Đồng bộ giải pháp

GD&TĐ - Giáo dục ưu việt và kỷ luật tích cực không bắt đầu từ trường lớp hay các khóa học kỹ năng, mà khởi nguồn từ chính gia đình...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Câu chuyện đổi mới hình thức xử phạt học sinh vi phạm nội quy của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) mới đây nhận được nhiều nút “like” của đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh, học sinh.

Theo đó, học sinh trường này khi vi phạm nội quy sẽ được yêu cầu lên thư viện, tự chọn một quyển sách trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn” để đọc và viết cảm nhận về nội dung của sách. Một công mà hai chuyện, hình thức xử phạt này không chỉ “đánh” sâu hơn vào nhận thức của học sinh nhưng không tạo tâm lý nặng nề, căng thẳng, mà còn rèn luyện cho các em thói quen đọc sách, tiếp nhận các bài học về đạo đức một cách nhẹ nhàng.

Xã hội bây giờ đã khác, học sinh thời nay cũng khác, nếu không vận hành kỷ luật tích cực sẽ không ra được trường học hạnh phúc. Vì thế nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng hình thức kỷ luật tích cực trong nhà trường, thể hiện rõ qua Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT.

Đặc biệt, trong dự thảo văn bản thay thế Thông tư số 08/1988/TT-BGD&ĐT về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông, Bộ cũng lưu ý một số hình thức kỷ luật tích cực như: Yêu cầu học sinh mắc sai phạm chép lại nội quy trường lớp, tham gia giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, sưu tầm câu chuyện, sách, phim ảnh liên quan tới sai sót của mình và sau đó viết cảm nhận.

Từ định hướng của Bộ GD&ĐT, thời gian qua nhiều trường học trên cả nước trong quá trình xây dựng “Trường học thân thiện”, “Trường học hạnh phúc” đã áp dụng những hình thức kỷ luật tích cực để hình thành môi trường giáo dục yêu thương, an toàn và thân thiện; giúp học sinh tiến bộ thông qua nhận biết và sửa chữa khuyết điểm. Những mô hình kỷ luật/xử phạt học sinh mang tính tích cực tương tự Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng được nhiều trường học áp dụng và mang lại hiệu quả tốt trong giáo dục.

Tuy vậy, trên bình diện chung, cho đến nay việc triển khai kỷ luật tích cực trong nhà trường vẫn chưa đều tay. Kỷ luật như thế nào để mang tính tích cực, thúc đẩy sự tiến bộ của học trò thì không phải giáo viên nào, trường học nào cũng biết, cũng làm tốt.

Ở không ít trường, lớp học vẫn còn tồn tại những hình thức kỷ luật tạo áp lực nặng nề, thậm chí mang yếu tố bạo lực đối với học sinh. UNICEF Việt Nam đã thực hiện khảo sát nhanh U-Report về chủ đề trừng phạt thân thể ở trường học bởi giáo viên và những người lớn khác ở trường.

Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy trong số 417 người trả lời, 34% cho biết đã từng là nạn nhân bị xâm hại bằng lời nói nhiều hơn một lần và 59% đã chứng kiến những cảnh tượng này trong trường học trong vòng 12 tháng qua. Khi được hỏi về trừng phạt thể chất, 18% số người trả lời khảo sát cho biết họ đã từng trải qua hình thức kỷ luật này nhiều hơn một lần và 37% số học sinh cho biết đã từng chứng kiến việc này.

Có nhiều nguyên nhân khiến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong áp dụng đồng bộ các biện pháp kỷ luật tích cực, trong đó nhận thức, khả năng nắm bắt tâm lý học sinh, cùng kỹ năng xử lý tình huống của thầy cô chưa tốt là vấn đề mấu chốt. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng phụ huynh không thống nhất và phối hợp với giáo viên và nhà trường trong giáo dục trẻ, nên có cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.

Thực tế này đòi hỏi ngành Giáo dục các địa phương, nhà trường tăng cường tổ chức khóa tập huấn về tâm lý lứa tuổi và kỹ năng quản lý lớp học để cập nhật kiến thức và hỗ trợ kỹ năng cho thầy cô. Song song đó, rất cần sự đồng hành và nhất quán trong tư duy giáo dục, kỷ luật của phụ huynh. Bởi giáo dục ưu việt và kỷ luật tích cực không bắt đầu từ trường lớp hay các khóa học kỹ năng, mà khởi nguồn từ chính gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lớp học ở điểm trường Ông Yên lần đầu sáng ánh đèn. Ảnh: NTCC

Thắp sáng điểm trường '3 không'

GD&TĐ - Với giàn điện năng lượng mặt trời được hỗ trợ, điểm trường Ông Yên nằm dưới tán rừng già Ngọc Linh đã sáng ánh đèn...