Dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo đột phá về chính sách với nhà giáo

GD&TĐ - Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà giáo. Các đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần tạo đột phá về các chính sách với nhà giáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu thảo luận tại tổ 10
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu thảo luận tại tổ 10

Tạo môi trường để nhà giáo an tâm công tác

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của dự án Luật Nhà giáo. Đây là dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng, nhiều lần.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Nhà giáo là luật mới, được dư luận xã hội mong muốn ban hành. Nhà giáo có những đặc thù riêng, khác về quyền lợi, nghĩa vụ với viên chức nói chung. Do đó, việc xây dựng và ban hành luật sẽ kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đặc thù của nhà giáo cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các chính sách vẫn phải đặt trong tổng thể chung, đảm bảo cân đối, hài hòa.

Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định về đối tượng áp dụng, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo; chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo... đảm bảo phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật.

thaivanthanh.jpg
Đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) thảo luận tại tổ 3.

Thảo luận tại tổ 3, đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) nêu rõ, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật có 5 chính sách lớn và 10 điểm mới. Đại biểu nhấn mạnh, lần đầu tiên địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập rõ ràng trong dự thảo Luật; quy định về quyền và trách nhiệm của nhà giáo người nước ngoài, từ đó tạo môi trường để nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và sáng tạo.

Về tuyển dụng và sử dụng đội ngũ nhà giáo, đại biểu nhận thấy, có nhiều chính sách mới trong tuyển dụng và sử dụng đội ngũ nhà giáo, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục và các địa phương để chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, điều động, thuyên chuyển, đánh giá, sàng lọc và chủ động trong việc đào tạo, đặt hàng đối với nhà giáo.

Góp ý về thuật ngữ, đại biểu đề nghị nên sử dụng thống nhất thuật ngữ, cụm từ: “vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Đồng thời bổ sung thuật ngữ, giải thích từ ngữ cho rõ “cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục”, vì hiện dự thảo Luật mới chỉ giải thích cụm từ “cơ quan quản lý giáo dục”.

Ngoài chính sách thu hút những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị bổ sung thêm 2 đối tượng: Thứ nhất, những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, ưu tiên tuyển thẳng vào ngành sư phạm để làm nhà giáo;

Thứ hai, những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại làm giảng viên tại trường. Đại biểu cho rằng, đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả các cấp học, bậc học và cả hệ thống giáo dục quốc dân.

Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị, cần xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để đảm bảo Luật có tính khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.

Cần tạo đột phá về các chính sách đối với nhà giáo

luongvanhung.jpg
Đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) thảo luận tại tổ 3.

Góp ý về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, chế định Nhà giáo hiện tại được quy định tại nhiều văn bản luật như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là Luật Viên chức…

Do đó, cần rà soát bổ sung nội dung khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật quy định về đối tượng điều chỉnh: “Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” theo hướng mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với nhà giáo ngoài công lập. Vì trong tương lai đối tượng này có xu hướng phát triển ngày càng đa dạng, mạnh mẽ phù hợp với xu hướng phát triển.

Với việc bổ sung đối tượng nêu trên, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị, cần có quy định trong dự thảo Luật hệ thống quản lý và chính sách phù hợp cho đối tượng này, nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với tất cả nhà giáo, bảo đảm định hướng phát triển chung của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hội nhập với quốc tế.

Về chính sách đối với Nhà giáo, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, cần quy định Nhà giáo công lập được tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bổ nhiệm, hưởng hệ thống thang bảng lương…) theo quy định của Luật viên chức và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.

Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo được tính đột phá như về chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương, tôn vinh nhà giáo và các chính sách đặc thù khác để phát triển đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn mới, nhất là đối với Nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.