Nóng trong tuần: Trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo; giải thưởng KH-CN cho giảng viên trẻ và sinh viên là 2 trong số thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo.
Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo.

Trình dự thảo Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo.

Tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trình bày cho biết: Hiến pháp năm 2013 (Điều 61) đã khẳng định "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài".

Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 14/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đặt ra nhiệm vụ cần “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”. Trong đó, chủ trương của Đảng là “có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, và “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định cần “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.

z6014148862004598c7c6d7eeda36654ee6143e2c6eb1c.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trình bày nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và yêu cầu thể chế kịp thời các quan điểm chỉ đạo đó, Bộ GD&ĐT xác định việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội Luật Nhà giáo là một giải pháp quan trọng về mặt thể chế nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, chất lượng, đủ sức gánh vác được sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Cho biết dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội lần này có cấu trúc và nội dung cơ bản gồm 5 chính sách lớn, thể hiện trong 9 chương, 50 điều, Bộ trưởng chia sẻ những nội dung cơ bản và một số điểm mới về chính sách đối với nhà giáo tại dự thảo Luật.

Sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo. Chiều 9/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật này.

z601414886200291f1e72e9b9d34afd9a9f01aef969015.jpg
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 9/11.

Trong phát biểu thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo sáng 9/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra 6 vấn đề cụ thể đối với dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo Tổng Bí thư, vị trí của giáo dục và đào tạo rất có ý nghĩa về chiến lược công tác cán bộ, bởi trong công tác cán bộ, đào tạo cán bộ là quan trọng và đã nói tới đào tạo là phải có thầy.

“Đây là đột phá quốc gia và là trọng tâm. Trong đào tạo người thầy rất quan trọng, muốn giáo dục phát triển được đầu tiên phải có thầy, có trường. Với định hướng chung này của Đảng, tôi cho rằng phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy”- nói điều này, Tổng Bí thư đồng thời đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo đang ở tầm những gì trước đây chưa quy định thì quy định, cần phải vượt lên được về tầm, xác định được vai trò quan trọng của giáo dục, đào tạo; trong giáo dục và đào tạo người thầy là chủ thể chính.

Thứ hai, theo Tổng Bí thư, đã nói tới thầy thì phải có trò và Luật Nhà giáo phải giải quyết được mối quan hệ thật tốt giữa thầy và trò. Nếu không có trò không có thầy. Trong Luật phải giải quyết được mối quan hệ rất quan trọng này.

z6014855637432fc934efd11d647b6c5a7ca28af4c1fce.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo của tổ đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ngày 9/11.

Tổng Bí thư nêu yêu cầu thứ ba về việc phải xác định người thầy là một nhà khoa học và dự thảo Luật Nhà giáo phải thể hiện được, khái quát được, trong đó bao gồm mối quan hệ giữa nhà khoa học, giữa trung tâm nghiên cứu với doanh nghiệp, với nhà nước.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập, Tổng Bí thư nhắc đến vấn đề thứ tư mà dự thảo Luật Nhà giáo cần thể hiện được, đó là giáo dục hội nhập, người thầy hội nhập. Tiếp đến là chính sách về học tập suốt đời được thể hiện trong Luật Nhà giáo. Cụ thể, với độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên, Tổng Bí thư cho rằng, thầy nghỉ hưu không được giảng dạy nữa thì rất khó khăn, trong khi chính sách mở rộng học tập suốt đời, huy động các lực lượng xã hội vào công tác giáo dục, công tác giảng dạy; “trò rất già thì cũng phải có thầy rất già”, những thầy lớn tuổi lại có uy tín.

Với mong muốn Luật Nhà giáo ra đời sẽ được các thầy cô chào đón, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu phải làm sao để người thầy đón nhận Luật Nhà giáo thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy. Chứ không để Luật ra thầy lại thấy khó khăn hơn. Thầy làm tốt rồi sẽ lôi kéo được trò, người thầy là đầu tàu cho giáo dục.

img-1771.jpg
Trao giải nhất cho các giảng viên trẻ trong nghiên cứu khoa học năm 2024. Ảnh: Thùy Linh.

Tổng kết Giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên

Ngày 9/11, tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC phối hợp tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các cơ sở giáo dục ĐH năm 2024.

Năm 2024, Bộ GD&ĐT giao cho Trường ĐH Sư phạm TPHCM đăng cai tổ chức, tiếp nhận hồ sơ giải thưởng khoa học công nghệ dành cho sinh viên, Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức tiếp nhận hồ sơ giải thưởng khoa học công nghệ dành cho đội ngũ giảng viên trẻ.

Tổng số đề tài tham gia giải thưởng năm 2024 lọt vào vòng sơ khảo gồm có 47 công trình nghiên cứu; gần 100 sản phẩm công bố khoa học và chuyển giao của các giảng viên trẻ đến từ 29 trường ĐH tại Việt Nam; 536 đề tài của sinh viên ở 95 trường ĐH trên khắp cả nước.

Các đề tài tham dự giải thưởng chia theo 6 lĩnh vực, bao gồm: Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội nhân văn.

tong-ket-giai-thuong-sv-2.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc gửi lời chúc mừng đến những giảng viên trẻ, sinh viên đoạt giải thưởng khoa học công nghệ. Năm nay, số lượng và chất lượng các công trình nghiên cứu được nâng cao rõ rệt, nhiều công trình có tính ứng dụng trong đời sống, một số công trình nghiên cứu ở lĩnh vực mới nổi được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD&ĐT đã có những kiến nghị, đề xuất đầu tư về hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, phấn đấu đến 2030, hoạt động nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á, đến năm 2045 sẽ đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Trong đó, khuyến khích nhiều nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, đóng góp chung vào kho tàng tri thức nhân loại.

Đối với các công trình khoa học của đội ngũ giảng viên trẻ, Ban tổ chức đã lựa chọn và trao 7 giải Nhất, 10 giải Nhì, 10 giải Ba, 18 giải Khuyến khích. Trong số 106 đề tài khoa học của sinh viên vào vòng chung khảo, Ban tổ chức đã trao 18 giải Nhất, 85 giải Nhì.

hdgs.jpg
HĐGS nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 tổ chức Phiên họp lần thứ II.

615 ứng viên GS, PGS đạt đủ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư nhà nước

Tuần qua, Hội đồng giáo sư (HĐGS) Nhà nước đã công bố danh sách 615 ứng viên giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đạt đủ phiếu tín nhiệm của Hội đồng.

Theo báo cáo của Văn phòng HĐGS nhà nước, năm 2024, có 803 ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại 111 HĐGS cơ sở, trong đó có 77 ứng viên GS, 726 ứng viên PGS.

Sau khi thẩm định hồ sơ, đánh giá ngoại ngữ, đánh giá báo cáo khoa học tổng quan và bỏ phiếu tín nhiệm, có 731 ứng viên (65 ứng viên GS, 666 ứng viên PGS) được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại 27 HĐGS ngành, liên ngành (HĐGS ngành Văn học không có ứng viên).

Các HĐGS ngành, liên ngành đã họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2024. Kết quả có 631 ứng viên (45 ứng viên GS, 586 ứng viên PGS) được đề nghị HĐGS nhà nước xét công nhận. Riêng HĐGS ngành Khoa học Quân sự và Khoa học An ninh đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho 54 ứng viên (2 ứng viên GS, 52 ứng viên PGS).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ ứng viên từ các HĐGS ngành, liên ngành, Văn phòng HĐGS nhà nước đã phối hợp với Thường trực các HĐGS ngành, liên ngành kiểm tra, rà soát minh chứng của toàn bộ hồ sơ ứng viên, báo cáo Thường trực HĐGS nhà nước trước khi trình HĐGS nhà nước xét và công nhận.

Tại phiên họp lần thứ II, HĐGS nhà nước đã thảo luận công khai từng hồ sơ ứng viên, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu đối với danh sách ứng viên đủ điều kiện được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Kết quả số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là: 45 ứng viên GS, 570 ứng viên PGS. Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên nộp hồ sơ đăng ký ban đầu tại các HĐGS cơ sở cho đến thời điểm này là 76,59% (trong đó tỉ lệ đạt của ứng viên GS là 58,44%, ứng viên PGS là 78,51%).

Thêm 2 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam lọt bảng xếp hạng châu Á

Theo bảng xếp hạng ĐH châu Á năm 2025 do Tổ chức QS World University Rankings vừa công bố, Việt Nam có 17 cơ sở giáo dục ĐH lọt vào danh sách được xếp hạng.

Trong đó, Trường ĐH Duy Tân dẫn đầu danh sách, đứng thứ 127/984; tiếp đến là ĐHQG Hà Nội đứng thứ 161/984; ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 184/984.

Các trường còn lại lần lượt gồm Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; ĐH Huế; ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Giao thông Vận tải; Trường ĐH Văn Lang; Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Cần Thơ; Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Vinh.

So với bảng xếp hạng năm 2024, nước ta có thêm 2 cơ sở giáo dục lọt vào danh sách, gồm Trường ĐH Vinh và Trường ĐH Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ