Theo đó, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Người dạy cũng sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu kỷ luật học sinh, sinh viên không đúng quy định hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể học sinh. Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Giáo viên “cầm chừng” để an toàn
Nhiều giáo viên và cả cán bộ quản lý các trường học cho rằng, nghị định này sẽ giúp điều chỉnh hành vi của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh để có những cư xử chuẩn mực. Tuy nhiên, với trường hợp chưa chăm, chưa ngoan, nhiều giáo viên sẽ dè chừng khi áp dụng các biện pháp giáo dục.
“Giáo viên không nêu tên thì tập thể lớp vẫn biết cụ thể những học sinh vi phạm nội quy, bị ghi tên trong sổ đầu bài. Nhưng nếu tôi không nhắc nhở, răn đe đối với những học sinh vi phạm nhiều lần thì em khác sẽ thấy rằng, việc vi phạm sẽ không bị một hình thức khiển trách nào, cho dù là nhắc nhở trước lớp. Trong nhóm của học sinh, có một số em đã phát biểu rằng, cô chỉ nói thế thôi chứ không làm gì đâu” – cô Diễm kể.
Cô Ông Thị Diễm – giáo viên chủ nhiệm lớp 6/4, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Trường hợp giáo viên đánh đập học sinh ở cấp học THCS, THPT rất hiếm. Nhưng đôi lúc, đôi nơi, cá biệt, vẫn xảy ra tình trạng giáo viên dùng đòn roi hoặc mắng học sinh với những lời lẽ nặng nề. Thế nhưng, với trường hợp vi phạm kỷ luật giờ học, không chuẩn bị bài, không làm bài tập nhóm… giáo viên chủ nhiệm đều phải nhắc nhở trong giờ sinh hoạt lớp.
Chưa cần đến những điều khoản xử phạt theo quy định của các Nghị định trên, trong thời buổi mạng xã hội có sức ảnh hưởng đến chóng mặt, nhiều giáo viên chia sẻ rằng, trong dạy dỗ, uốn nắn học sinh, họ cũng chỉ chừng mực thôi chứ không dám “mạnh tay”. Cho dù xuất phát từ mong muốn tốt đẹp cho học sinh thì việc giáo viên áp dụng các hình phạt cũng là một vấn đề nhạy cảm. Và người thua thiệt trong câu chuyện này – nếu như có sự phản ứng từ phía phụ huynh – thường là giáo viên.
Theo cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến, các Nghị định này sẽ là căn cứ pháp lý giúp bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nhà giáo trong trường hợp nếu họ muốn theo đuổi đến cùng để bảo vệ lẽ phải, sự công bằng và tôn nghiêm của môi trường giáo dục.
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý giáo dục, cô Kim Vân cho rằng, thường thì những trao đổi của phụ huynh và giáo viên, đều xuất phát từ những tình huống liên quan đến học sinh và chủ yếu qua tin nhắn, điện thoại. Giáo viên sẽ báo cáo với ban giám hiệu nhà trường nếu sự việc trở nên căng thẳng. Ban giám hiệu sẽ trao đổi với phụ huynh.
Trong trường hợp, nếu phụ huynh “đặc biệt” quá thì giáo viên sẽ chấp nhận “dìm” cái tôi của mình xuống vì vẫn còn đồng hành với phụ huynh trong giáo dục học sinh. Để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho quá trình dạy học, hầu hết giáo viên đều chọn cách “bỏ qua” như thế.
Minh chứng cho nhận xét này của cô Vân, cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) kể rằng, trường vừa mới có trường hợp phụ huynh xúc phạm giáo viên. “Sau khi mời phụ huynh đến trường làm việc, có cả sự tham gia của giáo viên, phụ huynh nhận thấy mình có nóng vội. Thế nhưng, khi giáo viên muốn được xin lỗi thì phụ huynh kiên quyết không thực hiện. Giáo viên dù cảm thấy bị tổn thương nhưng nhà trường không có chế tài gì với phụ huynh cả. Chúng tôi động viên đồng nghiệp vượt qua cú sốc tâm lý này. Bản thân giáo viên cũng chia sẻ rằng phải quên câu chuyện này để giữ lại tình cảm với em HS, vì phụ huynh có lỗi chứ không phải trò”.
Ảnh minh họa Internet. |
Giáo dục bằng cảm hóa
Cô Nguyễn Thị Minh nhận xét rằng, trong xử phạt hành chính, có nhiều điều còn bỏ ngỏ. Chẳng hạn như trường hợp mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh mà người dạy bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí là thân thể thì ai là người đóng phạt khi các em vẫn còn đang đi học, chưa làm ra tiền?
Theo cô Minh, lâu nay, trong trường học, chỉ có hình thức kỷ luật học sinh bằng các mức hạ hạnh kiểm, xếp loại đạo đức chứ chưa hề có quy định nộp phạt bằng tiền. Và hình thức xử phạt hành chính, ở một góc độ nào đó, đã làm giảm nhẹ quan điểm giáo dục bằng cảm hóa ở môi trường học đường. Chưa kể là khi danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm thì thầy, cô giáo đó phải được xin lỗi, được bồi thường. Chưa kể, tiền phạt đó nộp về ngân sách Nhà nước hay vào tài khoản của nhà trường ở kho bạc? – cô Minh phân vân.
Cô Phương Hoa, giáo viên trường THCS trên địa bàn quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) mấy năm trước được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 8. Cô đã suy nghĩ rất nhiều làm thế nào để có thể cảm hóa một học sinh nam “cá biệt” của lớp. “Mỗi lần đến lớp, N. (tên em học sinh) không chịu ngồi yên, sẵn sàng trêu ghẹo bạn. Đến giờ toán em nằm dài ra bàn hoặc nói chuyện, vẽ bậy trong vở. Tôi càng nhắc, em càng có phản ứng tiêu cực. Có lần trên đường từ trường về, em đã tìm cách chèn đường để cho cô giáo ngã xe”, cô Hoa nhớ lại.
Một lần có lãnh đạo phòng Giáo dục về kiểm tra, N. ăn mặc rất lôi thôi. Cô Hoa hỏi ra mới biết N. chỉ có một cái áo trắng mặc đi học, được giặt vào ngày cuối tuần. Mẹ N. làm thuê ở cảng cá nên chẳng có thời gian quan tâm đến con. Cô mua vải áo trắng, quần xanh, gặp riêng để tặng cho em. Cũng phải nói rất khéo thì em mới chịu nhận. Cô Hoa dặn N.: “Lúc nào con thích may thì con đến chỗ A, rồi cô gửi tiền may cho. Con nhận đi và đừng suy nghĩ gì hết nghe”. Mấy hôm sau thấy N. mặc bộ đồ mới đến lớp, không nói gì mà chỉ nhìn cô cười cười. Cũng từ đó, N. hết nói chuyện, trêu ghẹo bạn, tập trung học hành.
Một cô giáo ở Đà Nẵng đã kể lại “sự cố nghề nghiệp” của đồng nghiệp mình do không quản lý được cảm xúc. Một học sinh do không khâm phục với cách chấm điểm của cô giáo đã có lời lẽ khó nghe ngay giữa lớp học. Cô giáo này, trong cơn tức giận đã mắng học sinh rằng em quá vô lễ, nếu không muốn nói là “mất dạy”. Học trò này đã kể câu chuyện lên mạng xã hội. Cô giáo sau đó nhận rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng khi dùng từ “mất dạy” trong môi trường học đường. Thế nên, nói như cô Ông Thị Diễm, ngoài làm giáo viên tâm huyết với học sinh, còn cần phải có phương pháp và tâm lý sư phạm đủ vững vàng để xử lý những tình huống đặc biệt mà không bị “việt vị”.
Đã có hiệu trưởng ví von rằng một số quy định về xử phạt hành chính trong trường hợp giáo viên hoặc học sinh bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm khiến cho giáo viên như đi thăng bằng trên dây. Và người thầy chỉ có thể thăng bằng khi có sự phối hợp hài hòa giữa nhà trường, gia đình và học sinh, trên tinh thần giáo dục bằng tình yêu thương, lấy sự tiến bộ của trò để đo lường.