Đường dài cho mầm non tư thục

GD&TĐ - Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Sở GD&ĐT TP có báo cáo về thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thống kê cho thấy tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động ngành Giáo dục của TP bị mất việc là 12.341 người và 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0. Đời sống của giáo viên, người lao động thời gian qua hết sức khó khăn, đặc biệt là nhóm giáo viên mầm non các trường ngoài công lập.

Trẻ không được đến trường do dịch bệnh, các cơ sở giáo dục tư thục không có nguồn thu nên nhiều nơi đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương 4 tháng nay. Tình hình này không chỉ diễn ra với giáo viên mầm non tư thục TPHCM, mà còn cả ở các địa phương khác, nơi chưa kiểm soát được dịch bệnh.

Mặc dù Chính phủ, Liên đoàn Lao động TP đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ  nhưng vẫn còn nhiều giáo viên, nhân viên chưa được nhận trợ cấp, không ít chủ trường chưa tiếp cận được gói hỗ trợ vốn. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc thủ tục khi quá trình xét duyệt hồ sơ trong bối cảnh giãn cách, khó thể chứng thực các loại giấy tờ. Đặc biệt, nhiều giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện nên chưa đủ điều kiện để nhận trợ cấp.

Phải nghỉ việc hoặc không có việc làm, cuộc sống của giáo viên, nhân viên  các trường mầm non ngoài công lập vùng dịch gặp không ít khó khăn. Quy định về quy trình, thủ tục là cần thiết để phòng chống trục lợi chính sách, song đây là thời điểm khó khăn đối với người lao động ngành Giáo dục, rất cần sự linh hoạt trong công tác triển khai hỗ trợ. Thực tế cho thấy có nhiều giáo viên mầm non tư thục không có tiền tích lũy, phải sống nhờ vào nhu yếu phẩm thiện nguyện. Nếu không được hỗ trợ ngay, không ít người sẽ khó trụ được.

Song song với việc đơn giản hoá thủ tục để đội ngũ giáo viên, người lao động, các chủ trường sớm được tiếp cận gói hỗ trợ, trường ngoài công lập cũng cần chủ động nghiên cứu giải pháp lâu dài để ổn định nhà trường, giáo viên được đảm bảo đời sống. Bởi dù các chính sách hỗ trợ phần nào giúp giảm bớt khó khăn của giáo viên, chủ trường nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết khó khăn trước mắt.

Cho đến nay các địa phương chưa kiểm soát được dịch bệnh vẫn chưa thể khởi động việc dạy học trở lại cho bậc mầm non, ngay cả một số nơi rục rịch mở cửa cho người đủ điều kiện “thẻ xanh” đi làm. Mỗi khi trẻ chưa trở lại trường, giáo viên mầm non ngoài công lập sẽ tiếp tục không có thu nhập để trang trải cuộc sống, con đường chuyển nghề, bỏ nghề sẽ không xa.

Thực tế này làm khắc nghiệt hơn tình trạng thiếu giáo viên của cấp học vốn đang rất căng thẳng này. Đặc biệt, tình trạng chủ trường mầm non bỏ trường, giáo viên mầm non bỏ nghề có nguy cơ làm vỡ hệ thống mầm non ngoài công lập, thành quả xã hội hoá giáo dục vốn rất  hiệu quả.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, việc các trường ngoài công lập chủ động xây dựng mô hình trông, dạy trẻ linh động, an toàn mùa dịch là cần thiết để đi đường dài. Mô hình “trông trẻ Pro”, trông trẻ tại nhà của Trường Mầm non Mẹ Yêu Con ở Hà Nội và một số trường khác là hướng đi cần nghiên cứu thêm.

Giáo viên mầm non thay vì đến trường sẽ đến từng nhà phụ huynh có nhu cầu, với giáo án cụ thể cho từng ngày và được nhà trường kiểm tra chất lượng buổi học. Kể cả khi kiểm soát tốt dịch bệnh, mô hình dịch vụ dạy học tại nhà cho trẻ mầm non bài bản vẫn có thể thực hiện ở trường tư thục, trong trường hợp học sinh ốm nghỉ hoặc cần nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.