Đổi mới dạy học tiếng Anh, thiết kế giờ học “xuyên biên giới” ở trường miền núi

GD&TĐ - Trình bày tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành GD lần thứ VII, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên trường THPT Hương Cần, Phú Thọ tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020 chia sẻ phương pháp đổi mới dạy học tiếng Anh, thiết kế các giờ học xuyên biên giới.

Cô Hà Ánh Phượng đọc tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII.
Cô Hà Ánh Phượng đọc tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII.

Giáo dục là không giới hạn

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Trường Đại học Hà Nội, cô Phượng chọn Trường THPT Hương Cần - một ngôi trường miền núi của tỉnh Phú Thọ để thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng.

Ngôi trường này có hơn 85% học sinh là con em các dân tộc thiểu số. Những em học sinh nơi đây còn nhiều thiệt thòi, chưa có nhiều cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở thành phố. Điều khiến cô trăn trở nhất là làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố”.

Cô Phượng luôn tâm niệm “giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ” vì thế trong 5 năm qua cô đã cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học, những giải pháp để thu hẹp khoảng cách mà học sinh mình đang có so với đà phát triển của thế giới.

“Ngày đầu tiên đến lớp tôi hết sức ngỡ ngàng bởi các em nơi đây ngoan ngoãn, lễ phép, nhưng còn rất rụt rè, ngại tiếp xúc và tôi chợt nhận thấy trong ánh mắt của các em là niềm khao khát được khám phá kho tri thức khổng lồ đang còn ẩn chứa ở đâu đây. Tôi đã gặp gỡ các em, trao đổi nắm bắt thông tin của từng em và định ra cho mình một cách dạy phù hợp nhất để rồi nhìn lại 5 năm qua chúng tôi đã cùng nhau trải qua một quá trình vô cùng đáng nhớ…” – cô Phượng chia sẻ.

Lớp học gắn kết học trò miền núi với thế giới

Cô Hà Ánh Phượng cùng học sinh của mình.
Cô Hà Ánh Phượng cùng học sinh của mình.

Mô hình “lớp học xuyên biên giới” nhằm kết nối lớp học của cô Phượng ra đời và lớp học của các nước trên thế giới qua các giờ học tiếng Anh. Ở đó các em không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa mà còn là niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu để rồi cô trò đã du lịch không Visa trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới.

Đây là mô hình các trường học trên toàn cầu được kết nối với nhau qua nhiều bộ môn học như Toán, Lí, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Lịch sử… qua hội nhóm giáo viên trong nước và toàn cầu, thường là từ nguồn giáo viên tham gia diễn đàn giáo viên sáng tạo toàn cầu của Microsoft.

Mô hình lớp học xuyên biên giới ở đây khác với những lớp học trực tuyến thông thường ở các đơn vị giáo dục như Trung tâm tiếng Anh, các lớp học tư nhân ở chỗ đây là mô hình miễn phí và việc kết nối là xuyên quốc gia giữa các đơn vị giáo dục trên phạm vi toàn cầu và thường tại lớp.

Sau thời gian áp dụng, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kỹ năng nghe, nói có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các em có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức.

Điều khiến cô Phượng thật sự bất ngờ là bên cạnh những ứng dụng do cô hướng dẫn, các em học sinh còn mạnh dạn đề xuất các ứng dụng nhiều tính năng hơn. Khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phê phán… là những điều mà cô nhìn thấy rõ ở các em.

Không chỉ dừng lại ở mô hình lớp học xuyên biên giới mà trong 5 năm qua, cô và trò nhà trường đã cùng đồng hành trên nhiều dự án, nhiều câu chuyện bên ngoài lớp học…

“Điều khiến tôi thật sự ngưỡng mộ họ là tinh thần học tập và làm việc hăng say, bất chấp khoảng cảnh về tuổi tác, không gian. Năm năm qua, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, tôi hiểu rằng việc mình chia sẻ những kiến thức chuyên môn, những bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin tới những người đồng nghiệp chính là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn và có thể giúp đỡ được nhiều em học sinh tốt hơn.”

Theo cô Phượng: “Giáo viên cần hiểu được rõ bản chất của dạy học phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh từ đó thay đổi các phương pháp dạy học tích cực và thay đổi vai trò truyền thống của người thầy. Từ “người dạy” trở thành người “hướng dẫn” học sinh cách học.

Phương pháp đó bao gồm cách phân tích, đánh giá vấn đề; tìm nguồn thông tin, chọn lọc và xử lý dữ liệu; biến dữ liệu thành kiến thức của mình. Sự thay đổi này là tất yếu và có lợi cho cả thầy và trò. Bởi học sinh sẽ tự chủ động việc học cá nhân còn thầy sẽ có thời gian dành cho nhiều dự định khác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.