1.
Trong một buổi giao lưu trực tuyến với lớp 12B1 Trường THPT Mai Sơn (Sơn La), nhóm thực hiện dự án được cô Phạm Thị Hải, chủ nhiệm lớp 12B1, cho biết: “Bão đi qua, đường sá bị chia cắt bởi sạt lở đất. Nhà của nhiều học sinh trong lớp tan hoang…”.
Trước đó, học sinh lớp 9H2 đã chuẩn bị đồ handmade để làm vòng, xược; giấy, màu để vẽ tranh. Cô Mai Hoa, chủ nhiệm lớp, lo khâu kết nối và hỗ trợ học sinh làm thành phẩm. “Đây là một dự án có ý nghĩa. Ban đầu chỉ từ một nhóm bạn nhưng sau đó nhân rộng ra cả lớp. Các em tự tay làm những sản phẩm để bán cho phụ huynh trong trường. Số tiền đó dùng để ủng hộ học sinh các trường khó khăn trên cả nước”, cô cho biết.
Trong một lần theo dõi về cơn bão số 10, nhận thấy những hậu quả của bão gây ra, đặc biệt đối với học sinh vùng cao, Hồ Vũ Bảo Ngân (lớp 9H2) - trưởng dự án, nghĩ rằng "mình phải làm điều gì đó góp phận chia sẻ".
Trường đầu tiên mà nhóm chọn là THPT Mai Sơn tại Sơn La, nơi hứng chịu hậu quả nghiêm trọng của bão. “Không phải là hô hào quyên góp tiền, quần áo sách vở, chúng em sẽ tự tay làm những điều trong khả năng của mình để hỗ trợ các bạn.
Bạn nào biết vẽ tranh thì vẽ, bạn nào biết làm đồ thủ công thì sẽ làm. Đồng thời, đối với học sinh vùng cao, các bạn sẽ luôn có những sản phẩm bản địa độc đáo.
Chúng em sẽ giúp gia đình các bạn bán những sản phẩm đó với giá cao. Bên cạnh đó, chúng em còn hỗ trợ giúp các bạn thành lập những thư viện sách trong trường…” - Bảo Ngân chia sẻ.
Trong buổi giao lưu, các anh chị lớp 12B1 Trường THPT Mai Sơn giới thiệu những mặt hàng thổ cẩm đặc sắc của địa phương như khăn, váy, túi xách… được chính học sinh và gia đình làm. “Chiếc túi này là mình tự dệt tay nhé. Ở đây chỉ bán với giá 60 ngàn đồng mà cũng ít người mua lắm…” - Diệu Hồng, lớp trưởng lớp 12B1 nói.
Đối với trường THPT Mai Sơn, Bảo Ngân cho biết, dự án sẽ giúp quyên góp ít nhất số tiền là 10 triệu đồng, bao gồm bán đồ handmade và sản phẩm thủ công.
2.
Gia sư tiếng Anh là cách mà dự án “Kết nối yêu thương, cùng bạn đến trường” hỗ trợ học sinh các trường gặp khó khăn trong tiếng Anh.
“Dự án sẽ phân công trực email (hộp thư điện tử) liên tục để học sinh các trường, gặp bất cứ khó khăn nào từ tài liệu học cho đến ngữ pháp tiếng Anh… liên hệ, đặt câu hỏi và nhóm sẽ trả lời. Đồng thời, dự án sẽ quyên góp sách, tài liệu học tiếng Anh để giúp thành lập những thư viện ngoại ngữ tại các trường” - Bảo Ngân cho biết.
Thẳng thắn chia sẻ, Diệu Hồng còn cho biết, bên cạnh môi trường giáo dục thì khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tư liệu trong học tập cũng cản trở việc học tiếng Anh của học sinh vùng cao Sơn La. “Dự án sẽ giúp anh chị Trường THPT Sơn La về tài liệu, ngữ pháp. Bất kể có khó khăn gì trong học ngoại ngữ, anh chị cứ gửi về dự án qua email!” - Bảo Ngân nhắn nhủ.
Theo Bảo Ngân, tham vọng của dự án là hỗ trợ được tất cả học sinh trong việc học ngoại ngữ. Kiên Giang và Thanh Hóa sẽ là hai đầu cầu tiếp theo mà dự án dự định sẽ kết nối.