Vất vả mưu sinh chờ ngày trở lại lớp
Các trường mầm non tư thục đóng cửa do giãn cách đã khiến cuộc sống của hàng ngàn giáo viên rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa. Là giáo viên kỳ cựu của Trường Mầm non Lê Minh, TP Thủ Đức nên khi trường buộc phải nghỉ dịch dài ngày chị Nguyễn T. M vẫn được chủ trường giữ lại. Dù may mắn không mất việc như các giáo viên khác nhưng thu nhập của chị chỉ còn 50%. Để trang trải cuộc sống gia đình với 2 con nhỏ chị bán hàng online.
Lương của chị khoảng trên 7 triệu đồng/tháng. Nhưng vì dịch suốt mấy tháng nay chủ trường cũng lao đao vất vả, cố gắng lắm chủ mới hỗ trợ giáo viên chủ chốt 50% lương. Số tiền ấy chị không đủ cho việc đóng tiền nhà trọ và nuôi con.
“Chồng em làm ở Điện Máy Xanh, dịch nghỉ dài ngày nên cũng mất việc. Hiện cả nguồn thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào khoản lương mà chủ trường hỗ trợ. Vì vậy, hơn 2 tháng nay hai vợ chồng phải mưu sinh thêm nghề tay trái là bán hàng thực phẩm online.
Vốn không có nên em bán lại cho chủ vựa, lãi không được nhiều. Mới bán hàng nên khách quen không có, đa phần là phụ huynh hỗ trợ nên cũng bấp bênh, bữa được bữa không. Hiện chỗ em trọ cũng thường xuyên nhận được hàng hỗ trợ của các nhà hảo tâm nên cũng tạm ổn. Em chỉ mong mau hết dịch để được quay trở lại lớp học”, chị M nói.
Chị Trần Ngọc Vy - giáo viên một nhóm lớp Mầm non tại Quận Gò Vấp, TPHCM đã thất nghiệp từ 2 tháng nay do nhóm trẻ nơi chị dạy đã giải thể. Chị Vy cho biết, nhóm chị dạy mới thành lập từ tháng 9/2020 nên số lượng trẻ thu nhận khá ít, chỉ trên dưới 17 cháu. Số lượng học sinh ít nhưng chủ nhóm lớp cũng cố gắng gồng gánh để duy trì nhóm với hy vọng đạt 30 trẻ thì sẽ cân bằng đủ thu chi. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài suốt từ sau Tết đến giờ, chủ nhóm lớp không còn chịu đựng thêm được nữa, trong khi số trẻ tăng thêm chỉ được 3 cháu.
“Chị chủ nhóm lớp đã cố gắng suốt nửa năm nhưng dịch quá phức tạp và kéo dài nên tháng 6 vừa qua chị quyết định trả mặt bằng, giải thể nhóm. 2 tháng nay em ở nhà ngoài, việc phụ cho chồng làm đậu phụ còn làm thêm chân tư vấn viên bảo hiểm. Tuy vậy, thời gian qua TP thực hiện giãn cách tuyệt đối nên việc buôn bán của chồng cũng rất bấp bênh. Công việc mới của em thì gần như không có khách nên thu nhập gia đình 3 người rất chật vật. Em mới đi làm được 3 năm, trải qua 2 trường và 1 nhóm lớp. Công việc dù rất vất vả nhưng đó là đam mê của em. Vì vậy, em mong mau hết dịch để có thể đi xin dạy trở lại, tiếp tục với nghề dạy học” - Ngọc Vy tâm sự.
Nhiều giáo viên chưa nhận được gói hỗ trợ
Buộc phải phải giãn cách xã hội gần 3 tháng, các chủ trường có nguồn lực tài chính không mạnh gần như kiệt quệ. Tuy nhiên, để giữ chân giáo viên sau khi hết dịch nhiều chủ trường vẫn đang phải gồng mình xoay xở.
Nơi nào trụ được thì hỗ trợ giáo viên 30-50% lương, trường nào không trụ nổi thì đóng cửa, cho giáo viên, nhân viên nghỉ việc chờ hết dịch rồi tính. Ông Nguyễn Trọng Trung - chủ hệ thống Trường Mầm non Thiên Ân, TP Thủ Đức cho biết suốt từ năm 2020 đến nay ông đã chịu tổn thất rất lớn vì ảnh hưởng của dịch. Tuy vậy, gia đình vẫn đang phải cố gắng xoay xở để giữ hệ thống, cũng như giữ chân được toàn bộ đội ngũ giáo viên giỏi, lâu năm cả trường. Nhưng qua đến năm 2021 thì không thể giữ giáo viên được nữa.
“Giáo viên họ chỉ sống bằng lương nên việc giảm lương, thậm chí buộc phải thông báo nghỉ đến họ khiến tôi cùng Ban giám hiệu rất đắn đo và nặng lòng. Thực tế nguồn thu cả hệ thống gần như bằng không, trong khi chi phí cho các khoản trên dưới 400 triệu là một áp lực rất lớn. Để cho giáo viên chủ động Ban giám hiệu đã phải thông báo trước để họ chủ động chuẩn bị cho cuộc sống những ngày tháng chống dịch khi không còn thu nhập. Thật lòng thì áy náy lắm, nhưng giữ lại thì không thể kham nổi” - ông Trung chia sẻ.
Sống và lập nghiệp ở TP được 6 năm, Lê Thị Hồng Lĩnh, giáo viên Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng, TP Thủ Đức không thể ngờ rằng có ngày mình phải tạm nghỉ việc dài ngày đến như vậy. Chị cho biết, chị và chồng con tính về quê tránh dịch, nhưng nghĩ dịch sẽ mau hết nên nán ở lại. Cứ nán lại riết mà cũng gần 3 tháng trôi qua, dịch vẫn chưa hết. Trường học thì đóng cửa suốt 3 tháng qua nên Ban giám hiệu thông báo chị tạm nghỉ việc.
“Mất việc, chồng thì bị giảm lương 50% nên mọi chi phí trong nhà rất túng thiếu. Để duy trì cuộc sống ở trọ không rơi vào bi đát, hơn tháng nay em xoay xở mưu sinh thêm bằng việc đánh hàng rau củ quả từ Đà Lạt (quê) xuống Sài Gòn. Việc buôn bán cũng chỉ ở mức nhỏ lẻ, bán cho bạn bè, cộng đồng trên Facebook, Zalo theo đơn đặt trước.
Tuần em thực hiện 2 chuyến hàng nên có thể trụ lại Sài Gòn mùa dịch. Thấy cảnh vợ cực nhọc mưu sinh chồng em cứ bảo hay là bỏ TP về quê sống, nhưng em không đồng ý vì về quê xin đi dạy học rất khó. Em quyết trụ lại TP xem đây như một thử thách với nghề, vì em không thể bỏ nghề dạy học” - chị Lĩnh nói.
Thực tế, để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TPHCM đã tung ra 2 gói hỗ trợ trị giá hơn 1.800 tỉ đồng để giúp những lao động mất việc, người yếm thế bớt khó khăn. Tuy nhiên, khi được hỏi về các gói hỗ trợ này chị Lĩnh cho biết: “Nhiều người còn khốn khó, cùng cực hơn mình nhiều nên chắc TP ưu tiên họ trước. Còn với giáo viên như tụi em thì chưa thấy gì. Tự xoay xở mà sống thôi”.