Thay vì việc rút kinh nghiệm cho các tiết học, chúng tôi thường viết thành các kí sự vui cùng với bao trang nhật kí của học trò sau mỗi chuyến đi để lưu giữ, suy ngẫm, chia sẻ cho nhau. “Dân” xã hội có lợi về câu chữ nên làm phim, chụp ảnh có lẽ không đủ.
“Chúng tôi” ở đây là những đồng nghiệp trong Tổ Xã hội trường Phổ thông Liên cấp Olympia của tôi, những người đã cùng với tôi phát triển chương trình nhà trường dựa trên những định hướng, chủ trương mới của các cấp, đáp ứng mục tiêu chung của nhà trường cũng như đặc điểm, nhu cầu của học sinh trường tôi – một ngôi trường sử dụng rất nhiều tiếng Anh nhưng lại coi trọng vô cùng nền tảng nhân văn và phông văn hóa mang bản sắc Việt.
Chúng tôi đã tạo ra một chương trình trải nghiệm sáng tạo trên cơ sở của những “mảnh ghép” là các dự án thử nghiệm đã dầy công tạo dựng từ các năm trước, cả ý tưởng cá nhân lẫn sự đồng điệu của một tập thể giàu cá tính, dự án tổng thể được mang tên “Việt Nam – hành trình kết nối”.
Bên cạnh các tiết học trải nghiệm đa dạng trên lớp, chúng tôi đã thực sự đưa các con học sinh xuyên suốt Việt Nam với dự án trải nghiệm sáng tạo theo hướng tích hợp liên môn được thực hiện từ lớp 5 cho đến lớp 12.
Trải nghiệm tại Cổ Loa (Hà Nội) |
Bước chân bé nhỏ đến từ lớp 5 tới Làng văn hóa các dân tộc Đồng Mô – Hà Nội để lần đầu hình dung về đất nước bên cạnh những trang sách Lịch sử, Địa lý, hình thành cho mình những thái độ sống tự hào, yêu mến và tập viết hay hơn nữa những bài văn, bài tập san nhỏ... là một trải nghiệm thật lớn lao với các con học sinh 10 tuổi.
Lớp 6, Lịch sử hình thành nhà nước phong kiến với việc đắp lũy xây thành chống giặc cùng quyện hòa trong những trang truyền thuyết về một thời Văn Lang Âu Lạc hiển hiện thật sống động khi các con đến với Cổ Loa.
Khi được ngắm nhìn thật kĩ các công trình kiến trúc xa xưa và tự tay vẽ tranh họa tiết cổ, các con học được giá trị văn hóa, mĩ thuật, đời sống vật chất - tinh thần của cư dân Việt và biết trân trọng nâng niu hơn để thật lặng im lắng nghe và ngắm nhìn, nhặt từng mảnh rác trong di tích nếu có nhìn thấy.
Nhớ lại hai năm trước, tôi đã từng liên khối để khối 10 bắt cặp với khối 6 cho các anh chị lớn được làm hướng dẫn cho các em nhỏ bằng cây cầu “truyền thuyết”.
Năm nay, tôi tách biệt vì khối 10 lại tìm ra những di tích chùa chiền đáng để nghiên cứu, học hỏi để việc đào sâu được kĩ lưỡng và liên môn được đặc thù hơn.
Địa điểm các con đi tới là Bắc Ninh với một hành trình không chỉ là một chuyến đi duy nhất. Cùng có một tiết học với chuyên gia văn học dân gian, TS. Nguyễn Việt Hùng – Giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội, luyện hát dân ca quan họ ở nhà với các giáo viên thanh nhạc, các học sinh khối 10 ăm ắp kiến thức và tâm thế trước khi đi.
Tại Bắc Ninh, các con đã nghiên cứu được lịch sử, văn hóa Châu Á thông qua những ngôi chùa cổ như chùa Phật tích, chùa Dâu; giao lưu với các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, nghe họ chia sẻ câu chuyện lịch sử về nguồn gốc quan họ và cũng mạnh dạn trình diễn dân ca; đồng thời dành một tiếng đồng hồ để làm tranh “Đông Hồ” với những “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” thực thụ.
Những sản phẩm học tập này là bước đầu để các con tiếp tục trau dồi, rèn luyện các kĩ năng, hoàn thiện lời ca tiếng hát tốt hơn nữa phục vụ cho cộng đồng chính các học sinh khối THPT trong trường, làm các bưu thiệp và bao lì xì trên cảm hứng tranh dân gian, bán và gây quỹ từ thiện.
Cho đến nay, mặc dù chuyến đi đã kết thúc một tháng rồi nhưng giờ họp sáng chào cờ đầu tuần tại Olympia vẫn vang lên ngân nga “Cây trúc xinh” của liền anh liền chị khối 10. Và tôi biết khối 10 còn đang làm tiếp các sản phẩm phục vụ cho hội chợ xuân sắp tới.
Thật tự hào biết bao khi trong câu chuyện trải nghiệm của các giáo viên lại có câu chuyện của quê hương. Tình yêu “quê nhà” và sự hiểu biết địa phương của mỗi giáo viên chính là nguồn cảm hứng tuyệt vời để chúng tôi thiết kế các chuyến đi dạy học thú vị đến vậy.
Tôi vốn dĩ là người Hải Phòng. Và một trong các “mảnh ghép” rất thành công trong những dự án làm nền tảng đã đi vào truyền thống của chúng tôi là trải nghiệm tại đất Cảng.
Với ý tưởng tạo ba điểm cầu, cùng một lúc tôi điều phối 3 chuyến đi lớn cho học sinh khối 9 tại Sài Gòn – Củ Chi, Hà Nội và thành phố Hải Phòng quê tôi. Ở các điểm cầu này, học sinh dùng công nghệ để kết nối online với nhau, cùng nhau hướng tới chủ đề “Lí tưởng tuổi trẻ”, tìm hiểu cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc từ Bãi cọc sông Bạch Đằng – Nhà tù Hỏa Lò – Bảo tàng chứng tích chiến tranh – Củ Chi – Dinh Bảo Đại... đến những địa điểm biểu tượng cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước thời kì mới: Bitexco, Cảng, cầu vượt biển Tân Vũ...
Các tác phẩm thơ văn cách mạng, những truyện ngắn về các cô gái thanh niên xung phong, các chàng trai lái xe không kính hay lặng lẽ cống hiến trên đỉnh Sa Pa... bỗng nhiên trở thành dễ hiểu. Tự các chuyến đi, các con và thầy cô cùng nhau hát “Cô gái mở đường”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, đọc thơ cách mạng... không dứt trên xe thật sôi nổi, thú vị đến bất ngờ.
Các con bật mí, vì được nghe nhiều trên xe bus và bố mẹ hát nhiều nên mới thuộc các giai điệu xưa cũ ấy! Tôi có bàn với cô chủ nhiệm khối để nhen nhóm cùng với học sinh 9 sẽ có những sản phẩm văn hóa văn nghệ để giao lưu với các Hội cựu chiến binh, thương binh trong thời gian tới.
Chúng tôi đang đợi chờ chuyến đi Huế để cùng các con khối 11 thưởng thức ca Huế, được vào giao lưu, mang “Hà Nội” của Thạch Lam, Nguyễn Tuân vào “Quốc học Huế”, tìm về chốn xưa của Hàn Mặc Tử và cùng suy ngẫm câu chuyện “bản ngã dân tộc” trước các di tích Khải Định của cố đô.
Chúng tôi sẽ còn làm tiếp các chuyến đi khai thác thật sâu sắc hơn nữa Hoàng thành Thăng Long của khối 8 khi học “Chiếu dời đô” của Lí Công Uẩn trong lúc giao lưu với đầu cầu bên kia là khối 7 đang tìm hiểu kinh đô Hoa Lư và các kiến trúc Phật giáo tại Tràng An, Bái Đính.
Đất nước mình đẹp vô cùng, tưởng rằng... đã quen, tưởng rằng đã đi, nhưng đã chắc mà đã thấy, đã nghe mà đã hiểu, lại chưa nói, còn là người dạy học đa di năng. Nghề mình sao mà thú vị thế.
Chúng tôi vui tươi và phấn khởi nhắn tin cho nhau trên từng chặng đường để người đi kể cho người “ở nhà”, dạy tại trường... với những điều “trải nghiệm” không khác gì con trẻ.
Vất vả lắm chứ vì dám nghĩ, dám làm, dám biến mình thành những hướng dẫn viên du lịch, nhóm tổ chức sự kiện từ a-z, phải lo từ tiền trạm cho đến hậu cần, từ bữa ăn cho đến hóa đơn hoàn ứng, vé tàu, vé máy bay cho đến bức thư gửi phụ huynh, mặc dù đã “giao việc” cho tuốt tuột các học sinh trong từng chi tiết nhỏ, mặc dù nhà trường đã có một ban hỗ trợ hùng hậu và chuyên nghiệp đằng sau tất cả...
Nhưng “trải nghiệm” này mới thực là dạy cho chính mình các kĩ năng và phương pháp tuyệt vời, để phát huy chính “năng lực” của người dạy. Để khi trở về, dạy trong 4 bức tường mà khiến trò như bước ra ngoài thế giới, và khi bước chân ra thế giới, thầy trò cùng biết định vị bản ngã, mở dần những kết nối, yêu thương khi biết rút ra bài học cho chính bản thân mình. “Hành trình kết nối” ấy sẽ được nối dài với những chuyến đi bất tận của mỗi con người, có thầy, và có cả các con...