Sáng tác của ông viết về những điều quen thuộc với cách nhìn rất mới mẻ, viết về những điều bình dị thường ngày mà mang chở những suy tư sâu sắc. Trong đó, nhắc đến “Ánh trăng” chúng ta chỉ có thể nói đây là một trong nhiều bài thơ có sức ám ảnh nhất của ông. Và, điều làm nên sức đồng cảm ấy, thật thú vị, lại là một cảnh huống trữ tình rất đời thường: Một chút “giật mình”, nhận ra mình lỡ lãng quên quá khứ, và ăn năn (!).
“Ánh trăng” được viết năm 1978 tại TPHCM, khi tác giả đã rời quân ngũ, chuyển hẳn sang hoạt động báo chí văn nghệ. Bài thơ ra đời ở thời điểm ba năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tác phẩm từng được xem như lời cảnh tỉnh cho những người cùng thế hệ từng tham gia kháng chiến, mới được hưởng thanh bình, ở buổi giao thời. Với độ lùi thời gian, tác phẩm gửi đến bạn đọc những thông điệp nhân văn cao đẹp, khơi thêm nhiều dòng chảy hướng thiện, vượt khỏi giới hạn của một hoàn cảnh cụ thể.
Tứ thơ được hình thành từ tình huống trữ tình “Thình lình đèn điện tắt/ phòng buyn-đinh tối om/ vội bật tung cửa sổ/ đột ngột vầng trăng tròn”. Từ đó mà khởi dựng nên hình hài bài thơ. Từ tình huống ấy, tác giả triển khai dòng cảm xúc theo trình tự thời gian, từ những hồi tưởng về quá khứ trong sáng nghĩa tình đến giật mình suy ngẫm về thái độ sống của chính mình trong hiện tại.
Có thể coi “Ánh trăng” là lời tâm sự của chủ thể trữ tình về mối quan hệ với vầng trăng theo dòng thời gian. Sự kiện bất thường/ tình huống trữ tình ở khổ thơ thứ tư chính là bước ngoặt để chủ thể trữ tình bộc lộ cảm xúc. “Vầng trăng tròn” ở ngoài kia, trên kia đối lập với “phòng buyn-đinh tối om” dưới này, trong này. Xuất hiện đột ngột trong bối cảnh ấy, vầng trăng bất ngờ mà tự nhiên gợi lại bao kỉ niệm, suy ngẫm.
Trong hai khổ thơ đầu, bằng giọng tâm tình, chủ thể trữ tình hồi tưởng về mối quan hệ giữa mình với trăng với bao kỉ niệm đẹp; tình cảm giữa người với trăng bắt đầu rất hồn nhiên tự nhiên và ngày càng trở nên nghĩa tình gắn bó. Mạch hồi tưởng men theo mạch tự sự, nhà thơ nhắc đến hai mốc thời gian đánh dấu sự phát triển tình cảm ấy: “hồi nhỏ” và “hồi chiến tranh”, thời thơ ấu và khi trưởng thành.
Chỉ cần gợi nhắc thời gian và không gian “đồng”, “sông”, “bể” là đủ để hình dung mối quan hệ giao hòa giao cảm tự nhiên thời thơ ấu giữa người với trăng, bởi đã gợi nhắc thì tất yếu sẽ nghĩ đến hình ảnh đẹp nhất luôn gắn với không gian thiên nhiên ấy.
Trong trường liên tưởng về trăng, ai cũng hiểu trăng với người đều “Trần trụi với thiên nhiên/ hồn nhiên như cây cỏ”. Lớn lên, vào lính, chiến đấu ở rừng, trăng cũng theo người, gắn bó sẻ chia, đồng cam cộng khổ với người như đôi “tri kỉ”, sự giao hòa giao cảm đã thành “tình nghĩa” cao đẹp, khăng khít bền chặt đến mức “ngỡ không bao giờ quên”.
Với phép nhân hóa được sử dụng hiệu quả, “trăng” không còn là một hình ảnh của thiên nhiên nữa mà đã gợi liên tưởng đến con người. Trăng có thể chính là đồng chí, đồng đội; trăng cũng có thể là nhân dân nghĩa tình.
Nhà thơ Nguyễn Duy. Ảnh: INT |
Ở khổ thơ thứ ba, chủ thể trữ tình nhắc lại một mốc thời gian đáng nhớ, tạo nên một biến cố, một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa người với trăng: “Từ hồi về thành phố”. “Về thành phố” là về với hòa bình, là làm chủ không gian ấy khi đã chiến thắng.
“Về thành phố” nghĩa là về với một không gian sống khác hẳn với không gian rừng núi, nơi “thăm thẳm núi non kia/ dưới lá là hầm, là tăng, là võng/ là cơn sốt rét rừng vàng bủng/ là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn…”; “về thành phố” là niềm khao khát cháy bỏng của “Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn/ ngủ ôm súng một thời tuổi trẻ/ đêm trăn trở đố nhau:/ bao giờ về thành phố?”... (trích Nghe tắc kè kêu trong thành phố - Nguyễn Duy).
“Về thành phố” là hạnh phúc mong chờ hóa ra lại là thử thách khắc nghiệt, tàn nhẫn cho mối quan hệ tình cảm giữa những điều từng gắn bó, những người từng là tri kỉ, nghĩa tình “ngỡ không bao giờ quên”.
Trong hoàn cảnh hòa bình, được sống và làm việc trong điều kiện mới, tiện nghi đủ đầy, không còn lệ thuộc vào thiên nhiên mưa nắng, người lính chiến “hồi” trước đã “quen ánh điện cửa gương”.
Với người lính thời bình, sau khi “ôm súng suốt một thời tuổi trẻ”, cuộc sống tiện nghi đã hoàn toàn thay đổi thói quen, khiến anh ta lãng quên những gian nan, những kỉ niệm nghĩa tình của thời đã qua, quên cả “vầng trăng tri kỉ” thủy chung: “vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường”.
Trăng vẫn lặng thầm “đi qua ngõ”, mà người thì hờ hững, vô tình. Sự hờ hững, thờ ơ sẽ không là gì cả nếu giữa người với trăng chưa từng thân quen, gắn bó, chưa có bất cứ mối liên hệ tình cảm nào. Nhưng sự hờ hững, thờ ơ ở đây thật chua chát khi trăng với người từng là “tri kỉ”, là “tình nghĩa” mà lại thành “người dưng”. Phải có cơ duyên nào thì giữa những người dưng mới thành tri kỉ? Phải mất bao lâu thì những người dưng mới có nghĩa tình? Cái cơ duyên ấy, cái quá trình hình thành tình cảm ấy có phải cứ muốn có là được đâu!
Hồi tưởng về thái độ sống thờ ơ ấy, chủ thể trữ tình sử dụng giọng kể với nhịp thơ chảy trôi bình thường, nhưng ẩn dưới lớp ngôn từ có vẻ thuật kể bình thường ấy là thái độ lạnh lùng, tự nhìn thẳng vào lòng mình như dằn vặt bản thân.
Bước ngoặt, biến cố ấy lại được hóa giải bởi một sự kiện bất ngờ, rất đời thường: “Thình lình đèn điện tắt/ phòng buyn-đinh tối om”. Mất điện, thế giới tiện nghi hiện nguyên hình là những sự vật vô tri vô cảm, giã từ những tiện ích ru quên con người.
Mất điện, con người vốn quen với “ánh điện cửa gương”, với các thiết bị làm mát nhân tạo, bị đẩy vào bóng tối ngột ngạt, vào tình thế bức bối. Mất điện, từ sự thôi thúc rất bản năng của con người vẫn hằng được tiện nghi phục vụ, người lính xưa “vội bật tung cửa sổ” để tìm ánh sáng, để tìm gió mát, để giảm cái bức bối tối om đang phải chịu.
Và, khoảnh khắc ấy, trước mắt anh “đột ngột vầng trăng tròn”. Trăng vẫn ở đó, trên bầu trời, trăng vẫn tròn vẫng sáng, không phải mới xuất hiện; đột ngột là bởi đã quá lâu rồi người mới thấy trăng, mới tìm trăng; “đột ngột” là bởi người tìm trăng trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, như là tình cờ.
Nhân dân ào ra, vây quanh xe của đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN |
Nhưng trong cuộc sống, có những sự tình cờ lại “làm thay đổi mắt ta nhìn, óc ta nghĩ” (chữ của Nguyễn Đình Thi), làm thay đổi thái độ ứng xử của con người với thiên nhiên, với đồng loại.
Từ sự cố tưởng như bình thường ấy, trong khoảnh khắc đối diện với trăng, chủ thể trữ tình đã đối diện với lòng mình, với quá khứ với niềm xúc động mãnh liệt. Cảm giác xúc động ấy là gì? Là sướng vui vì gặp lại vầng trăng tình nghĩa? Là nỗi ăn năn hối hận dâng trào? Hay là nỗi nghẹn ngào tự thú vì nhận ra mình cũng có thể tự quên đi quá khứ của chính mình, những điều đã làm nên bản thân mình?...
Thật khó diễn tả. Chủ thể trữ tình đang trong tâm trạng ngổn ngang ấy. Ngổn ngang, nhưng chảy về một dòng, một hướng: Hướng thiện - hướng lương tri. Bởi, trong niềm xúc động đột ngột trăng đã dẫn đưa bao kỉ niệm ùa về: “Ngửa mặt lên nhìn mặt/ có cái gì rưng rưng/ như là đồng là bể/ như là sông là rừng”. Nhà thơ đã dùng những so sánh trùng điệp (như là, là, như là, là) để diễn tả cụ thể cảm giác “có cái gì rưng rưng”, tái hiện dòng chảy mạnh mẽ của tâm lí.
“Đồng”, “bể”, “sông”, “rừng”… chẳng phải là không gian sống, nơi luôn có vầng trăng, gắn bó với những thời đoạn quan trọng nhất trong phần đời đã qua đó sao?! Tưởng rằng đã xa, hóa ra tất cả chợt ùa về; tưởng rằng đã quên, hóa ra vẫn còn và chỉ cần một khoảnh khắc nhắc nhớ. Chợt nghĩ, sẽ thế nào nếu trong đời, ta không có cái may mắn gặp những khoảnh khắc nhắc nhớ, lay thức thế kia?
Thì đây, ở khổ thơ cuối, chủ thể trữ tình suy ngẫm và tự báo động về điều đó! “Trăng cứ tròn vành vạnh” như thiên nhiên vốn bao dung vậy, như quá khứ không thể đổi thay, như nghĩa tình thiêng liêng tròn đầy, như những giá trị bình dị mà cao đẹp vẫn luôn tồn tại trong cuộc đời. Đặt “trăng… tròn vành vạnh” trong quan hệ với “người vô tình”; đặt chữ “cứ” bên cạnh chữ “kể chi”, nhà thơ tạo nên quan hệ đối lập, để thấy con người có thể lãng quên, vô tình nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy.
Nhìn “trăng”, nghĩ về “trăng”, nhà thơ nhận về “ánh trăng im phăng phắc” như cái nhìn thẳng, nghiêm khắc nhắc nhở mình, như là tự nhìn vào lòng mình, tự nhắc nhở: “đủ cho ta giật mình”. Cái khoảnh khắc nhắc nhớ, lay thức, cái sự việc bất thường rất nhỏ giữa cuộc sống bình thường (mất điện), đã đủ để nhân vật trữ tình nhìn thấy những tương phản, nhận rõ những nghịch lý, để rút ra bài học ứng xử đúng đắn, sâu sắc cho chính mình.
Từ một cảnh huống đời thường, từ một câu chuyện riêng, tâm sự riêng thầm kín, chủ thể trữ tình đã cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, nghĩa tình, đối với thiên nhiên, đất nước, nhân dân hồn hậu bằng bài thơ “Ánh trăng”.
Tác phẩm không chỉ là câu chuyện của một người mà là chuyện của cả một thế hệ (thế hệ những người lính hậu chiến, sống trong hòa bình sau những năm gian lao). Hơn thế, vấn đề thái độ với quá khứ, với cả chính mình mà tác phẩm nêu lên không chỉ có ý nghĩa với một cá nhân mà còn có ý nghĩa với nhiều người ở nhiều thời. Mỗi người ở những hoàn cảnh khác nhau, với trải nghiệm của riêng mình đều có thể nhận lấy từ “Ánh trăng” một bài học có ý nghĩa về cuộc sống.