Sự òa vỡ này có lẽ nằm ngoài tiên lượng của các nhà quản lý, cả ở các địa phương lẫn Trung ương. Vì ai cũng nghĩ, nếu những ai có ý định tháo chạy thì cũng đã đi từ những đợt trước đó rồi. Hóa ra không phải vậy.
Hàng vạn người gồng mình lên chịu đựng trước cơn bão Covid-19 suốt mấy tháng qua cũng chỉ nuôi một hy vọng: Dịch sẽ sớm được kiểm soát, Nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính để họ có thể cầm cự qua ngày chờ cuộc sống trở lại bình thường mới.
Số lao động tự do thì nghĩ vậy, số lao động trong các nhà máy, xí nghiệp thì tin tưởng các ông chủ sẽ dang tay ra cứu vớt người lao động để họ tiếp tục gắn bó với mình.
Những hy vọng mỏng manh ấy đã tan thành mây khói. Hoặc là tiền cứu trợ không bõ bèn gì nên không thể tiếp tục ở lại, hoặc là các ông chủ cũng đã sức cùng lực kiệt sau nhiều tháng nhà máy không hoạt động nên họ cũng buông tay.
Trong hoàn cảnh bức bí đó, chỉ cần một tín hiệu không siết chặt nữa là coi như nước tràn bờ. Hàng nghìn người, một lần nữa, rút khỏi nơi đã từng cưu mang họ mà không mảy may ngoái đầu nhìn lại. Nhìn hành trang trở lại quê nhà như các loại xoong nồi, máy quạt cũ, thậm chí cả những móc treo quần áo... đủ để thấy tất cả sự “quyết tâm” dứt áo ra đi mà không mong ngày trở lại.
Ngay trước mặt họ bây giờ là mùa gió bão ở miền Trung, những trận mưa không ngừng nghỉ đang trút xuống dải đất dẹp này nhưng hàng nghìn phận người vẫn gồng mình băng qua bằng đủ các loại phương tiện không thể cũ hơn. Có người đã phải bỏ mạng trên đường vì tai nạn giao thông, có những em bé phải chào đời trong mưa gió ngay trên đường cùng bố mẹ trở lại quê nhà.
Dịch Covid-19 và đợt tháo chạy lần này, một lần nữa làm lộ sáng nhiều lúng túng trong điều hành. Nhiều địa phương bị chiếc vòng kim cô “trách nhiệm” treo lơ lửng trên đầu nên ai cũng cố “siết chặt” theo cách của mình.
Thậm chí có nơi còn đe dân là về quê không được phép, không lý do sẽ bị xử phạt. Bây giờ mà đòi hỏi người dân nêu lý do về quê thì quả là đánh đố họ. Lý do duy nhất của họ là sợ đói và dịch bệnh, thế thôi.
Tuy nhiên, trong mưa gió bão bùng kia, lại sáng lên một niềm ai ủi. Dọc đường về quê hàng ngàn cây số ấy, đâu đâu người dân cũng bắt gặp đội quân thiện nguyện, cùng đội mưa gió với đồng bào mình để sẻ chia từng ổ bánh mì, từng chiếc áo mưa, chai xăng….
Thậm chí, có nơi như Quảng Ngãi, chính quyền đã tổ chức chu đáo để đưa dân đến chỗ ngủ nghỉ khô ráo và an toàn chờ mưa ngớt, đã đỡ đẻ cho sản phụ dọc đường. Chính quyền Đà Nẵng thì đề nghị cho thông hầm Hải Vân để dân chui hầm chứ không leo đèo nữa, tỉnh Phú Yên thì trưng dụng tất cả những nơi có thể làm chỗ ngủ nghỉ cho dân “chạy dịch” trước khi họ rời đất Tuy Hòa.
Có người nêu giải pháp: Sao không tài trợ vài chục chuyến tàu hỏa. Chừng ấy chuyến tàu để giúp dân trong hoạn nạn thì khó khăn gì?
Dân vẫn còn tiếp tục về quê nên giải pháp ấy là chưa quá muộn.