Đột phá mới…

GD&TĐ - Câu chuyện về thi tuyển chức danh hiệu trưởng được nhắc đến từ nhiều năm trước, nay tiếp tục được một số địa phương thực hiện. Đây được coi là tín hiệu tốt nhằm tạo ra những đột phá mới cho giáo dục và đào tạo.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thẳng thắn mà nói, phương thức trên được xã hội mong muốn từ lâu nhưng vẫn chưa làm được nhiều. Cũng dễ hiểu, bởi dù sao đây cũng là cách làm mới nên cần vừa làm, vừa tháo gỡ và rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, một vài địa phương thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng, bước đầu đã tạo được hiệu ứng tích cực trong và ngoài ngành Giáo dục, từng bước lan tỏa trong xã hội. Những cán bộ trúng tuyển cơ bản phát huy được năng lực quản lý và dẫn dắt đơn vị ngày càng phát triển.

Không dừng lại ở đội ngũ hiệu trưởng, nhiều địa phương còn mạnh dạn tổ chức thi tuyển chức danh trưởng phòng GD&ĐT và mở rộng quy mô sang các đơn vị sự nghiệp công lập khác. Đơn cử, mới đây, TP Hà Nội tổ chức thi tuyển gần 40 hiệu trưởng và 1 trưởng phòng GD&ĐT.

Ngành Giáo dục đã và đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và Luật Giáo dục 2019, mà ở đó điểm nhấn là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do vậy, đổi mới lần này có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhà giáo, trong đó giáo viên là nhân tố chính, còn hiệu trưởng có vai trò quyết định quan trọng.

Trong bối cảnh hiệu trưởng được ví như linh hồn của ngôi trường, là “đầu tàu” để tổ chức và điều hành mọi hoạt động giáo dục của nhà trường. Hơn bao giờ hết, hiệu trưởng phải vừa có tâm, có tầm để đưa ra những quyết sách đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng dạy – học và tạo động lực để cán bộ, giáo viên, nhân viên của mình phát triển nghề nghiệp.

Nói là vậy nhưng thực tế cho thấy, từ trước đến nay, chức danh hiệu trưởng ở hầu hết các trường học trên cả nước vẫn chủ yếu được đề bạt, bổ nhiệm theo quy hoạch. Thông thường, khi một người được cơ quan quản lý Nhà nước bổ nhiệm, họ sẽ ổn định ở vị trí này trong một hoặc hai nhiệm kỳ rồi chuyển đơn vị khác nếu đủ số năm công tác. Điều này vô hình trung khiến không ít hiệu trưởng thiếu năng động, sáng tạo, ngại đổi mới và ngồi chờ cấp trên “cầm tay chỉ việc”; cá biệt có người trở nên quan liêu, công thần; thậm chí một số người có tư tưởng “sống lâu lên lão làng”.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đội ngũ hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vững vàng trong chuyên môn, nghiệp vụ. Muốn vậy, việc tổ chức thi tuyển vào chức danh hiệu trưởng như một số địa phương đã và đang làm là điều cần thiết. Lẽ tất nhiên, việc này phải được tổ chức công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Có như vậy mới tạo sự công bằng và thực sự trao cơ hội cho người tài cống hiến. Chính vì thế, các chuyên gia kỳ vọng, đây sẽ là giải pháp khoa học, hữu hiệu nhằm tạo động lực cho giáo dục của các địa phương nói riêng và hệ thống giáo dục, đào tạo của nước nhà nói chung phát triển, tạo ra bước đột phá mới.

Với những địa phương đã có thực tế, cần tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về phương thức thi tuyển chức danh hiệu trưởng. Nếu có hiệu quả, nên nhân rộng ngay tại địa phương và từng bước mở rộng trên phạm vi toàn quốc, bởi mục tiêu cuối cùng là thu hút người tài vào làm việc, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ