Cảm hứng hội họa từ “Truyện Kiều”

GD&TĐ - Đã có không ít nghệ sĩ khai thác “Truyện Kiều” đưa lên phim, kịch, sân khấu chèo… và các họa sĩ đương đại cũng không đứng ngoài cuộc. Nhiều họa sĩ đã đọc Kiều rồi sáng tạo Kiều theo phiên bản của hội họa.

Để lại dấu ấn 

Không phải đến bây giờ, các họa sĩ mới nhận ra “Truyện Kiều” là một “mỏ vàng” có thể thâm canh khai thác. Trước đó, nhiều họa sĩ nổi tiếng cũng đã bị tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du làm mê đắm. Có thể kể tới các họa sĩ tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Mai Trung Thứ...

Ngay từ thập niên 40 của thế kỷ trước, các ông đã vẽ rất nhiều tranh về các nhân vật trong “Truyện Kiều”. Sau đó, 11 bức tranh đã được in trong “Tập văn học kỷ niệm Nguyễn Du”. Cho tới năm 1992, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin có in “Kiều” với minh họa của các họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái… 

Ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21, các họa sĩ đương đại cũng đã có bộ minh họa “Truyện Kiều” mang dấu ấn riêng. Đó là những tên tuổi như Nguyễn Quân, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Đỗ Hoàng Tường, Phan Cẩm Thượng, Thành Chương...

Những bức vẽ này sau đó đã xuất hiện trong cuốn “Truyện Kiều” được xuất bản năm 2017. Bằng tài năng của mình, mỗi họa sĩ có cách riêng để đọc, nhìn, hiểu và vẽ các nhân vật trong “Truyện Kiều” qua đó để lại dấu ấn thế hệ.

Đúng như họa sĩ Thành Chương nhận xét: Mỗi thế hệ, mỗi thời kỳ lại có cách nhìn, cách đọc và cách minh họa khác nhau về Kiều. Ngày xưa, các cụ vẽ cho giống theo kiểu mô phỏng, minh họa từng câu chữ, còn anh em họa sĩ hôm nay vẽ minh họa rất phóng khoáng, tự do và mang đậm dấu ấn cá nhân.

Các tác phẩm minh họa trong ấn phẩm “Truyện Kiều” được coi là văn bản thứ hai của Kiều, mang dấu ấn tạo hình riêng của họa sĩ. Nó là một tiếng nói độc lập chứ không minh họa theo kiểu mô phỏng. Đây là một quan niệm mới của các họa sĩ đương đại, chỉ như thế họ mới có đóng góp, đóng góp một tinh thần mới, gần gụi hơn với cuộc sống hôm nay.

Tuy nhiên, họa sĩ Thành Chương cũng thừa nhận, khi các họa sĩ đương đại vẽ Kiều cũng là một thách thức. Chính vì thế, mặc dù nhìn nhận Kiều “bằng góc nhìn, thẩm mỹ của thời nay, của những năm tháng này” nhưng nhiều họa sĩ đương đại vẫn phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần mới chọn ra được một bức ưng ý.

Đánh giá về bộ minh họa của các họa sĩ đương đại, họa sĩ Thành Chương quả quyết: “Thông thường, nghĩ đến Kiều là nghĩ đến câu chuyện buồn, thâm trầm… chứ còn mảng miếng, màu sắc tươi trẻ như trong 15 bản tranh minh họa của các họa sĩ đương đại thì xưa nay chưa từng có. Muốn bảo tồn và phát huy văn hóa   của dân tộc, chúng ta không thể giữ mãi cái cũ, mà phải biết cách làm mới cái cũ”.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, minh họa không phải là thứ áp đặt chặt chẽ, truyện thế này thì phải minh họa thế này. Lối đó là một lối cổ. Lối của họa sĩ hiện đại là đọc và cảm nhận, họ vẽ theo cảm nhận của họ về “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

“Truyện Kiều” nói riêng và các truyện nói chung có nhiều cách minh họa. Một là người ta bám chặt vào câu chuyện, về phong tục tập quán, về nhân vật; hai là vẽ theo cảm nhận thưởng thức tác phẩm văn chươn; ba là vẽ theo đúng thời kỳ câu chuyện diễn ra và người ta cũng có thể vẽ theo con mắt của con người bây giờ.

Tranh “Thúy Kiều và Thúc Sinh” của Đinh Quân.
Tranh “Thúy Kiều và Thúc Sinh” của Đinh Quân.

Mơ ước một không gian văn hóa Kiều 

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1820 - 2020), nhiều hoạt động đã được tổ chức. Và giới họa sĩ cũng có các hoạt động hưởng ứng. Trong đó, không thể không nhắc đến họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (nghệ danh Sơn Kiều) đã tổ chức triển lãm “Hội họa Truyện Kiều” trưng bày gần 100 bức tranh.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sinh năm 1978, quê ở thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình. Anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Dù là thế hệ đi sau, nhưng Tuấn Sơn vẫn tìm được cho mình một cách riêng để tiếp cận “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. 

Họa sĩ Tuấn Sơn bắt đầu vẽ năm từ 1999, vẽ nhiều từ lúc đi học, đi làm cho đến khi hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp. “Hồi bé đọc “Truyện Kiều” không hiểu nhiều, sau này tôi mới nhận ra, “Truyện Kiều” có ý nghĩa và giá trị to lớn với cuộc đời mình. Ở mỗi giai đoạn thăng trầm, tôi đều đọc “Truyện Kiều” để suy ngẫm và bình tĩnh hơn”, họa sĩ Tuấn Sơn chia sẻ. 

Anh quan niệm, vẽ minh họa “Truyện Kiều” không đơn giản là sự thỏa mãn cá nhân, mà xa hơn, đây là một phương tiện hữu ích cho giáo dục đương thời, thúc đẩy sự sáng tạo trong mỹ thuật, lan tỏa những giá trị văn hóa của “Truyện Kiều” trước thời đại mới. 

Có ý kiến cho rằng, các tác phẩm của Sơn không chỉ minh họa tác phẩm “Truyện Kiều” mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.

Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về “Truyện Kiều” là một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ như các thiên kiến về Thúy Kiều - một kỹ nữ, Hoạn Thư - người đàn bà độc ác… Tranh Kiều của Tuấn Sơn còn cho thấy những đường nét của điêu khắc đình làng, của mỹ thuật chùa chiền và màu sắc của các lễ hội; thấp thoáng đâu đó hình dáng của các nhân vật trong các vở chèo, vở tuồng truyền thống. 

Không chỉ đam mê vẽ Kiều, anh còn là người có thú sưu tập “Truyện Kiều”. Nguyễn Tuấn Sơn cũng đã có nhiều hoạt động gắn với “Truyện Kiều” như vẽ minh họa kết hợp với thư pháp chữ Nôm của nhà nghiên cứu Châu Hải Đường viết, triển lãm tranh cảm hứng từ các nhân vật   trong “Truyện Kiều”, đem các tác phẩm vẽ về “Truyện Kiều” giới thiệu tại nước ngoài…

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn cho biết: “Tôi luôn mơ ước về một “không gian văn hóa Kiều” tại Hà Nội, nơi mà chúng ta, bạn bè nước ngoài đều có thể đến và cảm nhận. Ở đó sẽ trưng bày các tác phẩm liên quan đến Kiều như tranh, ảnh, tài liệu cổ. Tôi đang cố gắng từng ngày để thực hiện điều đó”.

Tranh “Nguyệt ước” của Nguyễn Tư Nghiêm.
Tranh “Nguyệt ước” của Nguyễn Tư Nghiêm.

Mỗi người một vẻ…

Có thể nói, danh sách những họa sĩ vẽ Kiều sẽ chưa dừng lại. Thế hệ trẻ hơn Nguyễn Tuấn Sơn chắc chắn sẽ tìm thấy ở “Truyện Kiều” những nguồn cảm hứng khác để nối bước tiền nhân.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, “Truyện Kiều” đã tạo nguồn cảm hứng rất lớn đến các thế hệ họa sĩ của Việt Nam… Anh bày tỏ: “Cái hay ở đây là, trong hội họa nói chung, họa sĩ có thể sáng tác theo bất kỳ cảm hứng nào, nhưng riêng với tranh Kiều, thì cảm hứng, cách tiếp nhận cũng như năng lực sáng tạo phải tinh tường hơn những người khác.

Và minh họa đó phải gắn bó với nội dung của câu Kiều mà tác giả lựa chọn để vẽ và viết bên dưới bức tranh. Minh họa đó còn phải mang đậm cá tính, phong cách của họa sĩ. Và có thể thấy những tiêu chuẩn đó thể hiện ở toàn bộ những bức tranh được trưng bày tại triển lãm này”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách cảm của mỗi họa sĩ có nhiều cung bậc khác nhau. Thậm chí cách “đọc và hiểu văn bản” của mỗi họa sĩ cũng khác nhau.

Thế nên mới có câu chuyện có họa sĩ vẽ nàng Kiều vừa lùn vừa béo, hoặc có người vẽ Kiều mặc trang phục được cho là bộ Kimono, hay xảy ra hiện tượng nhiều họa sĩ đều vẽ Thúy Kiều ôm đàn tì bà, trong khi đó ở trong tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Du nàng Kiều ôm cây đàn nguyệt của Trung Quốc, cần đàn ngắn và có bốn dây.

Thế nhưng, những cách hiểu chưa đúng sẽ được điều chỉnh. Và công chúng cũng có cách cảm thụ của mình. Họ sẽ chỉ tiếp nhận những tác phẩm thật sự tốt, có mối đồng cảm với tác phẩm gốc.

Cũng như vậy, những bộ phim hay vở kịch lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” cũng sẽ chỉ “đứng” được khi nhà sản xuất, đạo diễn thấu cảm được những giá trị tác phẩm gốc đặt ra, đồng thời có những sáng tạo hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm học tập trực tuyến để đổi mới các tiết dạy. Ảnh minh họa: INT

Giáo dục trong Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...