Dạy học trực tuyến - khó với học sinh vùng cao
Tổ chức dạy học trực tuyến được xác định là cơ hội để giáo viên áp dụng công nghệ 4.0 vào dạy học (trên truyền hình, qua Internet). Đây là phương án được xây dựng để có thể hoàn thành mục tiêu năm học, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
Để chuẩn bị cho công tác dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT Lai Châu đã khảo sát điều kiện dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Qua đó ghi nhận tình trạng nhiều em, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa thiếu thiết bị học trực tuyến.
Cùng với đó, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của nhiều học sinh tiểu học, THCS còn hạn chế. Kỹ năng học tập trực tuyến chưa cao đã tạo những khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện dạy và học trực tuyến.
Ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: “Nếu học sinh phải chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang trực tuyến thì 80% học sinh sẽ thiếu thiết bị. Nhu cầu máy tính cần để học sinh có thể học trực tuyến là hơn 87 nghìn chiếc”.
Đơn cử, tại huyện biên giới Mường Tè, việc dạy học trực tuyến chỉ có thể áp dụng với các trường ở khu vực thị trấn. Còn với trường vùng cao, biên giới, việc này khó có thể thực hiện.
Ông Hà Đình Nhuận, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè cho biết: “Đối với khu vực thị trấn, có khoảng 70% học sinh có thể học trực tuyến. Còn lại các vùng khác, đời sống bà con rất khó khăn, máy tính, điện thoại thông minh không có và sóng cũng không đảm bảo để học sinh có thể tham gia học tập”.
Năm học này, Trường phổ thông DTBT THCS Thu Lũm có 218 học sinh. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học được nhà trường tích cực triển khai thời gian qua. Tuy nhiên, theo thầy Đinh Ngọc Linh, Hiệu trưởng nhà trường, đến nay hình thức này chỉ có thể áp dụng đối với 10% học sinh.
“Tỉnh Lai Châu đang triển khai dạy học trực tiếp. Việc giao bài cho học sinh được giáo viên thực hiện linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường và học sinh. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng phương án dạy học trực tuyến để sẵn sàng ứng phó nếu dịch xảy ra, đảm bảo nội dung chương trình và khung kế hoạch thời gian năm học”, ông Lò Việt Tuyển cho biết.
Huy động nguồn lực để xóa “trắng” thiết bị
Để triển khai các nhiệm vụ giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, ngành GD-ĐT địa phương đang chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kịch bản ứng phó. Đồng thời, vận động mọi nguồn lực ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến theo mục tiêu của chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Mục đích nhằm giúp học sinh vùng khó có điều kiện học tập ổn định trong mọi tình huống.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, ngay sau khi Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em”, Sở, Công đoàn ngành đã phát động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động trong ngành ủng hộ. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng mua thiết bị học tập. Hiện ngành GD-ĐT Lai Châu đã quyên góp được 412 triệu đồng và tiếp tục tiếp nhận các nguồn ủng hộ.
Ông Phạm Văn Phôi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ chia sẻ: “Sau khi Sở và công đoàn ngành phát động ủng hộ, phòng tiếp tục có công văn gửi các trường, huy động đóng góp vào tài khoản của Công đoàn ngành để ủng hộ mua máy tính cho học sinh nghèo”.
Ông Lò Việt Tuyển cho biết thêm: “Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Him Lam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt xem xét, tạo điều kiện tài trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 152 phòng học trực tuyến, phục vụ dạy học ngoại ngữ tại 102 trường tiểu học trên địa bàn 7 huyện. Tổng kinh phí dự kiến là 10 tỷ đồng”.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"