khai tiêm kích F-35 và hệ thống phòng không NASAMS tới Ba Lan để bảo vệ sân bay Jasionka ở ngoại ô Rzeszow, nhấn mạnh tầm quan trọng của địa điểm này đối với hoạt động vận chuyển thiết bị quân sự cho Ukraine.

Đức từng triển khai ba tổ hợp Patriot cùng 300 binh sĩ tới Ba Lan vào tháng 1 năm 2023, sau khi tên lửa Ukraine bay lạc và rơi xuống làng Przewodow của Ba Lan khiến hai người thiệt mạng.

Các tổ hợp Patriot được đặt ở thị trấn Zamosc cách biên giới với Ukraine khoảng 50 km, nhằm bảo vệ khu dân cư này và tuyến đường sắt quan trọng nối với quốc gia láng giềng. Cả 3 hệ thống trên được rút về Đức từ tháng 11 năm 2023.

Vũ khí mạnh nhất

Cũng theo Defense News, tính đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 847 tên lửa Patriot tiên tiến trị giá 3,26 tỷ đô la, sau gói viện trợ đầu tiên trị giá 1,85 tỷ đô la vào tháng 12 năm 2022.

Sau cuộc thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Oreshnik của Nga trên chiến trường Ukraine vào cuối tháng 11 năm 2024, Hà Lan đã chuyển thêm các tổ hợp Patriot tới Kiev.

Mỹ đã cung cấp thêm hai hệ thống Patriot cho Ukraine trong các gói viện trợ quân sự tiếp theo, sau đợt giao hàng đầu tiên vào tháng 12 năm 2022.

Tuy nhiên, ngay cả khi có thêm các khẩu đội Patriot, Ukraine vẫn phải dựa vào các tên lửa đánh chặn có năng lực cao, chẳng hạn như biến thể tiên tiến nhất là tên lửa MSE, để hệ thống phòng không hoạt động bình thường.

Vào tháng 6 năm 2024, Cố vấn truyền thông an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết Ukraine sẽ được ưu tiên chuyển giao các lô tên lửa đánh chặn ngay sau khi các hệ thống này được đưa ra khỏi dây chuyền lắp ráp trong "16 tháng tới".

Cùng lúc đó, Quân đội Mỹ cũng tuyên bố vào tháng 6 rằng họ đã trao hợp đồng trị giá 4,5 tỷ đô la trong nhiều năm cho Lockheed Martin Missile and Fire Control để mua thêm tên lửa MSE và số lượng đáng kể trong số này sẽ được chuyển cho Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Hoàng Thị Hương ân cần với học trò.

'Mầm xuân' ở vùng đất khó

GD&TĐ - Những cô giáo ở Mù Cang Chải (Yên Bái) ngày đêm miệt mài gieo hạt giống tri thức cho những học trò vùng cao gian khó...

Tuyết rơi tại xã Thượng Phùng sáng 26/1.

Hà Giang có tuyết rơi

GD&TĐ - Một số địa phương tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có tuyết rơi vào sáng 26/1.