“ROUGE 2017 - Kết nối trái tim - Kết nối yêu thương”

GD&TĐ - Ngày 12/8, Đoàn Thanh niên Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền (Hà Nội) phối hợp với Nhóm tình nguyện Rouge và Phòng Công tác xã hội Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tổ chức đêm nhạc thiện nguyện, gây quỹ và từ thiện cho các bệnh nhi bị Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) hiện đang điều trị ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tham dự còn có nhiều sinh viên, học sinh THPT của thành phố Hà Nội.

“ROUGE 2017 - Kết nối trái tim - Kết nối yêu thương”

Dự án “ROUGE 2017 - Kết nối trái tim - Kết nối yêu thương” là một dự án từ thiện được tổ chức bởi các bạn trẻ từ 16-20 tuổi đầy nhiệt huyết, sáng tạo và tình yêu thương dành cho các em nhỏ. Chương trình có mục đích tuyên truyền và Tan máu bẩm sinh là một căn bệnh hiểm nghèo.

GS.TS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí – đại biểu Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã chia sẻ: Tan máu bẩm sinh là một “quả bom nguyên tử” giữa đời thường – gây tàn phá giống nòi Việt Nam. Các ca bệnh đều do di truyền từ đời này sang đời khác, vì vậy khi phát hiện bệnh, người bệnh (đặc biệt là các bệnh nhi) phải thay máu liên tục với một chi phí vô cùng lớn, các em phải trải qua rất nhiều đau đớn, thiệt thòi và luôn phải nhận sự điều trị đặc biệt của bệnh viện.

Hành trình Đỏ - chiến dịch hiến máu nhân đạo Quốc gia ra đời cách đây 5 năm cũng nhằm mục đích tuyên truyền, ngăn chặn và chữa trị căn bệnh đó.

“Kết nối trái tim – Kết nối yêu thương”, Rouge 2017 là một sự tiếp nối tự giác, thấu hiểu và dễ thương “Hành Trình Đỏ” của lứa tuổi học trò, thắp lên trong các bạn bè sự yêu thương, sẵn sàng sẻ chia với cộng đồng thông qua việc hiến máu nhân đạo, trao gửi những nụ cười đến với các bệnh nhi, nâng cao sự hiểu biết của mọi người về căn bệnh này.

Mở đầu đêm nhạc thiện nguyện, Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã giao lưu với khán giả. Theo đó, bệnh tan máu bẩm sinh hoàn toàn do gene của bố mẹ truyền cho con cái nên là bệnh không thể chữa khỏi.

Do hồng cầu không bình thường, máu tan nhanh, khiến cho bệnh nhân bị thiếu máu. Các bệnh nhân đến với bệnh viện thường ở giai đoạn cuối. Vấn đề bác sĩ có cứu được bệnh nhân hay không thì lại phụ thuộc vào cộng đồng rất nhiều. Bệnh nhân phải được truyền máu định kỳ. Đặc biệt với bệnh nhân nặng hai tuần phải đến viện truyền máu một lần và kéo dài suốt cả cuộc đời.

Thiếu máu thì bệnh nhân sẽ không thể sống được. Chính vì thế, bác sĩ Hà mong muốn các bạn học sinh, sinh viên vừa tham gia hoạt động hiến máu cứu người nhưng cũng phải là những ông bố bà mẹ khỏe mạnh, cần xét nghiệm máu tiền hôn nhân để tránh mắc bệnh tan máu bẩm sinh cho con cái.

Gala Văn nghệ tuyên truyền và gây quỹ từ thiện tặng các em nhỏ bị Tan máu Bẩm sinh cũng đã mời được ca sĩ Trọng Hiếu Vietnam Idol 201 và gần 10 tiết mục văn nghệ của các bạn học sinh THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...