Thông cáo báo chí của cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU) hôm 24/6 cho biết, Hội đồng châu Âu đã thông qua vòng trừng phạt kinh tế và cá nhân thứ 14 đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.
Tuyên bố cho biết các biện pháp này nhắm vào các lĩnh vực “có giá trị cao” của nền kinh tế Nga, như năng lượng, tài chính và thương mại. Hội đồng cho biết thêm, khối này cũng tìm cách ngăn chặn Moscow và các đối tác thương mại của nước này lách các lệnh trừng phạt của EU.
Đây là lần đầu tiên EU nhắm tới khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có nguồn gốc từ Nga. Các hoạt động tái xếp hàng, chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác và chuyển hàng từ tàu sang bờ nhằm mục đích tái xuất khẩu sang nước thứ ba thông qua EU đã bị cấm.
Tuy nhiên, gói trừng phạt không đề cập tới việc nhập khẩu LNG của Nga để sử dụng trong khối.
Nga đã nổi lên như một nhà cung cấp LNG hàng đầu cho khối liên minh sau khi lưu lượng khí đốt qua đường ống giảm mạnh vào năm 2022 do hậu quả của chiến dịch trừng phạt và vụ phá hoại đường ống Nord Stream, vốn là đường dẫn khí đốt chính của Nga vào EU.
Các biện pháp trừng phạt khác là hạn chế xuất khẩu hàng hóa mà EU tin rằng góp phần nâng cao năng lực công nghiệp của Nga, chẳng hạn như hóa chất, bao gồm quặng mangan và hợp chất đất hiếm, nhựa, máy đào, màn hình và thiết bị điện.
Lệnh cấm nhập khẩu cũng được áp dụng đối với khí heli của Nga - thành phần quan trọng trong nhiều quy trình công nghiệp như sản xuất sợi quang và chất bán dẫn.
Trong lĩnh vực tài chính, Hội đồng Châu Âu đã cấm hệ thống ngân hàng SWIFT tương đương của Nga. Hệ thống chuyển tin nhắn tài chính (SPFS) được ngân hàng trung ương Nga thiết lập sau khi nước này bị cắt khỏi SWIFT như một phần của các lệnh trừng phạt trước đó.
Các hạn chế cũng đã được áp dụng đối với 116 cá nhân và tổ chức được cho là có liên quan đến tình hình Ukraine.
Cùng với đó, EU cũng đã thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với hàng chục thực thể ở các nước thứ ba như Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về cáo buộc cung cấp hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng cho Nga.
Moscow từ lâu đã coi các lệnh trừng phạt là bất hợp pháp. Tổng thống Vladimir Putin tuần trước cho biết các nước phương Tây “đang cố gắng làm suy yếu nền kinh tế Nga” và “kích động sự gia tăng căng thẳng xã hội và chính trị” ở nước này, mặc dù những nỗ lực của họ đều vô ích.
Khi được công bố vào tháng 4 rằng vòng trừng phạt thứ 14 sẽ nhắm vào LNG của Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đáp trả bằng cách nói rằng các quốc gia phương Tây đang tự bắn vào chân mình.
Ông nói thêm rằng Nga sẽ "cố gắng giảm thiểu hậu quả" và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.