Đưa “Kiều” lên… YouTube

GD&TĐ - Người ta ngâm Kiều, đọc Kiều, lảy Kiều, ví Kiều… Người ta làm phim, dựng kịch từ Kiều, đưa Kiều vào hội họa…

Một buổi biểu diễn trích đoạn ngâm “Kiều”.
Một buổi biểu diễn trích đoạn ngâm “Kiều”.

Ở thời mạng xã hội phát triển như hiện nay, 3.254 câu Kiều đã được nhóm nghệ sĩ Hà Nội ngâm và phát trên mạng YouTube hứa hẹn sẽ là nhịp cầu kết nối với giới trẻ.

Tiếp nối tôn vinh Truyện Kiều

Người khởi sự cho dự án này là nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. Ấp ủ đã lâu, thậm chí cách đây 4 - 5 năm, anh đã chia sẻ điều này với NSND Thanh Hoài và nghệ sĩ Phạm Dũng.

Nhưng phải tới cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động biểu diễn, anh mới có đủ thời gian để lắng lại, thực hiện những điều mình hằng ấp ủ. Khoảng thời gian ở nhà tránh dịch cũng chính là thời điểm anh bắt tay lập đề án, mở lời với các nghệ sĩ.

Chia sẻ được ước nguyện đại đồng, “mua vui cũng được một vài trống canh” của Nguyễn Quang Long, NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh… đã sẵn sàng hợp tác. Rồi thêm nhiều nghệ sĩ cũng đồng lòng “chơi nghề”, đó là: Trần Quế Hương (đàn tranh), Phạm Đức Bình (đàn nguyệt), Lê Hữu Trung (sáo, bầu), NSƯT Xuân Hải (nhị)…

Phải nói ngay rằng, ngâm Kiều là hình thức dân gian đã quen thuộc trong đời sống thường nhật của người dân Việt Nam. Nói cách khác, ngâm Kiều như câu cửa miệng của ông bà ta.

Nó hiện hữu bất cứ lúc nào, dù vui hay buồn, lúc ru con, cháu ngủ, hay dạy dỗ trẻ con, khuyên răn con người ta một điều gì đó, chiêm nghiệm cuộc đời, hoặc đơn thuần là để có phút giây thư thái sau một ngày làm việc mệt nhọc...

Bất cứ hoàn cảnh hay tâm trạng nào, người dân Việt Nam cũng có thể bật ra những câu Kiều để ngâm nga, như giãi bày tâm tình, cho khuây khỏa nỗi lòng…

Ngày nay, trong đời sống văn nghệ, ngâm Kiều vẫn tồn tại ở trong các thể loại kịch hát truyền thống và ca hát dân gian như chèo, hát văn, ca trù, hát xẩm... Tuy nhiên, nó chỉ tồn tại với tư cách một phần nhỏ nằm trong một tác phẩm.

Trong khi ngâm Kiều với tư cách một thể loại, một lối hát riêng được sinh ra từ Truyện Kiều và góp phần đưa Truyện Kiều phổ biến hơn trong lòng người Việt đã gần như không còn được nhắc tới trong đời sống tinh thần.

Chính vì thế, “Ngâm Kiều toàn truyện” là dự án của các nghệ sĩ đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội tôn vinh một lối ngâm độc đáo được sinh ra gắn liền với kiệt tác văn học Việt Nam, đó là ngâm Kiều gắn liền với Truyện Kiều.

Lối ngâm này còn được các nghệ sĩ nghệ thuật và âm nhạc truyền thống dân tộc gọi là lảy Kiều. Thông qua dự án, có thể thấy bên cạnh đóng góp cho văn học, Truyện Kiều có vị trí hết sức thú vị bởi qua đó ông cha ta đã sáng tạo riêng một lối hát dành cho những câu Kiều.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (thứ 2 từ phải sang) cùng ê-kíp của dự án “Ngâm Kiều toàn truyện”. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (thứ 2 từ phải sang) cùng ê-kíp của dự án “Ngâm Kiều toàn truyện”. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Vượt qua khó khăn

Nếu tuổi thơ chúng ta không được tiếp xúc vài câu Kiều thì lớn lên không có tâm hồn người Việt đầy đủ. Không chỉ là một tác phẩm văn học, Kiều còn là nơi tâm hồn Việt nương tựa vào. Không phải ngẫu nhiên mà dân ta ru con cũng bằng Truyện Kiều; khi đang phân vân, khi đang áy náy, khi đang không hiểu điều gì đó, người ta cũng tìm đến Kiều bằng cách bói Kiều.
Khi cần hiểu điều gì tinh tế, tế nhị thì lảy Kiều, tập Kiều, tức đưa 1 - 2 câu Kiều ra, sửa đổi một vài chi tiết để hợp tình hợp cảnh. Như tôi khi bất hạnh cũng tìm sự an ủi trong Truyện Kiều... Nhà thơ HỒNG THÀNH QUANG.

Nhưng để hoàn thành dự án rồi đưa miễn phí lên mạng xã hội cũng còn biết bao khó khăn, áp lực. “Khó khăn đầu tiên chính là kinh phí”, nhạc sĩ Quang Long - chủ dự án tiết lộ. Nhưng may mắn anh được Quỹ Thiện Tâm tài trợ 35%, còn lại khoảng 100 triệu đồng do anh tự xoay xỏa.

“Làm nghề nhiều năm, tôi thấy hầu như loại hình nghệ thuật truyền thống ít có tài trợ. Suốt năm vừa qua, khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát và có thể đi biểu diễn, tôi lại tích góp kinh phí dồn vào dự án.

Phần thu âm được thực hiện tại phòng thu cá nhân của nghệ sĩ Chu Cường. Đảm nhiệm phần vẽ tranh minh họa là nhóm của họa sĩ Nguyễn Quỳnh; phần kỹ thuật dựng do Ngọc Tiến (VTVcab) thực hiện”, nhạc sĩ Quang Long chia sẻ.

Tham gia dự án, NSND Thanh Hoài là người cao tuổi nhất. Bà kể rằng, khi nhà nghiên cứu âm nhạc Quang Long mời tham gia dự án, bà rất đồng cảm. “Tôi nghĩ cần giữ lại vốn cổ của cha ông để truyền lại cho đời con cháu. Mai sau con cháu cần biết thế nào là ru Kiều, lảy Kiều của các cụ.

Tôi nghĩ Truyện Kiều chính là hồn cốt Việt Nam. Tôi muốn tham gia cùng các nghệ sĩ trẻ để sau này mọi người hiểu thêm về Truyện Kiều, giữ làn điệu dân gian của cha ông ta”, nghệ sĩ Thanh Hoài bộc bạch. Vì thế, dù kinh phí hạn hẹp, thù lao cho nghệ sĩ hết sức khiêm tốn, nghệ sĩ Thanh Hoài vẫn vui vẻ, toàn tâm toàn ý ngâm Kiều.

Còn NSƯT Thúy Ngần thì đánh giá, “Ngâm Kiều toàn truyện” là “công trình thế kỷ”. Bà tâm sự: “Tôi vinh dự khi được Quang Long mời tham gia dự án nghệ thuật này. Được lao động nghệ thuật là hạnh phúc.

Chưa bao giờ có ý so đo tiền bạc, tôi sẵn sàng cháy hết mình vì nghệ thuật. Tôi là một diễn viên chèo, thỏa sức hóa thân các nhân vật trên sân khấu. Khi ngâm Kiều chúng tôi có được nhiều rung động về từng tính cách nhân vật mà Nguyễn Du phác họa qua lời thơ.

Chúng tôi khi nghe những áng thơ thức tỉnh tâm thức của con người - đối với tôi, đối với tuổi xế chiều, mọi việc không còn phải vì kế sinh nhai, lao tâm khổ tứ mà là lúc nhàn rỗi. Khi ngồi uống chén trà, ăn kẹo lạc đồng quê mà nghe giọng Kiều qua âm nhạc truyền thống thì không có gì hấp dẫn bằng. Thấy cuộc đời vô cùng lý thú”.

Riêng nhạc sĩ Văn Phương thổ lộ, từ bé anh đã được nghe ngâm Kiều. Khi tham gia dự án này, anh không nghĩ tới khó khăn về kinh phí.

“Kinh phí cho các nghệ sĩ hạn hẹp, nhưng chẳng lẽ các đàn anh, đàn chị làm được mà mình lại không cảm thấy có lỗi. Tôi nghĩ, sự tiếp nhận của thế hệ trẻ ngày nay với hình thức lảy Kiều mới quan trọng. Nghệ thuật cần sự tương tác với mọi người”, nghệ sĩ Văn Phương bày tỏ.

“Truyện Kiều  còn, tiếng ta còn”

NSND Thanh Hoài.

NSND Thanh Hoài.

Có thể nói, cho tới thời điểm này, đây là dự án đầu tiên và duy nhất giới thiệu Truyện Kiều hoàn toàn theo đúng lối ngâm Kiều. Sau khi được âm nhạc chắp cánh, toàn bộ 3.254 câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều có tổng thời lượng là 561 phút, tức là tương đương khoảng gần 10 tiếng âm thanh.

Để khán giả dễ dàng tiếp cận, nhóm dự án chia thành 12 chương theo nội dung của truyện, mỗi chương có độ dài từ khoảng trên 30 phút cho tới 100 phút.

Các chương này sẽ được lần lượt giới thiệu vào 20 giờ các ngày thứ ba, năm, bảy từ ngày 1/4 đến ngày 24/4/2021 trên kênh YouTube Dân ca và Nhạc cổ truyền do nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập, giới thiệu và tôn vinh nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.

“Ai cũng biết, trong thời buổi Internet phát triển bây giờ, người nghe được cung cấp quá nhiều lựa chọn để giải trí và phần nào dễ thờ ơ với nghệ thuật truyền thống tưởng như khó hấp dẫn.

Nhưng ngược lại, cũng nhờ Internet và mạng xã hội, những người tâm huyết và có cùng mối quan tâm tới nghệ thuật truyền thống lại có thể kết nối với nhau dễ dàng. Nếu tôi không có những nghệ sĩ tài năng hiểu và cùng chia sẻ tôi không thể thực hiện được dự án này”, Quang Long chia sẻ.

Nếu tuổi thơ chúng ta không được tiếp xúc vài câu Kiều thì lớn lên không có tâm hồn người Việt đầy đủ. Không chỉ là một tác phẩm văn học, Truyện Kiều còn là nơi tâm hồn Việt nương tựa vào.

Không phải ngẫu nhiên mà dân ta ru con cũng bằng Truyện Kiều; khi đang phân vân, khi đang áy náy, khi đang không hiểu điều gì đó, người ta cũng tìm đến Kiều bằng cách bói Kiều.

Khi cần hiểu điều gì tinh tế, tế nhị thì lảy Kiều, tập Kiều, tức đưa 1 - 2 câu Kiều ra, sửa đổi một vài chi tiết để hợp tình hợp cảnh. Như tôi khi bất hạnh cũng tìm sự an ủi trong Truyện Kiều…

Còn nhà thơ Hồng Thanh Quang thì chia sẻ, ông rất khâm phục nhà nghiên cứu Quang Long và các thành viên tham gia nhóm Ngâm Kiều lần này. “Trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du vừa qua, có nhiều tác phẩm liên quan Truyện Kiều.

Tôi nghĩ Truyện Kiều hay nhờ câu chữ Nguyễn Du, còn các thể loại khác là nhờ tài năng người nghệ sĩ hiện đại, cụ Nguyễn Du chỉ là truyền cảm hứng. Các loại chuyển thể không liên quan lắm đến Truyện Kiều.

Nhưng “Ngâm Kiều toàn truyện” của Nguyễn Quang Long cùng các nghệ sĩ hoàn toàn tôn trọng cụ Nguyễn Du, không sửa đổi bất cứ từ nào nhưng vẫn truyền đạt cho chúng ta được cảm xúc cá nhân của các nghệ sĩ đương đại bằng cách thể hiện. Và tôi nghĩ đây là dự án gần với cụ Nguyễn Du nhất trong dịp kỷ niệm này”, nhà thơ Hồng Thanh Quang nhấn mạnh.

“Trước đây, các bậc trí giả trong túi có một quyển Truyện Kiều, khi cần thì bói Kiều. Tôi nghĩ trong thời đại xe hơi này, chúng ta sẽ có một băng hay USB “Ngâm Kiều toàn truyện” để khi có điều gì thì nghe một câu ngâm, nghĩ cách xử lý vấn đề”.

Vậy là giờ đây, những câu chữ trong Truyện Kiều đã được vang lên trên YouTube. Bảo giới trẻ cầm Kiều lên để đọc, bây giờ e là khó. Nhưng chỉ cần lướt bàn phím điện thoại có thể nghe được những câu Kiều ngân nga trầm bổng, hy vọng sẽ nhận được sự hưởng ứng của giới trẻ.

Cũng chỉ là hy vọng thôi, nhưng đó là niềm hy vọng có cơ sở. Và từ gói “dữ liệu” được công bố công khai và miễn phí này, mọi người, tùy hoàn cảnh, tùy tâm trạng có thể truy cập bất cứ thời điểm nào, để nghe lại Truyện Kiều. Bởi nói như học giả Phạm Quỳnh, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn…”.

Tôi nghĩ, khi mọi người biết đến dự án “Ngâm Kiều toàn truyện”, hãy thử tìm nghe và nghe một cách kiên trì bất cứ lúc nào có chút thời gian rảnh. Tôi tin nó cũng không quá lạ lẫm, thậm chí có thể sẽ bị thu hút. Bởi vì ngâm Kiều được sinh ra, lớn lên từ trong nhu cầu và tâm hồn của chính ông bà chúng ta - Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.