Đối thoại công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội

GD&TĐ - Đây là tên chương trình do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức vào sáng nay (29/3) - tại Hà Nội.

Rất nhiều bạn trẻ - công dân 18 tuổi - đặt câu hỏi tại buổi đối thoại
Rất nhiều bạn trẻ - công dân 18 tuổi - đặt câu hỏi tại buổi đối thoại

Chương trình có sự tham gia của các đồng chí: GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia; Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và TSKH Ngữ văn Đoàn Hương.

Bạn và tôi có thể làm gì cho Quốc hội?

Trước những vấn đề bạn trẻ quan tâm như: Bạn và tôi có thể làm gì cho Quốc hội? Bạn và tôi gửi ý kiến, nguyện vọng đến Quốc hội như thế nào? Bạn và tôi mong muốn điều gì đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XIV? v.v..., GS Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: Các bạn có vai trò quan trọng đối với Quốc hội, thể hiện qua những việc như: bầu ra các đại biểu Quốc hội thực sự có đức, có tài; tìm hiểu và tuyên truyền thực hiện các luật, nghị quyết và các quyết sách của Quốc hội,...

"Các bạn có thể góp sức của mình vào việc hình thành nên Quốc hội thông qua việc bầu cử. Bầu đúng, bầu đủ và bầu người xứng đáng nhất đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của mình. Đó cũng là cách thể hiện tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước, mà trên hết là tình yêu với Tổ quốc" - GS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Trao đổi với các bạn trẻ, tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định: Bầu cử chính là quyền lợi và trách nhiệm của các bạn. Vì vậy, các bạn nên trực tiếp cầm lá phiếu cử tri để bầu ra những người ưu tú nhất dại diện cho mình.

Trước băn khoăn của bạn trẻ rằng, có thể nhờ người nhà đi bỏ phiếu hộ hay không? TS Dũng nhắn nhủ: Các bạn phải thể hiện mình là người có trách nhiệm với quê hương thông qua việc bầu cử và bầu những người đủ đức, đủ tài để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bạn.

"Giả sử các bạn nhờ người nhà đi bỏ phiếu hộ, vô tình có ai đó phát hiện và xảy ra đơn thư, khiếu kiện thì các bạn sẽ không thể hình dung hết những hệ lụy của việc làm này.

Chẳng hạn như phải tổ chức bỏ phiếu lại. Chỉ riêng việc này cũng làm tổn thất về kinh tế cho Nhà nước là rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ một hành nhỏ, sự thiếu trách nhiệm của các bạn cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Vì vậy các bạn cần cân nhắc thật kỹ, đừng để mất quyền lợi của mình và đừng để mình làm ảnh hưởng đến mọi người" - TS Dũng dẫn giải.

Vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm

GS Nguyễn Thiện Nhân (đứng) trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ xung quanh chủ đề: Bạn và tôi có thể làm gì cho Quốc hội?
GS Nguyễn Thiện Nhân (đứng) trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ xung quanh chủ đề: Bạn và tôi có thể làm gì cho Quốc hội? 

Còn theo TSKH Đoàn Hương, được bầu cử vừa là vinh dự và cũng là trách nhiệm của mỗi cử tri. Đặc biệt, với những cử tri tuổi 18 lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, bởi đó sẽ là lần đầu tiên các bạn thể hiện trách nhiệm của mình với Tổ quốc thông qua bầu cử.

"Hơi buồn một chút là hiện nay nhiều bộ phận thanh niên ít quan tâm đến chính trị, kinh tế, xã hội của nước nhà. Đồng ý là ở lứa tuổi 18 các bạn đang yêu và có những mộng mơ tươi đẹp. Nhưng các bạn phải nhớ rằng, chính trị là mái nhà chung của chúng ta. Vì vậy, các bạn phải có trách nhiệm bảo vệ và giữ vững nền chính trị ổn định của nước nhà.

Để làm được điều này, các bạn cần thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đi bầu cử của mình, và lựa chọn ra những người đủ đức, đủ tài để xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của nước nhà ổn định và phát triển" - TS Đoàn Hương nhấn mạnh.

Bắt đầu từ năm 2016, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam chính thức triển khai Chương trình đối thoại pháp luật, chính sách thanh niên, áp dụng cho các đối tượng thanh niên trên phạm vi cả nước. Chương trình đối thoại với chủ đề "Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội" là chương trình số 01.

Mục đích của Chương trình là:

- Tuyên truyền sâu rộng để thanh niên, đặc biệt là thanh niên là cử tri lần đầu đi bầu cử thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; ủng hộ nhiệt tình và tích cực tham gia cuộc bầu cử; làm cho ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân.

- Thông qua chương trình, giúp cử tri lần đầu tham gia bầu cử nắm vững và thực hiện đúng những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, lựa chọn và bầu được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân - cử tri 18 tuổi; những mong muốn và kỳ vọng của công dân tuổi 18 với Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Sau hơn 01 tháng triển khai, đến nay, Văn phòng Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã nhận được hàng trăm ý kiến, câu hỏi, phản ánh của cử tri trẻ lần đầu tiên tham gia bầu cử. Các ý kiến tập trung chủ yếu vào 03 nhóm vấn đề: Tìm hiểu về Quốc hội và đại biểu Quốc hội; mong muốn, kỳ vọng của cử tri trẻ đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XIV; đề xuất của cử tri trẻ về phát huy vai trò của người trẻ trong tham gia xây dựng Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.