Dự thảo Luật Nhà giáo cần ưu tiên, khuyến khích người giỏi vào ngành Sư phạm

GD&TĐ - Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, nhiều ĐBQH cho rằng, chính sách nhà giáo cần ưu tiên, khuyến khích người giỏi vào ngành Sư phạm.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Cần thiết ban hành Luật Nhà giáo

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm, sản phẩm, hàng hóa thông thường có thể có tỷ lệ lỗi nhất định, nhưng sản phẩm của nghề giáo thì mang tính chất đặc biệt, vì đó là hình thành nhân cách của con người, đòi hỏi có sự hoàn thiện về phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Những yêu cầu trên là đơn đặt hàng của xã hội, của đất nước đối với nhà giáo nên họ không được phép tạo ra sản phẩm lỗi.

Từ yêu cầu này, đại biểu Châu Quỳnh Giao cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo là rất cần thiết để tạo lập hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cũng như bảo đảm môi trường làm việc để nhà giáo an tâm, gắn bó với công việc.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) viện dẫn: Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài (Điều 61). Trong đó, yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ nhà giáo.

Về văn bản Luật, có 4 Luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo, bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (năm 2012 và sửa đổi năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014...

Tuy nhiên, qua rà soát, tổng kết, đối chiếu với nhu cầu thực tế của đội ngũ nhà giáo và các chính sách, pháp luật hiện có về nhà giáo vẫn cho thấy những tồn tại, hạn chế lớn, có tác động cơ bản đến tương lai của nền Giáo dục Việt Nam.

Cụ thể, hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa đầy đủ và tường minh về nhà giáo. Trong khi đó, so với nhiều ngành khác, hoạt động giáo dục, giáo dưỡng của nhà giáo trong ngành giáo dục và đào tạo có những đặc điểm đặc trưng, riêng biệt.

Đồng thời, đa số đại biểu tán thành các nội dung quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo trình tại Kỳ họp 8, các quy định tại dự thảo cơ bản đáp ứng về công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo hiện nay, tạo lập hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về nhà giáo;

nguyenthilananh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai).

Ưu tiên, khuyến khích người giỏi vào ngành Sư phạm

Cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể, đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị, Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc, đảm bảo có sự thống nhất cho các địa phương. Thực tế cho thấy, hiện địa phương có điều kiện về ngân sách thì ban hành các chính sách riêng hỗ trợ nhà giáo, còn địa phương không có điều kiện về ngân sách thì không ban hành.

“Điều này chưa đảm bảo sự thống nhất, thiếu công bằng giữa các nhà giáo đang công tác tại các địa phương” - đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nhìn nhận và cho rằng, chính sách nhà giáo cần ưu tiên, khuyến khích sinh viên giỏi vào ngành Sư phạm; người có thâm niên như các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy, công tác tốt tại các trường đại học, viện nghiên cứu…

Còn tại khoản 2, dự án Luật Nhà giáo quy định: “Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác”.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Ban soạn thảo rà soát đảm bảo phù hợp, bỏ cụm từ “trừ khi có thỏa thuận khác”, vì quy định như vậy, sẽ gây hiểu nhầm, chưa phù hợp với Bộ Luật lao động quy định tiền lương thực hiện theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.

tranvantien.jpg
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc).

Đóng góp ý kiến về chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định tại Điều 28, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) băn khoăn chính sách này chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập.

Đối với các cơ sở ngoài công lập, nhà giáo có được hưởng các chính sách quy định tại Điều này không. Nếu không sẽ tạo ra sự bất công bằng trong xã hội. Do vậy, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội.

Ngoài ra, tại điểm d, khoản 1 Điều 27 quy định, nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, tại Điều 18 dự thảo Luật quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng chưa xác định rõ chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào.

Vì thế, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định chế độ tiền lương với người tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, cần tạo lập môi trường để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong tương lai; trong đó có việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, thân thiện để nhà giáo an tâm, gắn bó với công việc, ngành nghề. “Xuất phát từ những lý do trên, việc ban hành Luật Nhà giáo là rất cần thiết” - đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.