Đồng bộ giữa giáo dục phổ thông và đại học

GD&TĐ - Khi học sinh được lựa chọn tổ hợp môn học, bên cạnh nỗ lực của trường phổ thông trong việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tư vấn, định hướng, rất cần có sự ổn định và đồng bộ giữa tổ hợp môn học trong trường THPT và tổ hợp xét tuyển của các cơ sở đào tạo sau phổ thông.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Huỳnh Thùy Dương, học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ): Mong ổn định tổ hợp môn xét tuyển vào đại học

Em Huỳnh Thùy Dương.

Em Huỳnh Thùy Dương.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023, em đã trúng tuyển vào Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Sau khi tìm hiểu các tổ hợp nhà trường xây dựng, em dự kiến chọn tổ hợp môn số 6 thuộc nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Sinh học và Âm nhạc). Đây là tổ hợp phù hợp với khả năng cũng như định hướng tương lai của em.

Được lựa chọn tổ hợp môn học sẽ giúp học sinh có thể chủ động hơn trong học tập, tìm và phát triển những điểm mạnh của cá nhân, định hướng được nghề nghiệp phù hợp với bản thân… Lần đầu lựa chọn môn học, em được giáo viên chủ nhiệm lớp 9 và các thầy cô Trường THPT Trần Đại Nghĩa tư vấn cụ thể vấn đề này. Sau khi trúng tuyển vào lớp 10, em và bố mẹ tiếp tục được nhà trường tư vấn về chương trình, tầm quan trọng, các bước thực hiện trước khi đăng ký môn học lựa chọn. Điều này giúp em hiểu rõ, tự tin hơn khi đưa ra quyết định lựa chọn môn học của mình.

Tuy nhiên, em cũng có chút lo lắng vì lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến việc học 3 năm học THPT và định hướng lựa chọn nghề nghiệp, thi cao đẳng, đại học sau này. Việc lựa chọn tổ hợp môn như trên, em dự tính tới việc xét tuyển vào ngành Sư phạm của Trường ĐH Cần Thơ. Em khá lo lắng không biết 3 năm nữa, các trường đại học có thể thay đổi tổ hợp xét tuyển hay không?

Em mong muốn quy định lựa chọn môn học trong chương trình giáo dục phổ thông sẽ giữ ổn định, hạn chế thay đổi. Đồng thời các trường cao đẳng, đại học cũng không nên thay đổi tổ hợp môn xét tuyển hiện tại để chúng em yên tâm với việc chọn lựa môn học của mình ngay khi vào lớp 10. Mặc dù vậy, em cũng phần nào yên tâm vì các giáo viên luôn quan tâm, giúp đỡ và hiện phương tiện truyền thông rất phát triển giúp học sinh có thể dễ dàng tìm hiểu cũng như lựa chọn ngành nghề phù hợp. Mong muốn sau này của em là làm người “đưa đò” để thấu hiểu và truyền đạt những kiến thức bổ ích cho thế hệ mai sau.

Cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi, Hưng Yên): Phụ huynh phải đồng hành, chia sẻ, giáo dục con một cách khoa học

Cô Vũ Thị Anh

Cô Vũ Thị Anh

Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 sẽ học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các em được quyền lựa chọn môn học tổ hợp. Việc này đòi hỏi phụ huynh cùng tham gia vào lựa chọn tổ hợp với các em để định hướng nghề nghiệp sớm.

Yêu cầu đặt ra lúc này là phụ huynh cần nghiên cứu kỹ, cân nhắc và tính toán khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 của con để phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai. Ví dụ, một học sinh vào đầu năm lớp 10 chọn ban Khoa học xã hội, ngoài các môn bắt buộc ra, môn tự chọn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội, điều này đồng nghĩa với việc học sinh đó sẽ không được học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ngay từ đầu năm lớp 10. Như vậy, lên đến lớp 11, nếu muốn chuyển sang học ban tự nhiên là điều không thể.

Theo hướng trên, học sinh lớp 10 phải xác định được nghề nghiệp để chọn tổ hợp môn học thích hợp. Nếu lựa chọn tổ hợp môn học rồi chọn nghề sẽ không phù hợp. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giáo dục toàn diện đến lớp 9 và lớp 10 là phân hoá nghề nghiệp rất rõ ràng.

Vậy để định hướng nghề nghiệp cho con phù hợp, phụ huynh cần dựa vào 3 yếu tố: Bản thân học sinh, nghề dự định chọn, nhu cầu xã hội. Bản thân học sinh có nhận thức, khả năng học tập, năng lực trí tuệ, tính cách, sức khoẻ và nguyện vọng như thế nào.

Bên cạnh đó, các em có dự định chọn nghề nào và có phù hợp với bản thân không, nghề đó nhu cầu xã hội cần hay không. Sau khi chọn được nghề rồi mới xác định được trường học định chọn có tổ hợp môn học nào để tuyển sinh rồi tổ hợp đó có phù hợp với điểm số mình thi tốt nghiệp hay không, có đỗ được hay không. Để đạt được kết quả sau, phụ huynh phải đồng hành, chia sẻ, giáo dục trẻ một cách khoa học mới phát huy được tối đa năng lực.

ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng: Lựa chọn tổ hợp môn không làm mất đi cơ hội chọn ngành của học sinh

ThS Nguyễn Vinh San.

ThS Nguyễn Vinh San.

Trong thời gian gần đây, phụ huynh và học sinh khá bối rối trong việc lựa chọn phân ban theo học khi bước vào lớp 10. Lo lắng cơ sở giáo dục đại học thay đổi các tổ hợp xét tuyển sẽ gây khó khăn cho người học, thâm chí có người cho rằng có thể “vỡ trận” trong chọn tổ hợp và xét tuyển. Tuy nhiên, vấn đề tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học chắc chắn không có nhiều thay đổi đến mức tác động lớn và tiêu cực tới hoạt động lựa chọn ngành học của học sinh.

Các trường đại học thường hướng tới sự thuận lợi cho thí sinh và làm sao chọn được người phù hợp với ngành nghề mà trường đào tạo. Xu hướng xét tuyển của các trường đại học hiện nay là lựa chọn phương thức tuyển sinh riêng nhằm có thể lựa chọn người giỏi và phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo (điều này không tách rời với việc các ngành đào tạo thường vẫn sẽ nằm ở 2 ban Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và khối các ngành năng khiếu, nghệ thuật).

Bên cạnh phương thức tuyển sinh riêng phù hợp cho hầu hết học sinh vẫn còn phương thức xét tuyển liên quan tới kết quả học tập THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, số tổ hợp xét tuyển đã lên đến hàng trăm nhưng hầu hết các ngành đào tạo vẫn luôn có tổ hợp xét tuyển truyền thống là A00, B00, C00, D01 (trừ nhóm ngành có thi năng khiếu).

Từ đó có thể khẳng định việc lựa chọn tổ hợp môn ở bậc THPT không làm mất đi cơ hội chọn ngành của học sinh. Điều quan trọng, các em cần được định hướng nghề nghiệp sớm, lựa chọn tổ hợp/phân ban theo nhóm ngành mà mình dự định lựa chọn. Bên cạnh đó, học sinh cũng cần trang bị kiến thức đồng đều ở các lĩnh vực của đời sống, học tốt ngoại ngữ nhằm tạo nền tảng nghề nghiệp cho tương lai cũng như có thể tham gia đợt thi đánh giá năng lực của một số trường đại học, gia tăng cơ hội trúng tuyển cho bản thân.

TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): Quy chế của Bộ GD&ĐT luôn chú trọng quyền lợi của thí sinh

TS Nguyễn Thu Thủy.

TS Nguyễn Thu Thủy.

Từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 được lựa chọn tổ hợp môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi lựa chọn tổ hợp nào, các em sẽ học tổ hợp đó trong suốt 3 năm THPT theo định hướng nghề nghiệp. Do đó, học sinh có những lo lắng về việc các trường đại học có thể thay đổi tổ hợp xét tuyển là dễ hiểu. Trường đại học được tự chủ tuyển sinh, phương thức xét tuyển sẽ phải phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo mà trường cung cấp. Tuy nhiên, trường đại học nào cũng cần có người học nên chắc chắn không muốn gây ra thay đổi đột ngột ảnh hưởng tới thí sinh, bởi như thế là ảnh hưởng đến chính đầu vào của trường mình. Trên thực tế, trường đại học luôn cố gắng công bố đề án tuyển sinh sớm để thí sinh định hướng ôn tập.

Kỳ tuyển sinh năm 2022, Quy chế của Bộ GD&ĐT quy định: Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm. Điều này giúp quá trình học tập, ôn luyện của thí sinh giữ ổn định, không bị xáo trộn.

Quy chế cũng quy định rõ về việc minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình. Theo đó, cơ sở đào tạo có trách nhiệm công bố thông tin tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng và kịp thời qua các phương tiện truyền thông phù hợp để xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước cùng giám sát; đồng thời, có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước và giải trình với xã hội qua hình thức phù hợp về những vấn đề lớn, gây bức xúc cho người dân.

Quy chế có thể có những điều chỉnh cho phù hợp ở những năm tiếp theo; tuy nhiên, tinh thần chung là Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định chung để cơ sở đào tạo phải tuân thủ để bảo đảm quyền lợi các bên liên quan, ảo đảm công tác quản lý Nhà nước của ngành, đứng trên lợi ích tổng thể của hệ thống và đặc biệt là của thí sinh.

Cũng chia sẻ thêm, từ năm 2022, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Hệ thống hỗ trợ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh tiếp tục phát triển, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu dân cư, từng bước trở thành một nền tảng cung cấp các dịch vụ và tiện ích tốt nhất cho thí sinh và cơ sở đào tạo. Quy chế của Bộ GD&ĐT luôn chú trọng đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là người học cần học tập nghiêm túc, nắm vững kiến thức. Điều này sẽ giúp các em vững vàng, tự tin dù ở bất kỳ phương thức tuyển sinh nào, để trúng tuyển vào trường đại học mong muốn. - Bà Nguyễn Thu Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.