Tuyển sinh đại học 2025: Lạ lẫm môn mới trong tổ hợp xét tuyển

GD&TĐ - Năm 2025, nhiều trường đại học sử dụng môn mới trong Chương trình GDPT 2018 để xây dựng tổ hợp xét tuyển, trong đó Toán hoặc Ngữ văn là môn bắt buộc.

Học sinh THPT tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 tại Hà Nội. Ảnh: ITN
Học sinh THPT tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 tại Hà Nội. Ảnh: ITN

Sử dụng môn mới

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo; trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm. Các tổ hợp trong cùng một ngành phải có số môn chung chiếm ít nhất 50% tổng điểm.

Trên tinh thần đó, nhiều trường dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển trong năm 2025. TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trường dự kiến có 4 tổ hợp xét tuyển, mỗi tổ hợp gồm 3 môn. Trong đó, Toán là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành: Công nghệ thông tin, Kế toán, Tài chính ngân hàng và các ngành kỹ thuật. Ngữ văn sẽ là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành liên quan đến quản trị và xã hội như: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật kinh tế. Tiếng Anh là môn chính trong tổ hợp xét tuyển các ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc.

Theo thông báo của Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), dự kiến các tổ hợp môn xét tuyển áp dụng cho tất cả ngành/chuyên ngành và phương thức là: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn; Toán - Tiếng Anh - Vật lý; Toán - Tiếng Anh - Tin học; Toán - Tiếng Anh - Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Trường sẽ xem xét việc đưa thêm tổ hợp: Toán - Vật lý - Hóa học sau khi có quy định tuyển sinh chính thức. Như vậy, năm 2025, trường sử dụng 2 môn mới trong Chương trình GDPT 2018 là Tin học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật để xét tuyển.

Năm nay, Đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng) dự kiến điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển các ngành kinh tế, thay vì xét tổ hợp Toán - Vật lý - Hóa học như các năm trước, nay có thể là Toán - Vật lý - Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

mon-moi-trong-to-hop-xet-tuyen-1.jpg
Học sinh Hà Nội mong sớm ban hành Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025.

Cần công bố sớm

Năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh hơn 9.600 sinh viên và giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh: Xét tuyển tài năng; xét tuyển theo điểm đánh giá tư duy; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc cho biết, bên cạnh giữ nguyên 10 tổ hợp xét tuyển và môn chính theo các năm trước bao gồm: A00, A01, A02, B00, D01, D04, D07, D26, D28 và D29, năm nay ĐH Bách khoa Hà Nội bổ sung một tổ hợp mới K01 bao gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Lý/Hóa/Sinh/Tin; trong đó, Toán, Ngữ văn là 2 môn bắt buộc, kết hợp với 1 trong 4 môn: Vật lý hoặc Hóa học hoặc Sinh học hoặc Tin học có nhân hệ số.

ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho hay, các tổ hợp xét tuyển của trường chủ yếu liên quan đến Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một phần liên quan đến Vật lý, Hóa học. Nhà trường tiếp tục cân nhắc và xem xét các tổ hợp xét tuyển phù hợp Chương trình GDPT 2018 và Quy chế tuyển sinh. Ngoài các tổ hợp truyền thống, trường sẽ nghiên cứu, tính toán xem xét có nên sử dụng một số môn như: Lịch sử, Giáo dục công dân để xét tuyển hay không.

mon-moi-trong-to-hop-xet-tuyen-2.jpg
Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2024.

Qua quan sát, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận thấy, đến thời điểm này, các tổ hợp xét tuyển được cơ sở đào tạo dự kiến sử dụng trong năm 2025 cơ bản giữ ổn định so với năm trước đó. Nếu có điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp theo dự thảo quy chế cũng không gây xáo trộn thí sinh.

“Điều chỉnh của dự thảo quy chế nhằm để các trường không đưa ra quá nhiều tổ hợp tuyển sinh cho một ngành, nhóm ngành đào tạo, gây khó khăn cho thí sinh”, TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận và cho hay: Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục đại học xây dựng các tổ hợp xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của đầu vào ngành học của bậc đại học.

Theo đó, chỉ được đặt thêm tiêu chí phụ cần thiết đối với những ngành năng khiếu, ngành “hot”. Điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo bậc đại học để bù đắp các nội dung cơ bản cần có, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên học tập và nghiên cứu chuyên ngành phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Đồng tình với việc trường xây dựng tổ hợp xét tuyển phải có môn Toán hoặc Ngữ văn, cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) phân tích, đây là 2 môn bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Cô Thu đề xuất, các trường đại học cần công bố sớm tổ hợp xét tuyển vào các ngành, chương trình đạo tạo để giáo viên, học sinh chủ động trong dạy - học. Bởi đây là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo Chương trình GDPT 2018.

Nhìn nhận về điều chỉnh của dự thảo quy chế tuyển sinh, Đào Lâm Duy - học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hưng Yên) cho rằng, với học sinh học tốt một số môn như Toán hoặc Ngữ văn sẽ có thêm cơ hội nếu các trường bắt buộc xét tuyển môn đó trong tổ hợp. Ngoài ra, đưa thêm các môn đặc thù vào tổ hợp xét tuyển sẽ giúp chọn lọc thí sinh phù hợp hơn với ngành nghề mà cơ sở giáo dục đại học đào tạo.

“Em mong các trường đại học điều chỉnh tổ hợp môn phù hợp với thực tiễn giảng dạy trong các trường THPT. Không nên thay đổi tổ hợp liên tục vì như vậy chúng em sẽ bị rối và gặp khó khăn trong định hướng nghề nghiệp”, Lâm Duy bày tỏ.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), không phải môn nào cũng có thể áp dụng tuyển sinh trong một ngành đào tạo. Chẳng hạn, ngành đào tạo kỹ thuật mà áp dụng cả môn Văn, Sử, Địa và Toán, Lý, Hóa để tuyển sinh là không đúng bản chất việc dựa vào năng lực, phẩm chất cần thiết cho ngành, lĩnh vực đào tạo đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ