Cho rằng không nên quá lo lắng, nhưng đại diện nhiều trường THPT, sở GD&ĐT đều chung quan điểm cần chủ động chuẩn bị từ rất sớm để triển khai nội dung này.
Tính toán phương án có lợi cho học sinh
Theo quy định của Chương trình GDPT 2018, học sinh THPT sẽ học 7 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương), 5 môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập. 5 môn học lựa chọn được chọn trong số 9 môn thuộc thuộc 3 nhóm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Trong đó, mỗi nhóm có ít nhất 1 môn.
Theo ông Lê Bá Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Phú Thọ, về lý thuyết, học sinh có 81 phương án chọn các môn lựa chọn theo quy định của chương trình. Tuy nhiên, THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, học sinh chủ yếu sẽ chọn một số môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này, gắn với yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng; các môn còn lại sẽ chọn theo năng khiếu, sở thích. Xu hướng lựa chọn của học sinh sẽ có sự khác nhau giữa các vùng miền, có thể thay đổi hằng năm.
Cho rằng, không nên quá lo lắng khi thực hiện tổ hợp các môn lựa chọn, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) trích quy định trong Công văn 5512/BDGĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT: Đối với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp THPT, nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học).
Đồng thời, xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường xây dựng phương án tổ chức cho học sinh đăng kí lựa chọn, sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của các em, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Quan điểm “không nên quá lo lắng” còn được thầy Hoàng Minh phân tích với lập luận: Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường THPT đều đã được tập huấn về Chương trình GDPT 2018 nên chủ động hơn khi áp dụng từ năm học 2022 - 2023. Các cơ quan quản lý giáo dục đã có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, việc đánh giá học sinh, tổ chức dạy và học ở các nhà trường... sau 2 năm thực hiện ở tiểu học, THCS.
Bên cạnh lựa chọn các tổ hợp môn, phân phối chương trình năm học đã có các môn học bắt buộc, hoạt động giáo dục bắt buộc... là nền tảng để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, đáp ứng yêu cầu về việc lựa chọn nghề nghiệp sau này. Trên thực tế, các trường đã tính toán phương án có lợi cho học sinh trong tuyển sinh vào đại học sau này, phù hợp với việc phát triển năng lực của người học.
“Trường THPT Phú Bài đã chủ động xây dựng 11 tổ hợp để thông báo cho học sinh, phụ huynh biết và đăng ký, trên cơ sở phù hợp với việc phát triển năng lực của từng em, đáp ứng phần lớn yêu cầu tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (theo phương án tuyển sinh hiện tại) và phù hợp về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại trường”, thầy Hoàng Minh cho hay.
Cô Trịnh Thị Diệu Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 1 (Nghệ An), thông tin, nhà trường đang xây dựng dự thảo kế hoạch năm học đối với lớp 10 năm học tới. Trên cơ sở thực tế về đội ngũ và khảo sát nhu cầu của học sinh, trường xây dựng một số tổ hợp phù hợp nhất, công bố để các em lựa chọn. Khó khăn nhất hiện nay là nhà trường chưa có giáo viên dạy Âm nhạc, Mĩ thuật, nên trước mắt sẽ chưa xây dựng tổ hợp có 2 môn học này.
Khó khăn với tổ hợp có môn Nghệ thuật
Triển khai Chương trình GDPT 2018 ở THPT, điều ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, băn khoăn là đội ngũ giáo viên được tuyển dụng theo cơ cấu các bộ môn theo chương trình GDPT hiện hành, nên sẽ gặp khó khăn trong bố trí, phân công giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018.
Một số bộ môn mới được đưa vào chương trình cấp THPT nên sẽ thiếu giáo viên để tổ chức dạy học… Tùy theo tình hình thực tế, cơ sở giáo dục sẽ xây dựng các tổ hợp các môn học lựa chọn nhằm sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường; đồng thời đáp ứng được nhu cầu lựa chọn đa dạng của học sinh.
Sở GD&ĐT Tiền Giang đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có… xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn, vừa bảo đảm đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, vừa đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh. Tuy nhiên, tại tỉnh Tiền Giang, trong năm học 2022 - 2023 tất cả các trường THPT đều chưa có giáo viên dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) nên gặp khó khăn trong tổ chức dạy học các môn học này. Ngoài ra, các môn Khoa học xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí… đang thiếu giáo viên và không có nguồn để tuyển dụng bổ sung nên cũng ảnh hưởng đến việc sắp xếp, phân công giảng dạy.
Cũng chia sẻ khó khăn về đội ngũ, ông Lê Bá Việt Hùng cho rằng, trong điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên hiện nay, đa số trường THPT không thể đáp ứng được hết nhu cầu của học sinh. Hơn nữa, việc các trường không chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức dạy các môn học lựa chọn phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Đối với tỉnh Phú Thọ, để chuẩn bị công tác dạy học lớp 10 năm học 2022 - 2023, ông Lê Bá Việt Hùng cho biết, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã chỉ đạo các trường rà soát đội ngũ; xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức dạy học các môn học lựa chọn phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường.
Đa số các trường xây dựng từ 4 - 10 phương án cho học sinh lựa chọn. Các phương án này sẽ được công khai cùng với kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 của trường. Học sinh và phụ huynh sẽ có đầy đủ thông tin để nghiên cứu, xem xét trước khi quyết định đăng ký dự thi. Như vậy, các em sẽ lựa chọn theo nguyện vọng nhưng trong khả năng đáp ứng của nhà trường.
Bên cạnh đó, sở GD&ĐT cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch bố trí, điều động giáo viên bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các trường; chỉ đạo các trường THPT chủ động hợp đồng với một số giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật đang dạy THCS trên địa bàn, nếu đủ điều kiện. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học để từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của học sinh.