Được dạy để có hạnh phúc thay vì nuôi dưỡng sự cạnh tranh

GD&TĐ - Những chẩn đoán về rối loạn tâm thần và đơn thuốc dành cho trẻ em tuổi đi học đã tăng vọt trong 2 thập kỷ qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng 20% trẻ em bị rối loạn tâm thần với các chứng bệnh như trầm cảm, lo lắng ADHD… và điều này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào.

Trẻ em mẫu giáo Đan Mạch
Trẻ em mẫu giáo Đan Mạch

Vấn đề quan trọng

Đây là một vấn đề quan trọng ở Anh, nơi cứ 8 trẻ em thì có 1 em độ tuổi 5 - 9 được chẩn đoán bị rối loạn cảm xúc hoặc hành vi. Ngay cả trẻ em 5 tuổi cũng bị bệnh, theo các báo cáo mới nhất, 6% số trẻ em 5 tuổi bị rối loạn tâm thần.

Những thách thức này còn lớn hơn đối với trẻ em đến từ các gia đình thu nhập thấp – chúng là những đứa trẻ dễ bị các vấn đề về sức khỏe nhiều hơn gấp 4 lần so với bạn bè có gia đình khá giả hơn.

Trong khi cuộc sống gia đình, bạn bè, truyền thông xã hội và hình ảnh cơ thể đều có tác động đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Trẻ em thế giới cho thấy, nhiều trẻ cảm thấy không vui vẻ về trường học nhiều hơn bất kỳ mặt nào khác trong cuộc sống của các em.

Trong khi đó, một tổ chức nghiên cứu cho thấy, trường học thực sự có thể giúp trẻ em có một cuộc sống vui vẻ hơn nếu họ coi trọng thúc đẩy hạnh phúc của trẻ.

HS và GV đều chịu áp lực

Nói chung, hệ thống GD của Anh, giống như nhiều nơi trên thế giới đều hướng về sự cạnh tranh. Các bảng xếp hạng quốc tế như Chương trình Đánh giá HS quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đặt áp lực lên người quản lý GD, GV và HS.

Kết quả là các trường học dường như trân trọng thành tích GD của HS hơn sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của các em vốn được phản ánh qua không chỉ ở cách HS được dạy mà còn cách các em được đánh giá.

GV cũng gặp phải rất nhiều áp lực để bảo đảm HS của mình đạt được thành tích cao nhất có thể. Điều này cũng góp phần vào những vấn đề sức khỏe tinh thần ngày càng tăng ở GV, trong đó nhiều người bị kiệt sức, ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu sức làm việc và cuối cùng khiến họ phải bỏ nghề.

Mặc dù có những yêu cầu đối với các trường học ở Anh trong việc dạy HS cách duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng rõ ràng việc này là chưa đủ.

Những yêu cầu về học thuật đối với HS luôn gây ra cảm giác về sự ganh đua thay vì dạy các em biết cách tận hưởng cảm xúc và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả của GD không cần thiết phải có được trong khi phải hy sinh sự vui vẻ và hạnh phúc của các em.

Các hệ thống GD, bao gồm của Anh, đều có khả năng ứng phó với khủng hoảng sức khỏe tinh thần đang gia tăng ở trẻ em. Nghiên cứu cho thấy rằng, việc thúc đẩy sức khỏe tinh thần và hạnh phúc ở trường học ngang tầm với các kỹ năng cốt lõi như Toán học và xóa mù chữ; đều có tác động tích cực tới lòng tự trọng, thành tích học tập, quan hệ xã hội, động lực và triển vọng nghề nghiệp của HS.

Nhiều GV bị stress vì áp lực công việc quá cao
 Nhiều GV bị stress vì áp lực công việc quá cao

Cách làm của các nước Bắc Âu

Để xem các trường có thể dạy HS hạnh phúc như thế nào, chúng ta hãy nhìn vào hệ thống GD ở một số quốc gia được coi là hạnh phúc nhất thế giới. Ví dụ, tất cả 5 quốc gia Bắc Âu là Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland đều nằm trong nhóm 10 nước hạnh phúc nhất của Báo cáo xếp hạng các quốc gia hạnh phúc.

Các quốc gia Bắc Âu vốn nổi tiếng chú trọng vào việc học tập cảm xúc xã hội, mang đến cho trẻ em những kỹ năng và kiến thức để nhận biết và quản lý cảm xúc một cách hiệu quả. Điều này tạo thành nền tảng của hạnh phúc và có thể cải thiện đáng kể thành công của HS.

Các nước Bắc Âu cũng trân trọng đánh giá của GV đối với các kỳ thi quốc gia và các trường không phải xếp hạng như ở Anh hoặc Mỹ. Điều này ngăn hệ thống GD gây ra những áp lực không cần thiết cho các trường, dẫn đến ít sự cạnh tranh, căng thẳng và lo lắng ở HS, đồng thời tạo ra ít tỷ lệ GV bị kiệt sức.

Trẻ em Phần Lan được xem là có ít áp lực trong học tập
 Trẻ em Phần Lan được xem là có ít áp lực trong học tập

Tìm cách nâng cao hạnh phúc cho trẻ em

Khi đề cập tới vấn đề khỏe mạnh và hạnh phúc, nghiên cứu cho rằng tiền chỉ quan trọng ở mức độ nhất định. Điều quan trọng nhất là phát triển kiến thức cho bản thân, tức là ta biết mình đang nghĩ gì, cư xử và quản lý được cảm xúc của chính mình và có các mối quan hệ xã hội tích cực.

Điều này là hiển nhiên ở một số nước Mỹ La tinh. Ví dụ, Costa Rica và Mexico cũng có chỉ số hạnh phúc cao và được xếp hạng trong số các quốc gia hạnh phúc nhất – theo Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (dựa vào các yếu tố hạnh phúc, tuổi thọ, bất bình đẳng cũng như vấn đề sinh thái).

Những quốc gia này có văn hóa quảng bá mạng xã hội gồm bạn bè, gia đình và hàng xóm. Mặc dù sống ở lục địa bất bình đẳng nhất nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng người Mỹ La tinh rất kiên cường, giỏi vượt qua nghịch cảnh và có thể tận hưởng cuộc sống dù gặp khó khăn.

Theo những báo cáo gần đây, các trường ở Mỹ La tinh cũng làm tốt việc thúc đẩy khả năng phục hồi ở trẻ em. Sự bền vững về môi trường cũng là một phần quan trọng trong các chính sách GD ở các nơi như Costa Rica. Điều này thúc đẩy sự đồng cảm đối với các thành viên khác trong xã hội – một kỹ năng cốt lõi của việc học tập cảm xúc xã hội.

Các hệ thống GD trên thế giới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần của trẻ em nếu họ quyết tâm thực hiện. Các nước ưu tiên hạnh phúc của trẻ em lên hàng đầu thường có một điểm khởi đầu mạnh mẽ.

Bằng cách thúc đẩy các mối quan hệ tích cực nhiều hơn so với sự cạnh tranh, thúc đẩy sự học hỏi qua các bảng xếp hạng, trẻ em trên khắp thế giới sẽ có cơ hội để phát triển tốt hơn.

6% số trẻ em 5 tuổi ở Anh bị rối loạn tâm thần
 6% số trẻ em 5 tuổi ở Anh bị rối loạn tâm thần
Theo Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.