Cụ Đồ Chiểu: Hai trăm năm nhìn lại từ những áng thơ văn trong nhà trường

GD&TĐ - Tháng 11/2021, UNESCO chính thức thông qua nghị quyết vinh danh các nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương là Danh nhân văn hóa thế giới. Việc nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được vinh danh có ý nghĩa rất lớn khi chúng ta tổ chức kỷ niệm 200 năm năm sinh của ông. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cùng nhìn lại sự nghiệp của cụ Đồ Chiều từ những áng thơ văn trong nhà trường.

Chân dung phác họa cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Chân dung phác họa cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Những áng văn giữa thời kỳ đau thương

Nguyễn Đình Chiểu hay còn được gọi là cụ Đồ Chiểu, tự là Mạch Trạch, Hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, ông sinh ngày 1/7/1822 tại Làng Tân Thới, huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình, Tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) và mất năm 1888 tại Ba Tri (Bến Tre). Nguyễn Đình Chiểu sinh ra trong gia đình phong kiến lớp dưới, 12 tuổi được cha đưa ra Huế học, sau khi đỗ Tú tài, chuẩn bị thi Hương thì ông nghe tin mẹ mất.

Nguyễn Đình Chiểu trở về Nam chịu tang mẹ, trên đường về ông bị mù, từ đó ông gắn với sự nghiệp dạy học, làm thơ và bốc thuốc cứu người. Danh tiếng và sự ảnh hưởng của Đồ Chiểu ngày càng lớn khiến thực dân Pháp lo sợ, chúng đã nhiều lần tìm mọi cách mua chuộc cụ nhưng không thành.

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với một thời kỳ đầy đau thương của dân tộc trước sự nhòm ngó và xâm chiếm của thực dân Pháp ở nửa sau thế kỷ XIX. Nhưng cũng chính từ những đau thương, mất mát của cá nhân nhà thơ cũng như toàn dân tộc lại làm ngời sáng những áng thơ văn đậm đà nhân nghĩa cũng như nồng nàn tinh thần yêu nước chống Pháp. Sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu chia thành hai giai đoạn sáng tác rất rõ nhưng đều chi phối bởi quan niệm văn chương rất tiến bộ: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Ở giai đoạn đầu, ông viết hai truyện thơ: Truyện Lục Vân Tiên và Dương Từ - Hà Mậu, đều nhằm mục đích truyền bá đạo lí làm người, đề cao lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa theo tinh thần Nho giáo, nhưng lại rất đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc. Những mẫu người lí tưởng trong tác phẩm là những con người sống nhân hậu, thủy chung, biết giữ gìn nhân cách ngay thẳng, cao cả, dám đấu tranh và có đủ sức mạnh để chiến thắng những thế lực bạo tàn, cứu nhân độ thế. Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu bộc lộ rất rõ tính chất giáo huấn của mình:

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình

Những quan niệm sáng tác đó đã chi phối kết cấu của Truyện Lục Vân Tiên với hai tuyến nhân vật theo kiểu thiện - ác, chính - tà thường thấy ở các tác phẩm tự sự dân gian. Các nhân vật chính diện như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực, ông Ngư, ông Quán… cũng chính là những người trung tháo, tiết nghĩa. Qua lời ông Quán, Nguyễn Đình Chiểu đã bộc lộ rõ ràng tư tưởng đạo đức, nhân nghĩa:

Quán rằng:“Ghét việc tầm phào,

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm.

Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm,

Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.

Ghét đời U, Lệ đa đoan,

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.

Ghét đời Ngũ bá phân vân,

Chuộng bề dối trá, làm dân nhọc nhằn.

Ghét đời Thúc quý phân băng,

Sớm đầu tối đánh, lằng nhằng rối dân.

(Lục Vân Tiên)

Lăng mộ nhà nho Nguyễn Đình Chiểu tại Bến Tre.

Lăng mộ nhà nho Nguyễn Đình Chiểu tại Bến Tre.

Lòng yêu nước thấm đẫm giữa thời bi thương

Ở giai đoạn sáng tác sau, Nguyễn Đình Chiểu trở thành ngọn cờ đầu của văn học yêu nước chống thực dân Pháp. Thơ văn cụ Đồ Chiểu vừa ghi lại những cảm xúc đau thương của đất nước trước họa xâm lăng vừa bộc lộ khí thế quyết tâm chống giặc của những con người bình dị mà vĩ đại. Nguyễn Đình Chiểu luôn giữ vững tiết tháo trước sự mua chuộc, dụ đỗ của bọn thực dân, cụ thẳng thắn bộc lộ khí tiết của mình: Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ. Có thể nói, Thơ văn cụ Đồ Chiểu đã bám sát và ghi nhận những mất mát, đau thương trong một giai đoạn lịch sử đen tối và bi thương của dân tộc. Bài thơ Chạy Tây (Chạy giặc) là một sáng tác tiêu biểu:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay.

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ bầy chim dáo dác bay.

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?

Trong tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm tâm sự của mình qua lời ngâm của nhân vật Đường Nhập Môn, một kẻ sĩ đi học nghề thuốc để cứu đời nhưng không gặp thời và đành ngậm ngùi nhìn cảnh nước mất nhà tan:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,

Chúa Xuân đâu hỡi có hay không?

Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn

Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng.

Bờ cõi xưa đà chia đất khác,

Nắng sương nay hà đội trời chung.

Chừng nào Thánh để ân soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông.

(Xúc cảnh - Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Khi thực dân Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam kỳ, mặc dù bị mù lòa nhưng Nguyễn Đình Chiểu vẫn sát cánh cùng những lãnh tụ và nghĩa quân của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Thơ văn cụ đã ca ngợi những người anh hùng, những lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa như Phan Tòng, Trương Định, đặc biệt là những người nông dân mến nghĩa làm quân chiêu mộ đã đứng lên đánh giặc cứu nước. Đêm ngày 16/12/1861, những nghĩa sĩ mà trước đây vốn là nông dân, vì quá căm phẫn kẻ ngoại xâm, đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc nhưng có khoảng 20 nghĩa sĩ đã hy sinh.

Theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, để đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đánh này. Như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, lần đầu tiên trong văn học xây dựng được bức tượng đài về người nông dân - nghĩa sĩ hết sức chân thực vừa hào hùng vừa bi tráng.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc có vị trí quan trộng không chỉ trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu mà còn của cả nền văn học yêu nước chống thực dân Pháp cuổi thế kỷ XIX. Bài văn tế đã tái hiện cuộc đời lam lũ khó nhọc của người nông dân Nam bộ thế kỷ XIX với nền nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn, họ không được trang bị vũ khí, không được tập luyện nhưng có lòng căm thù giặc sâu sắc nên đã tự nguyện đứng lên đánh giặc, cứu nước:

Nhớ linh xưa:

Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó.

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa; mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ. (…)

Khá thương thay!

Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.

Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, đâu chờ bày bố.

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ.

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Chi nhọc quan quản trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Người nghĩa sĩ vào trận với những gì mình có trong sinh hoạt, lao động hàng ngày (manh áo vải, ngọn tầm vông, dao phay, rơm con cúi) nhưng săn sàng đối diện với đạn nhỏ, đạn to, tàu thiếc, tàu đồng của giặc hơn nữa họ còn làm kẻ thù thất điên bát đảo. Chính lòng yêu nước, căm thù giặc đã tạo cho học một sức mạnh phi thường, một tinh thần bất khuất. Họ sẵn sàng hy sinh để làm rạng ngời truyền thống của dân tộc:

Nhưng nghĩ rằng:

Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.

Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương; vì ai xui hào luỹ tan tành, xiêu mưa ngã gió.

Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Hình tượng người nông dân - nghĩa sĩ Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia đã trở thành một bức tượng đài vô tiền khoáng hậu trong lịch sử văn học dân tộc, điều đó càng thấy được tầm vóc lớn lao của nhà thi sĩ mù xứ Đồng Nai. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thường không phát lộ ở bề mặt mà mang vẻ đẹp tiềm ẩn trong chiều sâu cảm xúc và suy ngẫm. Với những đóng góp nổi bật ấy, cụ Đồ Chiểu xứng đáng được tôn vinh hơn nữa, các tác phẩm của cụ ngày càng được dịch ra nhiều thứ tiếng để đến với bạn đọc trên thế giới.

Nhân kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta cùng nhau nhìn lại những sáng tác của cụ để thấy được tầm vóc lớn lao của cụ. Để khép lại bài viết nhỏ này, chúng tôi xin mượn ý kiến đánh giá về cụ của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương: “Chỉ với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu trở thành đại diện xuất sắc nhất không chỉ của văn học yêu nước ở Nam bộ mà còn trong phạm vi toàn quốc. Hơn thế, ông xứng đáng được vinh danh như lá cờ đầu của văn học chống chủ nghĩa thực dân, không chỉ của Việt Nam mà của thế giới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.