Đôi bạn gái 3 năm vượt đá tai mèo tới trường, mơ đỗ Trường Luật

GD&TĐ - Tại Trường THPT Nà Giàng (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), có một đôi bạn dân tộc Mông suốt 3 năm cùng nhau vượt hơn 20km đến trường, cùng nhau đi thi, cùng ước mơ thi đỗ vào trường Đại học Luật.

Đôi bạn gái 3 năm vượt đá tai mèo tới trường, mơ đỗ Trường Luật

So với học sinh ở thành phố, Ban và Sao chỉ cao tương đương học sinh cấp 2. Hai em cùng ở xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Sùng Thị Sao cho biết, hàng ngày để đến trường em phải đi bộ quãng đường khoảng 20km toàn đá tai mèo sắc nhọn. Mùa mưa phải đi ủng, mang ô.

Bố mẹ Sao sinh được 7 anh chị em, bố mất khi em mới được 8 tháng. Mẹ Sao không biết tiếng phổ thông. Chính vì gia cảnh khó khăn nên chỉ có mình em được ăn học.

“Đôi lúc em cũng muốn bỏ học nhưng nhờ sự động viên của các thầy cô cùng sự nỗ lực nên em đã tiếp tục học đến bây giờ”, Sao chia sẻ.

Sao mong muốn được đỗ vào trường Đại học Luật Hà Nội để trở thành một luật sư giỏi. Sao cho biết, trong thời gian ôn thi, các thầy cô đã giúp đỡ em rất nhiều. Các thầy cô đã hướng dẫn ôn luyện từ đầu năm để có đủ lượng kiến thức, đủ tự tin bước vào phòng thi.

Hôm đầu bước vào phòng thi, em cũng hơi run nhưng sau đã cố gắng làm bài tốt. Em muốn được đỗ đại học rồi trở về xây dựng quê hương còn nghèo khổ của mình.

Còn với Lý Thị Ban, hoàn cảnh của em không khó khăn như Sao. Tuy nhà ở xa hơn nhà bạn Sao nhưng đường đến trường lại dễ đi hơn. Từ lâu, em đã chơi thân với Sao và cùng nhau đến trường. Nghị lực của Sao đã tiếp sức cho em rất nhiều để vươn lên học tập.

Nói về Sao, cô hiệu trưởng Nông Thị Băng cho biết: Hoàn cảnh của Sao đặc biệt nên các thầy cô trong trường cũng quan tâm hơn. Cô cùng các giáo viên từng mất cả buổi đi bộ vượt đường đá tai mèo để đến nhà Sao để động viên em đi học.

Việc học sinh dân tộc Mông cùng đăng kí xét tuyển đại học là chuyện hiếm ở vùng đất này vì tại Trường THPT Nà Giàng, có trên 50% học sinh thuộc hộ nghèo, phần lớn các em không tính chuyện thi vào ĐH.

Tại kì thi THPT quốc gia năm nay, Sở GD&ĐT Cao Bằng chỉ đạo các trường quan tâm đến tất cả các học sinh, không để học sinh nào không được đi thi. Các trường đều có phương án hỗ trợ học sinh đi thi. Sở có quỹ hỗ trợ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó cảnh khó khăn. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đảm bảo điều kiện cho các em dự thi.

Các ngày thi, những trường hợp đặc biệt như em Sùng Thị Sao hoặc các học sinh nhà ở xa khác sẽ được bố trí cho ở luôn nhà cô giáo.

Không chỉ cô giáo chủ nhiệm hay hiệu trưởng nếu nhà cô giáo khác nhà gần điểm thi thì đều có thể cho năm bảy em đến ở. Tại đây, các cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, động viên các em làm bài tốt, đạt kết quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.