Góc nhìn trừu tượng
Đầu tháng 8/2020, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace diễn ra hội thảo "Minh họa "Truyện Kiều" dưới cách nhìn minh triết Việt" thu hút đông đảo người yêu văn chương tham dự.
Hội thảo đặt ra vấn đề, trong thời đại 4.0 hiện nay, có nhiều cách tiếp cận thông tin để giải đáp những thắc mắc cũ hoặc đưa ra những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử "Truyện Kiều" để mỗi người tự suy ngẫm về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, Lê Nghị và họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn là ba diễn giả của cuộc hội thảo. Trọng tâm kiệt tác "Truyện Kiều" với 411 câu thơ sử dụng các con số được các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi ý nghĩa biểu đạt ước lệ của các con số đó như thế nào?
Quan điểm cũ cho rằng, Nguyễn Du đã mượn cốt "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc để viết "Truyện Kiều", hay quan điểm mới "Kim Vân Kiều truyện" mượn cốt "Truyện Kiều" được đưa ra bàn luận. Tuy nhiên, khó có một giải đáp nào mang tính minh triết cho cả hai quan điểm cũ – mới.
Nhưng có lẽ, đúng như chủ đề hội thảo, việc minh họa bằng hình ảnh mới là câu chuyện chính với triển lãm tranh minh họa "Truyện Kiều" của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn. Hoạ sĩ Nguyễn Tuấn Sơn được biết đến với biệt danh "Picas Sơn", ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là Tổ trưởng bộ môn Mỹ thuật của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1999, ông bắt đầu sáng tác tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều. Sau một thời khá ngắn, triển lãm tranh cá nhân của ông đã được tổ chức tại Hà Nội.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tác phẩm của Nguyễn Tuấn Sơn minh họa "Truyện Kiều" theo cảm xúc ngẫu hứng với những nét vẽ trừu tượng rất khó hiểu. Người xem tranh phải có hiểu biết không chỉ về mỹ thuật mà còn phải hiểu cặn kẽ về "Truyện Kiều". Vì vậy, xem các minh hoạ của họa sĩ, người thưởng lãm phải rất tỉ mỉ từng đường nét, từng nhát cọ của bức họa.
Theo ông Nguyễn Khắc Bảo - Phó Chủ tịch Hội Kiều học, việc hoạ sĩ – nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn minh họa "Truyện Kiều" là rất quý nhưng không phải là việc mới mẻ. Theo một chuyện không xác định, sau khi hoàn thành "Truyện Kiều", Nguyễn Du cho khắc toàn bộ tác phẩm lên các tấm cửa nhà ông, ai muốn đọc cứ việc đem giấy đến in ra, từ đó mà "Truyện Kiều" phổ biến.
Đã có nhiều minh họa "Truyện Kiều"
Ông Nguyễn Khắc Bảo cho rằng, "Truyện Kiều" được ví như là một kho tàng cảnh sắc, cuốn hút nhiều họa sĩ minh họa bằng tác phẩm mỹ thuật. Điển hình minh họa "Truyện Kiều" phải kể đến "Nguyễn Du văn hoạ tập". Tác phẩm in năm 1942 do Đào Duy Anh biên tập, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trình bày bìa, minh họa nội dung gồm các tác giả tên tuổi trong giới mỹ thuật Việt Nam thời bấy giờ như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Tôn Thất Đào, Nguyễn Tường Lân, Lương Xuân Nhị, Lưu Văn Sìn, Phạm Hậu, Nguyễn Văn Tỵ.
Theo nghiên cứu, các hoạ sĩ thời ấy đều dùng mộc bản (ván gỗ) để minh họa. Các bản tranh đều được in rồi sau đó dán vào sách để hình thành một bộ tranh hoàn chỉnh. Do tính chất của chất liệu nên các bản in sau khi in ra thường có sự chênh lệch về màu, nhưng sắc và độ vẫn phải giữ được tinh thần chung. Mặc dù, mỗi họa sĩ có một phong cách riêng, tự lựa chọn từng ý thơ, không gian, nội dung để thể theo yêu cầu của nhà xuất bản. Nhưng nhìn chung, dấu ấn của từng tác giả được đánh giá rõ nét trong việc xử lý chất liệu khắc gỗ.
Theo thống kê của ông Bảo, tính từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đã có một số cuốn Kiều kèm minh hoạ được xuất bản, nhưng chỉ có "Nguyễn Du văn họa tập" là tập hợp nhiều tên tuổi xuất sắc nhất trong làng mỹ thuật Việt Nam cùng tham gia.
Vài năm trước, "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du được ra mắt với giao diện hoàn toàn mới với phiên bản đặc biệt. Họa sĩ Thành Chương chính là người đứng ra quy tụ 14 họa sĩ đương đại để cùng vẽ minh họa cho ấn bản này.
Bên cạnh 15 bức tranh minh họa do 15 họa sĩ đương đại: Thành Chương, Nguyễn Quân, Đỗ Hoàng Tường, Phan Cẩm Thượng, Đặng Tiến, Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh... vẽ, ấn bản "Truyện Kiều" được in màu toàn bộ theo bản khảo đính và chú giải của PGS Nguyễn Thạch Giang.
Tác phẩm minh hoạ được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, tác phẩm khá bình thường nếu so sánh với "Nguyễn Du văn họa tập" của các tiền bối.
"Bản thân tôi sưu tập được một cuốn minh hoạ "Truyện Kiều" do hoạ sĩ cung đình Huế vẽ, sau lưu lạc sang thư viện hoàng gia London với 150 bức tranh minh họa. Điều đó chứng tỏ việc minh hoạ "Truyện Kiều" không phải là mới, mà ngay khi "Truyện Kiều" chưa được phổ biến thì đã có người tham gia sáng tác minh họa rồi", ông Nguyễn Khắc Bảo - Phó Chủ tịch Hội Kiều học cho hay.
Trong kho tàng văn học Việt Nam, "Truyện Kiều" là tác phẩm cuốn hút nhiều sự quan tâm của giới văn nghệ sĩ, là nguồn cảm hứng cho rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ngoài hội hoạ, lĩnh vực sân khấu, điện ảnh cũng xem "Truyện Kiều" là chủ đề thu hút công chúng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một tác phẩm hình hoạ minh triết nào có thể lưu danh song hành cùng "Truyện Kiều".
"Tính đến nay, có rất nhiều bản Kiều Nôm và Kiều Quốc ngữ do nhiều nhà xuất bản ấn hành được sưu tầm và khảo cứu. Trong số đó, có những bản Kiều kèm minh hoạ được vẽ tay, in khắc gỗ hoặc những lối in hiện đại khác như cuốn "Kim Vân Kiều". - Ông Nguyễn Khắc Bảo - Phó Chủ tịch Hội Kiều học