Bài 3: Góp lời bàn về ca dao
Không tin bác Vũ Tú Nam vì… quá nguy hiểm
Câu chuyện có liên quan tới bài ca dao:
“Mình nói với ta rằng mình còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những đất cùng tro
Ta đi múc nước tắm cho con mình”
Tôi đã viết lời bình cho bài ca dao này. Nhân đó mà đụng chạm đến bác Vũ Tú Nam.
Nhà văn Vũ Tú Nam đã hình dung về thái độ của anh ta: “Kìa, ta như thấy anh đứng trước mặt ta. Đôn hậu và dịu dàng, đau xót lẫn thương yêu anh nhìn đứa bé. Rồi đường đường chính chính, như một người thân trong gia đình, anh bước vào cái sân đất mốc rêu của đôi vợ chồng nghèo, lấy chiếc nồi hông đã rạn và chiếc lọ sứt, lặng lẽ ra ao lấy nước về rửa cho đứa bé, như rửa cho chính con mình vậy” (Báo Văn Nghệ, số 201 ngày 3/3/1967. Vũ Tú Nam - Học viết truyện ngắn trong ca dao cổ).
Tôi rất khâm phục sự tưởng tượng độc đáo của nhà văn. Song tôi cứ sợ hãi thay cho anh bạn kia. Nếu bất chợt đức ông chồng cô ta về, nhìn thấy một người đàn ông lạ mặt đang tắm rửa cho con mình “như là con anh ta” thì sẽ ra sao? Và cái thái độ đường đường chính chính kia nữa sẽ được hiểu như thế nào? Ắt là sẽ không ít chuyện lôi thôi cho cái bộ ba ấy, cho cách xử sự ấy...
Cũng có thể cô lấy chồng do một sự ép uổng nào đó, và bây giờ cô chê anh ta. Nhưng liệu cô đã vượt được qua khó khăn, đã tháo cởi nổi chiếc “gông đeo cổ” ấy?
“Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”
Khi người phụ nữ còn chưa được tự do, liệu cô nói với anh chuyện còn “son” để làm gì?
Bởi thế, hiểu rằng cô gái này đã có chồng, đang sống hòa thuận hay chê chồng đều có vẻ không ổn thỏa.
Cô có chồng rồi, nhưng chẳng may anh ta mất sớm thì sao?
Hoàn cảnh này có thể xảy ra, song có lẽ không phải là hoàn cảnh của cô. Người chồng mất mà đứa con mới đang biết bò thì nghĩa là chưa lâu lắm. Cô còn chưa đoạn tang chồng. Vẫn biết rằng đầy tinh thần rộng lượng và nhân đạo, mọi người cảm thông với nỗi khát khao hạnh phúc, không coi sự “thủ tiết” là bắt buộc.
“Gió đưa cây trúc ngã quỳ
Ba năm thủ tiết còn gì là xuân!”
Cô ở vào hoàn cảnh này, thì việc có tình ý với anh có cái gì đó hơi vội vàng chăng?
Vậy có lẽ cô ở vào hoàn cảnh thứ ba. Nói rằng mình còn “son” không hẳn là một lời hoàn toàn nói dối. Dù có nghiêm ngặt mà xét nét là nói dối thì ít ra việc nói như vậy cũng không nhằm mục đích xấu. Đây chỉ là một cách nói để cho người trai nếu quả có tình thật thì hãy đến tận nơi xem xét và suy nghĩ, cân nhắc và quyết định. Và quả nhiên là anh đã đến.
Bốn câu ca dao này là toàn bộ lời lẽ của anh. Nhưng anh nói với ai? Nói một mình hay nói với cô? Hình như là anh đang nói với cô, anh nói sau khi những việc kia đã xảy ra. Sau khi biết rằng cô còn “son” nghĩa là không bị ràng buộc, còn son với một đứa con. Sau khi biết rằng đứa con ấy đang không được chăm nom chu đáo. Sau khi cảm thông và sẵn sàng yêu thương đứa nhỏ lấm lem thơ dại ấy. Và sau hết là sau khi đã hiểu hoàn cảnh và nỗi lòng cô.
“Rượu ngon cái cặn cũng ngon
Thương em bất luận chồng con mấy đời”
Có lẽ anh đã nghĩ như thế khi đến gặp lại cô. Không thấy một lời nào trách móc hay hờn giận trong lời lẽ của anh. Chỉ thấy một sự tường thuật bình tĩnh với cách xưng hô “ta”, “mình” rất thân thiết và dịu dàng. Như vậy là anh đã quyết. Dù là mình chẳng còn son. Không hề gì. Anh đã trở lại để nói chuyện, tức là anh dám yêu, dám làm tất cả cho tình yêu, dám kê cho bằng một trăm chỗ lệch.
“Cò con” là… ai?
Câu hỏi nghe có vẻ kì kì phải không nào! Nhưng đặt trong thi cảnh thì không có gì lạ. Ấy là trong bài ca dao:
Con cò
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Chớ xáo nước đục đau lòng cò con”
Vậy là đã rõ: Bị tai nạn vì sẩy chân, cò không muốn chết. Nó mong được cứu thoát và đề nghị được cứu giúp. Tấm lòng cò rất thành thực, trong sáng. Cò đã dám mang tính mạng ra để đảm bảo cho phẩm giá của mình. Nếu chẳng may có một lầm lẫn nào khi cứu xét, cò buộc phải chết, thì nó xin được chết trong. Cái “nước đục” và “nước trong” khi hành quyết, khi đem nó “xáo măng” kia là cái chết bắt buộc thì cò đã lựa chọn thế đó. Thật là cứng cỏi và khí tiết.
Hai chữ “cò con” khép lại bài ca dao gợi ra nhiều cách hiểu: thứ nhất là lời tự xưng của con cò bị “lúc lộn cổ xuống ao” (khiêm xưng); thứ hai, cũng là lời tự xưng của con cò, cũng là khiêm xưng, nhưng mức độ nhẹ hơn vì chính con cò này chưa đủ lông, đủ cánh, còn non dại, chưa trưởng thành, chưa từng trải; thứ ba, đó là nói đến chú cò con ở dạng trứng nước, đang nằm trong bụng cò mẹ “Nó đang phải nuôi mấy con và cũng lại đang có mang đấy” (Nguyên Hồng - Một tuổi thơ văn);
Và cuối cùng cò con là những thế hệ con cháu của cò. Tôi nghiêng về cách hiểu cuối cùng, vì rằng con cò này không cần “khiêm xưng” đến mức quỵ lụy như thế. Tình hình nguy ngập, nó có thể bị chết, nhưng nó đàng hoàng xưng hô “ông” và “tôi” đúng mực. Đã hai lần xưng “tôi” sao lại có thể đột ngột chuyển giọng xưng “con”? Cò con là con cò đang trong bụng mẹ thì cũng có thể nhưng không chắc lắm. Vả lại khi đó, cái chết sẽ giải thoát luôn cho cả hai người, nỗi đau chỉ là ngắn ngủi.
Dân gian có câu “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Tiếng tăm tốt đẹp, thanh danh để lại cho con cháu, đó mới là điều cò nghĩ tới. Nâng niu tất cả chỉ quên mình đó cũng là cách ứng xử của các bậc làm cha làm mẹ ở Việt Nam.

Bênh vực người phụ nữ “dại trai”
Ai cũng từng quen với bài ca dao “Hai quả hồng”
“Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều”
Tôi không học ngành luật, nhưng cũng liều làm thầy cãi cho người phụ nữ “dại trai” này!
Người con gái này không yêu chồng, hoặc yêu chồng ít hơn yêu trai thì đã hẳn. Nhưng chúng ta đừng vội đem ngay luân lí đạo đức ra mà kết án cô, tội nghiệp.
Trên đời này, người phụ nữ nào lại không muốn yêu thương chồng con. Nhưng chẳng may lấy phải người chồng mình chẳng bao giờ yêu mến thì làm sao mà yêu cho được? Cái thời của những câu ca dao là cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì những chuyện trái duyên không phải là hiếm hoi. Có bao nhiêu cảnh cọc cạch chồng thấp vợ cao. Như đôi đũa lệch so sao cho bằng. Có bao nhiêu trường hợp chồng chỉ là một “ông lão móm” cô gái lấy cho qua lần thì thôi. Hay đây nữa một anh chồng:
“Chồng em vừa xấu vừa đen
Vừa kém con mắt vừa hèn chân đi
Chồng em rỗ sứt rỗ sì
Chân đi chữ bát mắt thì ngưỡng thiên”
Người chồng bị ép gả như thế, làm sao cô gái có thể yêu cho được? Ông chồng, đó chỉ là người được ràng buộc vào cuộc đời người con gái bằng tập tục, lễ giáo mà thôi. Chồng của cô gái này chắc cũng là một người như thế.
Còn người được gọi là trai kia đối lập với ông chồng ấy là ai? Dĩ nhiên, đó là người không lấy được cô, là người không được thừa nhận trên giấy tờ là chồng. Nhưng có thể anh chính là người bạn biết nhau từ thuở buông thừng. Chính anh là người trai làng mà cô đã hò hẹn, thề nguyền. Chỉ vì tại bác mẹ, tại mối manh, tại bao nhiêu trắc trở mà cô đã không lấy được anh. Nhưng tình xưa vẫn còn nguyên đó. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Làm sao có thể ngăn được lòng cô vẫn hướng về anh? So ra, người bạn của cô còn quyết liệt hơn cô nhiều:
“Ví dù thầy mẹ có đan rọ thả trôi
Thả trôi thì thả, lòng tôi vẫn thương chàng”
Cô không dám cưỡng lại tập tục. Cô đi lấy người chồng mà mình không yêu. Vậy nên cô mới cư xử với trai hậu hơn với chồng, dành phần hơn cho cái người không phải là chồng về danh nghĩa pháp lí nhưng là người chồng trong tình cảm, trong tâm trí của cô.
Một điều đáng nói ở đây là đức hi sinh của cô gái này và sự nhân hậu vốn như là bản tính tự nhiên trong tấm lòng phụ nữ. Anh chồng, cô không yêu, nhưng cô vẫn dành cho anh ta một trái, dù là trái hồng chát. Và dù cô không yêu, nhưng cô vẫn dành cho anh ta một phần tình thương chứ không phải tuyệt đối không có một mảy may tình cảm. Duy chỉ có bản thân mình thì cô chẳng dành cho mình một chút gì hết. Hai quả hồng, cô đem cho cả hai. Tình thương cô cũng dành cho hai người tất cả. Cô chẳng giữ lại một chút gì cho mình. Cô chẳng hề nghĩ về mình. Mặc dù hoàn cảnh của cô, chắc chắn là hết sức đáng ái ngại, đáng thương. Cô đáng được cảm thông và đánh giá bằng cái nhìn độ lượng.
Sen đầu đình không giống sen chùa
Điều này có liên quan đến bài ca dao tỏ tình của một anh trai làng. Tôi từng viết lời bình cho bài ca dao này.
“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp cho đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”.
Những người quan tâm đến bài ca dao đều cảm thấy người đi xin áo đã kiếm được một cái cớ rất thích hợp - đó là chuyện mất áo, hỏi xin rồi nhân đấy mà trình bày hoàn cảnh gia đình và bộc bạch tình cảm bấy lâu ấp ủ của mình. Nhưng chuyện mất áo với tư cách là một cái “cớ” được trình bày để “bên kia” hiểu như là cái cớ vẫn chưa được lí giải thật thỏa đáng. Do đó, một số chi tiết bất hợp lí chưa tìm được chỗ đứng chắc chắn trong lô-gíc của bài ca. Đó là, chuyện “cành hoa sen”, đó là chuyện áo “sứt chỉ đường tà” đó là chuyện mượn cô ấy về khâu cho cùng mà không trả công cho cô ấy, lại trả cho em. Bài viết này chỉ nhằm đề cập tới những chi tiết đó.
Hẳn là không một người con trai khôn ngoan nào lại dại dột tỏ tình bằng cách ngay phút đầu tiên giới thiệu khuyết điểm của mình. Có người đã khen anh con trai này hóm vì anh tự giới thiệu là một người siêng năng, chăm lao động qua việc “tát nước đầu đình”. Thật ra, điều đó có gì đáng nói khi tất cả trai làng đều đi tát nước hay cày bừa đồng cạn, đồng sâu?
Điều cơ bản nhất trong những câu đầu tiên này là việc “bỏ quên chiếc áo”. Ai đời ngay phút đầu đã để lộ, đã phô ra tính đãng trí của mình. Một anh chàng “đoảng vị” như thế, lại không biết cách mào đầu câu chuyện trăm năm còn mong gì được cô gái để lọt mắt xanh? Không! Anh ta nói chuyện mất áo, nhưng lập tức anh đã cho cô bạn biết rằng: - Xin đừng tin chuyện đánh mất của anh, đừng tin rằng anh đoảng vị. Bởi vì chiếc áo đó bỏ quên ở “cành hoa sen”. Sao không bỏ quên ở cành hoa sim? Sao không quên ở cành cây đa hay một vị trí nào khác? Sao lại phải lội xuống hồ hay xuống đầm mà vắt chiếc áo lên cành hoa sen?
Điều cuối cùng là hoa sen đâu phải loại hoa có cành? Toàn là sự vô lí. Không phải do tính chất mơ mộng mà hoa sen bỗng có cành để cho anh vắt áo. Những điều vô lý ấy chỉ có một dụng ý: Xin chớ hiểu lầm rằng có chuyện mất áo thật đã xảy ra. Hơn nữa, cái địa điểm “đầu đình” nơi có biết bao nhiêu người qua lại, tại sao quên áo, anh lại tìm đến chính nhà cô? Tại sao cô chưa trả lời rằng có được hay không anh ta đã ướm “Hay là em để làm tin trong nhà”?.
Và sau hết, đang đi tìm áo, chưa có dấu hiệu tìm thấy mà đã nói chắc mười mươi rằng “mai mượn cô ấy về khâu”! Tất cả những chuyện này đều cùng một mục đích làm rõ: Mất áo là cái cớ, xin chớ quan tâm về bản thân cái áo, mà chú ý tới những gì nhân cái áo để giãi bày. “Cành hoa sen” vô lí kia là tín hiệu khởi đầu của chuỗi tín hiệu tiết lộ rằng câu chuyện khó nói thật, nhưng tình rất thật.
Khi bình xong, tôi được bạn thơ nói cho biết rằng có một loại sen thân gỗ. Cây sen đó có cành. Có thể thấy ở chùa Phật Tích, và chùa Bối Khê. Tôi đã đến tận hai nơi chụp ảnh. Và tôi cũng đọc được trong dân ca Thanh Hóa:
“Lên chùa bẻ một cành sen
Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng giăng...”
Hóa ra là sen ở chùa Phật Tích, chùa Bối Khê, một ngôi chùa vô danh nào đó ở Thanh Hóa có cành. Nhưng sen trong bài ca dao được nhắc trên không phải sen trong chùa, mà là sen ở đầu đình chỗ chàng trai tát nước. Sen ở đầu đình là loại sen sống dưới nước, sen có hoa, hoa dùng để ướp trà...
Vì vậy mà lập luận rằng anh chàng vắt áo quên “trên cành hoa sen” là một sự vô lí cố tình của một chàng trai khôn ngoan vẫn có cơ sở!
_______________________________________
Bài cuối: Một số góc nhìn khác