Một thầy giáo tại UCL đã khuyên Tường Vy và các bạn: “Các em học ít thôi. Không cần phải biết hết mọi thứ được dạy. Chỉ cần cuối khóa, mỗi bạn giải quyết được MỘT câu hỏi của bản thân là được.”
Và đây cũng chính là phong cách dạy - học của UCL Institute of Education. Ngành Thạc sĩ Vy học là “Giáo dục và Phát triển Quốc tế”.
Một buổi học sinh động về chủ đề “Phát triển Bền vững” – bọn mình vẽ và thuyết trình mô hình một ngôi trường vì sự phát triển bền vững, mình vẽ bức bên phải mực đen. Ảnh: Tường Vy |
Nội dung học tập
Vy kể lại: “Mình không học cách giảng dạy thế nào hay quản lý hệ thống giáo dục ra sao, mà là xem xét kỹ mối quan hệ giữa giáo dục và phát triển. Bọn mình phân tích chúng theo một số lý thuyết chính và một số vấn đề thực tế đang diễn ra.
Nghe có vẻ lý thuyết, không dùng được vào một công việc cụ thể nào như đi dạy hoặc làm cán bộ quản lý? Nhưng thực ra đây mới là chìa khóa của sự khác biệt. Học Cao học không phải đơn giản để đi làm nghề, mà là rèn tư duy thêm một bậc so với trước, qua việc tự học, trao đổi ý tưởng và bước đầu tập nghiên cứu.”
Lý thuyết sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề của chúng ta sau này, như làm chính sách hoặc chọn phương pháp dạy. Lấy ví dụ về việc... vận động xây nhà vệ sinh trong trường học chẳng hạn.
Từ lý thuyết Vốn con người: Giáo dục là đầu tư, bạn sẽ thuyết phục nhà tài trợ rằng đầu tư xây toilet sẽ giúp học sinh khỏe mạnh hơn, góp phần tạo ra một thị trường lao động có chất lượng sau này. Bên cạnh đó, xây toilet cũng có lợi cho doanh nghiệp vì vừa PR tốt, vừa được giảm thuế khi làm thiện nguyện.
Từ góc nhìn của chủ nghĩa Tân tự do, xây toilet cũng theo quy luật thị trường tự do, cạnh tranh đấu thầu và tạo nhiều lựa chọn sử dụng toilet cho học sinh - toilet cao cấp, thường và công cộng - tỉ lệ thuận với mức tiền học sinh bỏ ra.
Từ lăng kính Giới, việc trang bị chu đáo cho toilet nam, nữ là chưa đủ, mà phải đi đôi nâng cao nhận thức, thái độ của xã hội đối với vệ sinh kinh nguyệt của nữ giới và sức khỏe sinh sản của cả hai giới.
Từ góc nhìn nhân quyền: Mọi con người đều bình đẳng, phải xây toilet miễn phí, hơn nữa, phải đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng trong trường, như toilet cho người khuyết tật, toilet cả nam nữ đều dùng chung, xem xét đặc điểm địa lý và văn hóa địa phương để điều chỉnh cách thiết kế toilet chứ không áp đặt một mô hình duy nhất.
Buổi học cuối của môn chính – Giáo dục và Phát triển Quốc tế. Giáo sư dùng một trang web để đặt câu hỏi, chúng mình chọn đáp án thật nhanh bằng điện thoại hoặc laptop, và thích thú nhìn kết quả bình chọn nhảy múa trên bảng. Sau đó giải thích cho lựa chọn của mình và thầy bổ sung. Đó là một cách “dò bài” khá hiệu quả và vui vẻ . Ảnh: Tường Vy |
Phương pháp học
1 năm, Tường Vy học 3 học kì (Thu, Xuân, Hè). 2 học kỳ đầu Tường Vy học 4 môn (2 môn/ học kỳ). 1 tuần chỉ đi học hai buổi. Học kỳ 3 chỉ ngồi nhà đọc sách viết luận văn.
Tất cả 4 môn đều không có điểm thành phần, chỉ có 100% điểm dựa vào bài luận cuối khóa. Trước khi nộp bài luận cuối khóa, sẽ có 2 bài luận 1.000 từ để đề xuất sơ khởi ý tưởng. Sinh viên tự bắt cặp với nhau và góp ý qua lại.
Cuối khóa, sinh viên nộp bài hoàn chỉnh 5.000 từ. Đề thi được cho ngay từ đầu học kì, và rất tự do: “Hãy viết về một vấn đề nào đó ở một quốc gia đang/kém phát triển nào đó theo chủ đề của môn học này.”
Tường Vy chia sẻ: “Một số người sẽ hoang mang vì không biết làm gì, nhưng mình vốn thích tự do và đã trải nghiệm một số ngóc ngách của giáo dục - phát triển, nên mình nghĩ ra được đề tài cụ thể mà các thầy cô rất thích vì nó độc đáo, mới mẻ.”
Sinh viên không phải học thuộc bài để vào phòng thi trả bài với những câu hỏi từ thầy cô. Có lẽ sự tôn trọng tính tự do của sinh viên và coi trọng việc tự đào sâu nghiên cứu kỹ về một vấn đề cụ thể đã làm nên chất lượng của ngôi trường mơ ước của Tường Vy.
Tuy nhiên, nhìn vào lịch thấy học ít thế, chẳng lẽ cả học kỳ cứ đi chơi mãi? Không nhé!
Vy và các bạn chia nhóm đọc. Trước khi đến lớp, cả nhóm ở nhà đọc bài, rồi hẹn gặp nhau trao đổi ý tưởng. Phương pháp này giúp các bạn biết thêm nhiều góc nhìn khác và cùng giúp nhau giải thích những chỗ mình chưa hiểu.
Ở trên lớp, đọc xong, thành viên nhóm đăng bài lên diễn đàn của trường (tóm tắt tài liệu, suy nghĩ cá nhân hoặc nghi vấn), các bạn khác bình luận, đặt câu hỏi, liên tưởng, gợi ý... kể cả trước và sau khi lên lớp (vì có khi lên lớp rồi bạn sẽ có ý tưởng mới). Cách làm như vậy giúp sinh viên và giảng viên biết thêm ý tưởng và kịp thời điều chỉnh cách dạy.
Tự thấy bản thân còn nhiều thiếu sót, Tường Vy in bài của các bạn Vy biết là giỏi trong lớp, rồi ngồi gạch chân, khái quát hóa bằng từ khóa rằng các bạn ấy đã bình luận những gì, nhìn ra vấn đề gì.
Ví dụ những điểm tốt về bố cục của lập luận, điểm mới chính của bài, phương pháp nghiên cứu hay; cân nhắc bối cảnh sách ra đời ở đâu để ảnh hưởng tới góc nhìn, chỉ ra định kiến và ví dụ để chứng minh lập luận của tác giả... Tường Vy cho rằng một trong những cách học là học hỏi gián tiếp từ những người giỏi hơn mình.
Ngoài ra, khi nói chuyện với bạn bè thân, Tường Vy dùng cách kể về kiến thức sao cho dễ hiểu với bạn – đặc biệt là người ngoài ngành - như một cách “ôn bài”, kiểm tra mình hiểu tới đâu. Rồi Vy hỏi bạn những gì bạn đã học, để vừa biết cái mới, vừa liên hệ được vài ý tưởng cho phần học của mình.
Thỉnh thoảng Vy chơi nối từ tiếng Anh với bạn bè người bản xứ để nhớ từ vựng và nhân tiện bổ sung thêm vốn từ.
Với Tường Vy, điều hay trong các câu hỏi dẫn dắt phần đọc tài liệu và yêu cầu thảo luận trong lớp là tính phản biện. Ví dụ các bạn phải chỉ ra điểm bất hợp lý trong cách lập luận của một tác giả nào đó trong sách, hoặc ngồi mổ xẻ những lỗi suy diễn, giả định trong một diễn văn của Thủ tướng Anh Theresa May về giáo dục!
Trong từng môn, mỗi sinh viên có một giảng viên cố vấn để góp ý về bài luận. Thầy cô sẽ hỗ trợ ý tưởng, gợi ý tài liệu. Nếu hai người hợp nhau thì có thể dành thêm thời gian để trao đổi về định hướng tương lai cùng những chuyện bên lề.
Sinh viên được khuyến khích dự hội thảo trong và ngoài trường. London là đất tụ hội của bao nhiêu tinh hoa trên thế giới, nên lịch của Tường Vy và các bạn trong lớp luôn kín đặc các sự kiện học thuật: hội thảo chuyên đề ở trường, hội nghị ở trường khác hay đi dự ra mắt sách.
Tường Vy còn “truy lùng” thời gian, địa điểm một lớp cô không đăng kí được vì vượt quá tín chỉ cho phép để “học ké” vài buổi, chỉ vì nội dung lớp đó thú vị với cô.
Đi tình nguyện dọn rác trên bãi biển vào mùa đông, nơi Tường Vy học từ người địa phương về ý thức bảo vệ môi trường, và được chỉ cho một số vết tích của rừng cây 500 năm trước vẫn nằm trên bãi biển khi triều rút, Merseyside 2018. Ảnh: Abubakr Abdelbagi |
Hoạt động ngoại khóa
Ngoài ra, theo Tường Vy, đi chơi và hoạt động ngoại khóa cũng là cách học hiệu quả nếu có sự chú tâm quan sát và suy nghĩ. Đi đâu cô cũng chụp ảnh, quay phim và viết nhật ký làm tư liệu.
Ngoài việc thường xuyên du lịch bụi một mình và xin ở nhờ nhà dân, Tường Vy còn trải nghiệm được nhiều mặt trong đời sống, văn hóa Anh qua các sự kiện dành riêng cho học giả Chevening, như tìm hiểu Quốc hội Scotland ở Edinburgh, nghe đọc thơ và học điệu nhảy dân gian Scottish Ceilidh ở Glasgow.
Chevening giá trị ở chỗ họ tạo ra nhiều hoạt động để thành viên thường xuyên đến các vùng đất mới, trải nghiệm những điều mới và gặp gỡ, kết nối với những con người mới.
Chỗ ngủ của Tường Vy trên sàn nhà trong một chuyến du lịch bụi một mình dịp nghỉ đông – một phòng chứa bộ sưu tập đồ cổ về âm nhạc, đồng hồ và súng từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 của một nghệ sĩ piano kiêm thầy giáo Hóa học, Exeter 2017. Ảnh: Tường Vy |
Ngoài phạm vi Chevening, Tường Vy đi tình nguyện nên biết được thêm một số ngóc ngách về người vô gia cư Anh và nhiều điều bất hợp lý về giá nhà đất cũng như văn hóa sống.
Cô đi vào buổi đình công và diễu hành đòi quyền lợi bình đẳng cho người lao động nhập cư da màu – điều đang xảy ra ngay trong một trường Đại học nổi tiếng – để nói chuyện với họ.
Một cuối tuần trong 2 tháng Tường Vy bị trầm cảm khi mới qua Anh, Tường Vy bỏ hết tất cả, đến xứ Wales để tập chèo thuyền kayak, ngoài cùng bên trái, Pembrokeshire 2017. Ảnh: Preseli Venture Eco Lodge and Adventures |
Tiết kiệm chi tiêu ở nhiều khoản khác, Vy bỏ ra 83 bảng (khoảng 2,6 triệu đồng) để thưởng thức một đêm diễn múa để biết 5.000 năm lịch sử Trung Hoa qua lăng kính nghệ thuật của người Trung Hoa xa xứ. Cô tranh thủ làm biên dịch và phiên dịch viên bán thời gian cho một công ty để có thêm kinh nghiệm.
Tường Vy nấu ăn hàng ngày, vừa hợp dinh dưỡng để khỏe mạnh, vừa có thể “giao lưu văn hóa” với các bạn khác trong kí túc xá. Và lớp Aikido giúp cô tĩnh tâm, tập trung, thả lỏng cơ thể và tinh thần hơn cho con đường dài…
Tường Vy tại buổi họp mặt đầu khóa của Chevening, London 2017. Ảnh: Nguyễn Xuân Mẫn |
“Học ít thôi” luôn là lời khuyên của các thầy cô UCL, và kể cả nhiều sinh viên tốt nghiệp một trường nổi tiếng “sát thủ hàng loạt bằng sách” như Đại học Cambridge. Tường Vy hiểu nó theo nghĩa đừng chỉ vùi đầu vào sách vở một cách vô định để kiếm điểm.
Môi trường học thuật hàn lâm, bề dày, sự đa dạng của văn hóa Anh và cách tổ chức xã hội năng động ở Anh cho phép cô tận dụng được nhiều tài nguyên hiếm có để trau dồi tri thức, thiết lập các mối quan hệ và trao đổi ý tưởng.
“Tất cả những điều đó chỉ nhằm giúp mình giải đáp một số trăn trở chính về giáo dục một cách có cơ sở hơn, và mới mẻ hơn.” – Tường Vy chia sẻ.