Làm phim về “Truyện Kiều” có hiểu được Nguyễn Du?

GD&TĐ - Một vài bộ phim có nội dung liên quan đến Truyện Kiều của Nguyễn Du như “Kiều @”, “Kiều”. Nhưng quan điểm của đại thi hào đối với nữ quyền trong tác phẩm này thế nào, các đoàn làm phim có “thấu hiểu, đồng cảm”?

Tượng đại thi hào Nguyễn Du tại khu lưu niệm ở quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh của ông. Ảnh: ITN.
Tượng đại thi hào Nguyễn Du tại khu lưu niệm ở quê hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh của ông. Ảnh: ITN.

Nếu chuyển tải được “tiếng lòng” của đại thi hào Nguyễn Du lên phim, chắc chắn đoàn làm phim sẽ thành công lớn!

Từng gây tranh cãi

Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820), tên tự Tố Như, sinh tại Hà Tĩnh, mất tại Huế. Sinh thời ông đã cảm thán “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc (thấu hiểu/đồng cảm) Tố Như chăng?).

Năm 1923, những nhà điện ảnh Pháp đã chuyển thể Truyện Kiều thành bộ phim Kim Vân Kiều từng gây tranh luận. Tờ Đông Pháp thời báo do ông Trần Huy Liệu làm chủ bút, có bài “Chớp bóng Kim Vân Kiều” của Công Luận, viết: “…Trong bản chớp bóng có ba nhân vật quan trọng là Kim Vân Kiều, Kim Trọng và Hoạn Thư.

Vai Kim Trọng thì chẳng khác gì một thằng ngốc, diện mạo chẳng ra chi, thái độ lại khả bỉ làm sao chẳng khác chi cái thái độ của mấy anh bôi nhọ mặt ở rạp Quảng Lạc. Nhất là lúc đi tìm nhà trọ… Đến lúc đối diện với Kiều coi thái độ chàng Kim đối với nàng Kiều chả khác gì cái tư cách một bác lính “chào mào” ngồi lần khân với một gái giang hồ…

Tóm lại, cuộc chớp bóng vừa rồi thiệt không có giá trị gì, chả lột được đôi chút tinh thần Truyện Kiều, chớp bóng có lẽ lại làm giảm mất cái chân giá trị đối với thế giới…”. (Đông Pháp thời báo số ra ngày 24/9/1924).

Trên thực tế, đại thi hào Nguyễn Du, thông qua Truyện Kiều, đã cho nhân dân nước ta thấy được thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến Trung Hoa. Bởi các sự kiện trong tác phẩm Truyện Kiều diễn ra vào năm Gia Tĩnh thứ 35, năm 1556, đời Minh Thế Tông.

Các nhân vật như Vương Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến đều có thật trong lịch sử. Từ câu chuyện có thật của lịch sử như trên, Thanh Tâm Tài Nhân đã viết thành Kim Vân Kiều Truyện. Đại thi hào Nguyễn Du nhân vua nhà Nguyễn nước ta sai đi sứ sang Trung Hoa thời Thanh đã đọc được Kim Vân Kiều Truyện và ông đã xúc động mà viết nên Truyện Kiều. 

Vai trò của người phụ nữ Việt

Truyện Kiều. Ảnh: ITN.
Truyện Kiều. Ảnh: ITN.

Còn thực tế ở Việt Nam, thân phận của người phụ nữ khác hẳn. Không có chuyện người đàn ông Việt Nam coi khinh người phụ nữ vì người phụ nữ chính là chủ của cái cái bếp, người nắm giữ và phân phối nền kinh tế gia đình do xuất phát từ văn hóa nông nghiệp và lối sống định cư: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Đặc biệt, người phụ nữ còn có vai trò quan trọng hơn nam giới khi đưa ra các quyết định: “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Do đó, Thanh trong phim “Sống chung với mẹ chồng” của VTV1 (phát sóng năm 2017) được xây dựng theo hướng là một tên chồng nhu nhược, nghe lời mẹ và hay đánh vợ. Phim được chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết Trung Quốc “Phù thủy dưới đáy biển” của tác giả Giả Hiểu đã khiến dư luận băn khoăn.

Cái tài của Nguyễn Du là đã dùng quan niệm về người phụ nữ của dân tộc ta để đả phá quan niệm về người phụ nữ trong Nho giáo từ Trung Quốc.

Những tư tưởng coi khinh người phụ nữ như xem phụ nữ như món hàng để mua bán, xem trọng trinh tiết… đã bị đại thi hào Nguyễn Du lên án trong Truyện Kiều. Đặc biệt, chữ “Trinh” của Kiều trong tâm thức đại thi hào Nguyễn Du chính là “lấy hiếu làm trinh”.

Trong khi đó, xã hội phong kiến Trung Hoa là xã hội phụ quyền, gốc gác từ dân du mục Hán, tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất công, khắt khe như “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và quan niệm trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội.

Trong bài viết “Nam nữ bình quyền” nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Sau khi Trung Quốc cách mạng thành công, chia xong ruộng đất; ban bố luật mới về việc lấy vợ gả chồng, thì có nơi 9 phần 10 vụ kiện thuộc về vấn đề vợ chồng.

Ở tỉnh Sơn Đông trong 10 tháng năm 1950, có 1.200 phụ nữ tự sát, 9 huyện ở tỉnh Giang Tô trong 4 tháng có 119 phụ nữ tự sát. Ở khu Tân An (huyện Lục An) trong 6 ngày 4 phụ nữ bị đánh chết. Ngày trước những việc thê thảm như thế còn nhiều gấp mấy”1.

Như vậy, câu “Đau đớn thay phân đàn bà” của Nguyễn Du là nói đến Đạm Tiên, một phụ nữ Trung Hoa tận đáy xã hội Trung Hoa với nghề kỹ nữ! Vương Thúy Kiều là kiếp sau của Đạm Tiên, cũng vướng vào nghề kỹ nữ.

Nhưng khác với sự thật lịch sử bên Trung Hoa, Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc chân chính, chứ không phải là cái chết do nhảy xuống sông tự vẫn. Đặc biệt, sau khi Kiều đã 15 năm lưu lạc thì Kim Trọng vẫn thủy chung chờ đợi và tìm kiếm nàng.

Và lạ lùng thay, trong đêm tân hôn, Kiều đã xin đổi duyên vợ chồng với Kim Trọng thành duyên tri kỷ và Kim Trọng cũng đã đồng ý! Chỉ có văn hóa Việt Nam mới sinh ra được câu chuyện kỳ lạ như thế! Nghĩa là người phụ nữ quyết định được cuộc sống của chính mình. Chẳng hạn, Luật Hồng Đức của nhà Lê ở nước ta đã đảm bảo cho con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng như con trai.

Con gái, cháu gái có quyền hương khói cho cha mẹ trong trường hợp trong nhà không có con trai, cháu trai (Điều 391, Điều 395); nếu con trai trưởng còn nhỏ thì bà quả phụ có quyền thay con mà tế tự tổ tiên. Trong hôn nhân, luật giành cho người phụ nữ có quyền từ hôn nếu thấy vị hôn phu chẳng may bị ác tật, phạm tội hay phá sản (Điều 322).

Điều 308 cho phép người vợ có quyền bỏ chồng nếu trong 5 tháng người chồng bỏ rơi vợ, không đi lại. Khi ly hôn, tài sản của ai có trước khi kết hôn được trả về cho người đó, còn tài sản chung do hai vợ chồng làm nên thì chia đều cho mỗi người một nửa.

Tư tưởng nhân văn sâu sắc

Bởi vậy, có thể khẳng định Nguyễn Du không dịch Kim Vân Kiều truyện ra tiếng Việt mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, một truyện thơ mang tư tưởng nhân văn sâu sắc của người Việt Nam.

Đánh giá về điều này, nhà thơ Tố Hữu từng viết trong bài thơ “Bài ca mùa xuân 1961” rằng: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình/ Nổi chìm kiếp sống lênh đênh/ Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”.

Chính vì vậy, Truyện Kiều mới có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc ta như thế! Nó chính là một thái độ của dân tộc ta trước lễ giáo và quan niệm xã hội cổ hủ của Nho giáo Trung Quốc. Vào thời kỳ Pháp thuộc, Phạm Quỳnh từng nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Tuy nhiên, nước ta còn không phải là do tiếng nói văn tự như Phạm Quỳnh nhận định mà chính là tiếng nói từ lương tri dân tộc đã tạo nên bản sắc Việt Nam trong hàng ngàn năm, không lẫn lộn vào các nền văn hóa mang tính nô dịch từ phong kiến Trung Quốc hay từ phương Tây thời thực dân tràn đến! GS Trần Quốc Vượng (1934 - 2005) khẳng định: “Nhân dân ta vốn có truyền thống tôn trọng phụ nữ”.

Bởi người phụ nữ đầu tiên, người mẹ đầu tiên của người Việt là Âu Cơ. Mẹ đã đẻ trăm trứng nở trăm con. Năm mươi người con theo Mẹ Âu Cơ lên rừng đã lập nên Nhà nước Văn Lang: “Mẹ đem lên ở Tản Viên/ Sửa sang giềng mối, giữ gìn quy mô/ Bao nhiêu đồi núi đống gò/ Lũy thành bày đặt, cõi bờ chia phôi” (Thiên Nam ngữ lục).

Năm 1965, tức 200 năm năm sau khi đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra, trong bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”, nhà thơ Chế Lan Viên (1920 - 1989) đã nhận định: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn”.

Cũng trong năm này, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”. Bài thơ có đoạn: “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.

Do đó, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua, được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch, góp phần để tác giả của nó được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh là “Danh nhân Văn hóa”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.