Đây không phải là trường hợp học sinh đầu tiên gặp nạn khi học trực tuyến ở nước ta.
Những tai nạn hi hữu kiểu như vậy thật đáng thương tâm, song không vì thế mà phụ huynh sốt ruột, ngành Giáo dục nóng lòng với việc học trực tiếp. Ở Hà Nội, một trường liên cấp mầm non - tiểu học tận Sóc Sơn, là vùng xanh nhưng lâu nay học sinh phải học trực tuyến.
Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhiều phụ huynh trong vùng phải trở lại công việc hằng ngày, nên đã đồng lòng với nhà trường cho con “học chui” bằng hình thức trực tiếp. Dù chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào, song việc cho đi học trực tiếp mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, nhất là của ngành Y tế, là điều không nên.
Mới đây, ở một huyện của tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt phát hiện nhiều ca F0 là học sinh từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học mà không rõ nguồn lây khiến cho 70 học sinh và giáo viên của các trường có học sinh vừa nhiễm SARS-CoV-2 phải đi cách ly tập trung. Số giáo viên và học sinh này, ít nhất cũng mất 21 ngày mới trở lại trường lớp được.
Địa phương nói trên vừa trở lại dạy trực tiếp sau thời gian dài trực tuyến. Sốt ruột trong trường hợp này ứng với câu nói của người xưa: “Giục tốc bất đạt”. Chuyện tương tự cũng vừa xảy ra tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa khiến 37 học sinh và giáo viên nhiễm Covid-19.
Trong những ngày qua, các ca F0 liên tục xuất hiện khắp nơi mà không rõ nguồn lây. Tình trạng F0 trôi nổi trong cộng đồng đang nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan phòng chống dịch. Vì vậy, việc lây nhiễm Covid-19 trong học sinh là điều khó tránh khỏi. Nếu các em học trực tuyến, mức độ lây nhiễm sẽ hạn chế rất nhiều so với đi học tập trung tại trường.
Xét dưới góc độ chuyên môn, không cần phải phân tích mới thấy được những bất lợi khi học sinh phải học trực tuyến và những ưu điểm khi học trực tiếp. Song học trực tiếp chỉ thuận lợi một khi sự an toàn phải đảm bảo tuyệt đối.
Mà với tình hình lây lan dịch Covid-19 như hiện nay, không ai dám chắc là an toàn tuyệt đối cả, nhất là khi tỉ lệ tiêm vắc-xin lúc này còn quá thấp ở những tỉnh lẻ.
Bộ Y tế đang cân nhắc việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho học sinh từ 12 đến 17 tuổi, tức là số học sinh phổ thông cơ sở và phổ thông trung học sẽ được tiêm đại trà trong thời gian sớm nhất có thể. Chắc chắn đối tượng này cũng sẽ là thành phần ưu tiên để được tiêm vắc-xin.
Với lượng vắc-xin mà Việt Nam được các nước hỗ trợ cộng với số Nhà nước đặt mua, hy vọng trong đầu năm tới, vắc-xin sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, trong đó có việc mở rộng đối tượng được tiêm ở lứa tuổi học sinh.
Được học tập là quyền của các em, nhưng làm thế nào để bảo đảm môi trường học tập an toàn là trách nhiệm của người lớn mà cụ thể là của chính quyền, ngành chức năng ở địa phương.
Không phải vì áp lực phải mở cửa trường học trở lại mà lơ là, bỏ qua những quy định, tiêu chí phòng chống dịch. Việc học tập của các em chỉ thực sự có ý nghĩa khi diễn ra trong một môi trường an toàn.