Chương trình mới với lớp 10: Trường Trung học phổ thông xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở lớp 10 với nhiều điểm mới; nổi bật là các trường phải xây dựng được tổ hợp môn học và tổ hợp chuyên đề học tập.

Học sinh THPT lựa chọn môn học là một trong những bước thực hiện theo Chương trình GD phổ thông mới. Ảnh minh họa
Học sinh THPT lựa chọn môn học là một trong những bước thực hiện theo Chương trình GD phổ thông mới. Ảnh minh họa

Việc này cần được lên kế hoạch sớm vì liên quan đến sự đáp ứng về cơ sở vật chất, đội ngũ của nhà trường.

Căn cứ vào điều kiện nhà trường

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết: Từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 phải học 5 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn; 3 chuyên đề học tập và một số hoạt động. Cụ thể, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn khoa học xã hội: (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật)). Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.

Trường THPT Tân Sơn đã xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục lớp 10 năm học 2022 - 2023. Dự kiến, trong 7 lớp 10 sẽ có 4 lớp học lựa chọn theo tổ hợp môn khoa học xã hội và 3 lớp học theo tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Các chuyên đề học tập xây dựng theo các khối thi truyền thống: A, A1, C, D.

Từ thực tế, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ khó khăn với các môn lựa chọn khi nhà trường căn cứ vào thực tế đội ngũ hiện có để xây dựng, chưa chắc đã phù hợp với nguyện vọng học sinh. Trường chưa có giáo viên dạy Nghệ thuật nên trước mắt học sinh chưa được học môn này. Bên cạnh đó, nhà trường còn thiếu thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT…

“Về giải pháp, nhà trường sẽ tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ nội dung chương trình, sách giáo khoa mới và việc bố trí giáo viên giảng dạy để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế. Có phương án hợp đồng giáo viên dạy Nghệ thuật để học sinh được tham gia theo nguyện vọng. Tiết kiệm, huy động các nguồn lực hợp pháp để bổ sung các thiết bị tối thiểu dạy học theo chương trình mới” – thầy Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Tại Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang), thông tin từ cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hạnh, nhà trường dự kiến 6 phương án tổ hợp cho học sinh khối 10 năm học 2022 - 2023 lựa chọn. Cụ thể, nhóm khoa học tự nhiên 1 gồm: Môn bắt buộc, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tin học; chuyên đề môn Toán, Hóa học, Sinh học; tổ chức 2 lớp (khoảng 80 học sinh).

Nhóm khoa học tự nhiên 2 gồm: Môn bắt buộc, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin học; chuyên đề môn Toán, Hóa học, Vật lý; tổ chức 2 lớp (khoảng 80 học sinh). Nhóm khoa học tự nhiên 3, gồm: Môn bắt buộc, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ; chuyên đề môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh; tổ chức 1 lớp (khoảng 40 học sinh).

Nhóm khoa học xã hội 1, gồm: Môn bắt buộc, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Tin học; chuyên đề môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; tổ chức 2 lớp (khoảng 80 học sinh).

Nhóm khoa học xã hội 2, gồm: Môn bắt buộc, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa học, Tin học; chuyên đề môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; dự kiến tổ chức 2 lớp (khoảng 80 học sinh).

Nhóm khoa học xã hội 3, gồm: Môn bắt buộc, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Sinh học, Công nghệ; chuyên đề môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; dự kiến tổ chức 1 lớp với khoảng 40 học sinh.

Theo chia sẻ của cô Hoàng Thị Hạnh, nhà trường chưa có môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) trong các tổ hợp lựa chọn do chưa có giáo viên đảm nhiệm môn học này. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường trên cả nước khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10 sang năm.

Ngoài khó khăn trên, cô Hoàng Thị Hạnh nhận định: Trường lường trước được việc cùng lúc phải triển khai tổ chức dạy học 2 chương trình: Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018; giáo viên sẽ có những bỡ ngỡ khi dạy một số môn học mới. Bên cạnh đó, định hướng làm sao cho học sinh lựa chọn vừa đúng nguyện vọng vừa bảo đảm nhà trường có thể đáp ứng được cũng là khó khăn nhà trường phải đối mặt, có giải pháp.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Đáp ứng nhu cầu người học, phù hợp với điều kiện nhà trường

Tại Hải Dương, các trường THPT được yêu cầu xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn và tổ hợp chuyên đề học tập lựa chọn, báo cáo về sở GD&ĐT trước ngày 2/3. Các môn lựa chọn gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật)). Học sinh phải chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương Đỗ Duy Hưng cho hay: Để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, các trường có thể xây dựng tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học lựa chọn ở trên; mỗi tổ hợp gồm 5 môn. Học sinh chọn tổ hợp môn học phù hợp trong số các tổ hợp môn học nhà trường đã thông báo. Các trường phải thông báo tổ hợp môn học trên cho học sinh trước khi tuyển sinh.

Đối với các chuyên đề học tập lựa chọn, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, giải quyết những vấn đề thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 hoặc 15 tiết. Tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của mỗi môn học là 35 tiết/năm học. Học sinh phải chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học với tổng thời lượng là 105 tiết/năm học.

“Căn cứ vào điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các trường có thể xây dựng các tổ hợp cụm chuyên đề học tập để học sinh chọn. Học sinh chọn tổ hợp cụm chuyên đề phù hợp trong số các phương án nhà trường đã thông báo. Lưu ý các cụm chuyên đề này phải thuộc 3 môn học mà học sinh đã chọn trong số các môn học lựa chọn” – ông Đỗ Duy Hưng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ