Tạo cơ hội chia sẻ thông tin về bạo lực học đường
Xét về góc độ tâm lý lứa tuổi, theo ông, làm thế nào để nhà trường, giáo viên (GV), cha mẹ HS sớm phát hiện những biểu hiện con trẻ là đối tượng bị bắt nạt?
- Bản thân đứa trẻ bị bắt nạt không dễ tự vượt qua khó khăn về tinh thần, nếu không có sự hỗ trợ của người lớn. Trẻ bị bắt nạt thường bị đe dọa về mặt tinh thần. Chẳng hạn, bị đe dọa “không được tiết lộ sự việc đó ra bên ngoài”, trẻ sợ tiết lộ ra sẽ bị bắt nạt nhiều hơn, đau đớn hơn.
Quan trọng là cha mẹ HS, GV và lãnh đạo nhà trường phải được tập huấn thường xuyên về kiến thức liên quan đến bạo lực học đường; được các chuyên gia cung cấp cho những dấu hiệu nhận biết một đứa trẻ khi có sự thay đổi về mặt cảm xúc, hay có sự thay đổi về mặt hành vi… Những biểu hiện nào cho thấy trẻ bị bắt nạt, hoặc đang bị rối loạn về mặt sức khỏe tinh thần. Chẳng hạn, trẻ có biểu hiện thu mình lại. Khi đến lớp, đến trường không vui, không có bạn bè, trẻ chọn đường xa để đi học.
Hay trẻ thay đổi thất thường về cảm xúc, về nhà lặng lẽ, thu mình lại một góc, ít trò chuyện với người thân; hoặc quần áo, sách vở, đồ dùng học tập của trẻ bị hỏng, mất, gãy, vỡ, bẩn bất thường, trẻ không giải thích được. Thậm chí, có thể là biểu hiện xước xát trên thân thể (tay, chân…) của trẻ…; Những người lớn phải nhận diện ra các dấu hiệu đó.
Phải chăng, trong trường học, gia đình đang hiện diện những “lỗ hổng” về giáo dục tâm lý học đường, cũng như khoảng trống trong bảo vệ HS tránh tình trạng bị bắt nạt kiểu “hội đồng”?
“Người lớn xung quanh trẻ em có trách nhiệm cung cấp cho trẻ một cơ chế, môi trường, ít nhất là làm sao cho trẻ dám nói ra hoàn cảnh, tình huống bị bắt nạt. Nghĩa là phụ huynh, giáo viên phải được hướng dẫn những kỹ năng để nhận diện ra các dấu hiệu. Người lớn cũng phải học cách hỏi chuyện HS, để trẻ có cơ hội bày tỏ sự việc, hiện tượng bị bắt nạt”.
- Đúng là tâm lý học đường còn bỏ ngỏ ở cả môi trường gia đình và nhà trường. Cần phải xem xét ở góc độ các HS có hành động sai trái như vậy vẫn trong lứa tuổi vị thành niên, lỗi của các em rõ rồi, nhưng một phần lỗi trong đó cũng bao gồm lỗi GD từ gia đình. Gia đình chưa làm tốt vai trò định hướng GD cho trẻ về giá trị con người. Một phần lỗi nữa là ở nhà trường và của cộng đồng (xã hội). Nếu như trong cộng đồng, trẻ nhìn thấy giá trị đồng tiền được đặt lên trên hết, hay cứ có quyền lực là có thể bắt nạt, làm tổn thương người khác, trẻ sẽ không nhận thức được hành động đánh bạn là sai trái. Trong câu chuyện này, hành vi sai của những HS đánh bạn hội đồng bao gồm cả lỗi của cả hệ thống những ảnh hưởng xung quanh các em.
Trong khi đó, nhiều nhà trường vẫn quan tâm quá nhiều đến dạy kiến thức, mà bỏ qua giáo dục giá trị nhân cách cho HS. Để thay đổi tình trạng HS bị bắt nạt, nhà trường phải xây dựng một quy trình rất rõ ràng. Những hành động bắt nạt cần được cảnh báo rộng rãi với HS trong toàn trường.
Chẳng hạn, nhà trường chia sẻ công khai với HS: “Nếu bạn nhìn thấy, hay bạn phải chịu đựng tình trạng bắt nạt trong và ngoài trường học thì trách nhiệm của bạn là chia sẻ thông tin đó cho những ai”. Cũng cần phải phân tích để trẻ hiểu rằng: “Kể cả bạn bị bắt nạt, bạn nhìn thấy ai đó bị bắt nạt, việc chia sẻ thông tin với những người có trách nhiệm là cần thiết và bạn hoàn toàn không có lỗi”. Tóm lại, nhà trường, GV phải khiến HS tin tưởng thì trẻ mới nói ra, hoặc cung cấp thông tin về tình trạng bắt nạt ở trường học.
|
Có nên hình sự hóa hành vi đánh bạn hội đồng?
Có ý kiến cho rằng phải đuổi học ngay, thậm chí “hình sự hóa” với hành vi HS đánh bạn “dã man” (theo kiểu “hội đồng” như vụ việc vừa qua ở Hưng Yên). Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, cho rằng HS ở lứa tuổi vị thành niên, nếu xử lý mạnh tay liệu có tác dụng giáo dục thật sự, hay lại khiến các em sớm trở thành “bất hảo”, gây nguy cơ cho xã hội nhiều hơn? Còn nếu không có biện pháp đủ sức răn đe, bạo lực tương tự vẫn sẽ xảy ra?
- Quan trọng nhất là mục tiêu của hình phạt. Phải làm sao giúp HS nhận ra hành vi sai lầm và không tái phạm. Cách thức xử lý các hành vi nghiêm trọng cũng phải hướng đến việc làm cho HS nhận thức được và thay đổi, để trở thành công dân tốt. Hình phạt phải cân nhắc, nhưng cũng phải nghiêm. Hình phạt theo kiểu hình sự hóa, bỏ tù HS như một số ý kiến nêu vừa qua cũng không được.
Quan điểm của tôi là không thể bắt trẻ vị thành niên chịu hình phạt như người lớn. Hình phạt cần phải cân nhắc rất kỹ, vừa phải phù hợp với lứa tuổi, vừa phải mang lại kết quả về mặt giáo dục nhân cách. Trong vụ việc các HS ở Hưng Yên đánh hội đồng bạn cùng lớp, cách thức xử lý nên xem xét ban đầu là phải đình chỉ học tập một thời gian. Đình chỉ học tập bởi các em này là những đối tượng có “nguy cơ cao”, bắt nạt bạn nghiêm trọng, nếu không đình chỉ học tập thì các em này có thể gây hành vi nguy hiểm tương tự với các bạn HS khác.
Đình chỉ học tập là biện pháp “cách ly” những HS có hành vi nghiêm trọng và có nguy cơ cao khỏi các HS khác. Nhưng “cách ly” như vậy không có nghĩa là “thả” các em ra ngoài đường, hay bỏ mặc các em lêu lổng. Phải bắt buộc các HS này tham gia một số hoạt động, chương trình xã hội trong thời gian bị đình chỉ học tập.
Chẳng hạn, bắt buộc các HS này phải tham gia học về kiến thức tại sao bạo lực học đường bị cấm, nếu vi phạm nghiêm trọng hơn có thể đối diện với tội hình sự, bị tù giam… Những HS này cũng phải được học những kỹ năng kiểm soát cảm xúc, hay kỹ năng yêu thương và phải ký cam kết không được tái phạm hành vi. Trong thời gian bị đình chỉ học tập, những HS này phải thường xuyên báo cáo hoạt động và sự thay đổi suy nghĩ, hành vi với nhà trường, gia đình
Thêm nữa, các HS có hành vi như vậy cần phải bắt lao động công ích. Nhằm rèn luyện về tinh thần, GD tâm lý tình cảm, vừa giúp các em nhận ra sai lầm. Chẳng hạn, trong thời gian “không được đi học” phải tham gia chăm sóc động vật, chăm sóc cây xanh, hoặc làm tình nguyện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc trẻ khuyết tật… Chủ yếu các hoạt động đều phải hướng tới GD trẻ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, sự chia sẻ và yêu thương. Nếu có những biện pháp GD và thức tỉnh hiệu quả, tự chính HS phạm sai lầm sẽ dần hiểu ra và suy nghĩ về hành động ứng xử của mình, từ đó có thể tự thay đổi.
- Xin cảm ơn ông!