Kết nối yêu thương

GD&TĐ - Không phải là những áp lực mà là những bàn tay tiếp sức ước mơ. Không phải là những căng thẳng mà là những giọt nước mắt chứa chan cảm xúc. Không phải là những âu lo mà là những lời cảm ơn luôn thường trực trên môi… Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã tiếp tục là nơi tiếp sức ước mơ và kết nối những cung bậc yêu thương như thế.

Thật đẹp trước hình ảnh sinh viên tình nguyện Học viện Ngân hàng đứng vỗ tay chào đón thí sinh hoàn thành bài thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức. Ảnh: Xuân Phú
Thật đẹp trước hình ảnh sinh viên tình nguyện Học viện Ngân hàng đứng vỗ tay chào đón thí sinh hoàn thành bài thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức. Ảnh: Xuân Phú

Tiếp sức ước mơ

“Cảm động quá, một câu chuyện đẹp, từng số phận con người đều được xã hội quan tâm”; “Tuyệt vời. Ngành Giáo dục dần thay đổi rất tích cực, để những bạn trẻ không may mắn, vẫn hoàn thành ước mơ của mình”; “Rất hoan nghênh ngành Giáo dục”… – Không phải ngẫu nhiên dư luận xã hội lại đặc biệt bày tỏ cảm xúc khi được đọc, được nghe những câu chuyện về những thí sinh đặc biệt tham gia Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua như thế.

Rõ ràng, nếu cô học trò Huỳnh Ngân Giang (học sinh lớp 12B4, Trường THPT Nguyễn Huệ) không được Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế quan tâm sát sao cũng như Bộ GD&ĐT luôn đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu thì em thật khó lòng có thể được tham dự kỳ thi.

Vốn bị mắc bệnh bồ đào, Ngân Giang không thể đọc chữ trong sách giáo khoa hay chữ in trên giấy A4. Hồi mới phát hiện bệnh (năm 14 tuổi), Giang từng vượt qua nỗi tuyệt vọng để tiếp tục đến trường, tiếp tục xây đắp ước mơ: Học khoa Du lịch Trường Đại học Huế để được khám phá thế giới rộng lớn.

Ước mơ của Giang, khát vọng của Giang đã được các thầy, các cô trong trường cũng như ngành Giáo dục thấu hiểu nên đã sẵn lòng chắp cánh cho em. Bởi vậy, lần đầu tiên trong Kỳ thi THPT quốc gia có một bộ đề thi đặc biệt: In trên khổ giấy A3 dành riêng cho Ngân Giang để em vẫn hoàn thành bài thi như bao bạn bè đồng lứa.

 Trong kỳ thi vừa rồi, một học sinh mới mổ ruột thừa của trường tôi đã được các tình nguyện viên hỗ trợ rất nhiệt tình để vào phòng thi. Là một người thầy và cũng là một người mẹ có con đi thi nên khi được nghe, được đọc những câu chuyện tiếp sức mùa thi ấy, tôi thấy vô cùng xúc động và an tâm. Cũng bởi lẽ, không gì tuyệt vời hơn khi toàn xã hội được chứng kiến một mùa thi có sự chuẩn bị chu đáo, diễn ra an toàn, nghiêm túc và luôn chan chứa những yêu thương….
 
Cô giáo Vũ Thị Bình

- giáo viên Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Còn với câu chuyện của Đặng Nguyễn Phú Thịnh tại điểm thi Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cũng rất hy hữu: Buổi thi môn Ngữ văn, Hội đồng thi Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã tổ chức một phòng thi đặc biệt đủ 3 giám thị dành cho một mình em. Chẳng là, trước ngày thi (12 ngày), Phú Thịnh bị ngã gãy và đứt gân tay phải. Dù có thể dùng tay trái cầm chì để khoanh đề thi trắc nghiệm nhưng cậu học trò không may mắn này không thể cầm bút để thực hiện bài tự luận của môn Ngữ văn. Theo đơn đề xuất của gia đình, Hội đồng thi đã đồng ý lập phòng thi đặc biệt và cho phép một người trợ giúp viết hộ bài thi cho Thịnh.

Câu chuyện của Thịnh vẫn tiếp tục với cái kết đẹp khi em được ngành Giáo dục tạo điều kiện hết sức có thể, giúp em vững vàng vượt qua khó khăn để không bỏ lỡ những cơ hội tương lai đang chờ phía trước.

Nhưng hơn hết thảy, từ những câu chuyện cụ thể của Thịnh và Giang hay của rất nhiều thí sinh đặc biệt khác đã mang đến biết bao niềm xúc động, niềm an tâm vì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành Giáo dục nước nhà luôn tiếp sức, nâng cánh ước mơ cho các em. Và, đây cũng là những minh chứng xác thực hơn bao giờ hết về mục tiêu mà ngành Giáo dục luôn hướng tới trong mỗi kỳ thi, như lời Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh từng nhấn mạnh tại buổi họp báo kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia 2019: “Luôn luôn đặt quyền lợi của thí sinh lên đầu và xử lý các sai phạm theo đúng quy chế”.

Cay cay nơi khóe mắt…

Vẫn còn đó những thí sinh, giám thị vi phạm quy chế thi. Vẫn còn đó trục trặc kỹ thuật ở một số điểm thi. Nhưng rõ ràng âm hưởng bao trùm cả kỳ thi năm nay là những câu chuyện đong đầy yêu thương khiến bao người luôn thấy cay cay nơi khóe mắt…

Câu chuyện ấy được thắp lên từ những áo xanh tình nguyện. Thật khó lòng để thống kê hết được những việc làm của các tình nguyện viên trên cả nước đã cùng dốc sức, dốc lòng vì một kỳ thi an toàn, thoải mái. Việc đơn giản thì không ít như phân làn giao thông, hướng dẫn chỉ đường, phát nước, cơm, quạt miễn phí, vẽ tranh chibi, vỗ tay cổ động… Việc đặc biệt cũng nhiều: Đẩy xe lăn, cõng sĩ tử bị bệnh vào phòng thi, cấp tốc “giải cứu” sĩ tử ở Đakrông trước giờ G vì mải tìm bò lạc… Và, dù có phải dậy từ sớm tinh mơ rồi “nhong nhong” đội nắng đội mưa ngoài đường, thậm chí có nhóm còn phải thuê điểm lưu trú như nhóm tình nguyện viên tại điểm Trường THPT Bình Khánh huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh thì hàng triệu bạn trẻ đến từ các trường đại học, cao đẳng hay cả các trường THPT vẫn luôn đón chào sĩ tử bằng nụ cười rất tươi, rất ngọt… Tại sao ư? Các tình nguyện viên đều chia sẻ rất lãng mạn rằng: Rất đơn giản vì niềm yêu thích, vì được san sẻ niềm vui, vì lợi ích cộng đồng được đặt lên trên cái tôi cá nhân, vì được tìm ra ngọn lửa yêu thương âm ỉ trong trái tim mỗi người để biến thành ngọn đuốc rực cháy…

Câu chuyện ấy tiếp tục được thắp lửa trong cộng đồng xã hội. Những chiến sĩ công an khẩn trương đưa cô học trò ở Hà Giang ngủ quên đến phòng thi ngay trước giờ G hay vội vã cõng sĩ tử ở Bạc Liêu bị bệnh xương khớp vào phòng thi… Những thầy cô giáo, giảng viên đại học ủng hộ quỹ khuyến học cho học sinh vùng sâu vùng xa, tặng học bổng, Atlat địa lý, bút chì… Những bác sĩ Bệnh viên Đa khoa Sài Gòn tháp tùng nữ sinh Anh Trúc mới được phẫu thuật một ngày đến đến tận phòng thi (điểm thi Trường THPT Marie Curie – TP Hồ Chí Minh). Những đội xe ôm miễn phí, những chuyến đò miễn phí, những phòng trọ miễn phí…

Khi mỗi kỳ thi là nơi tiếp sức và kết nối những cung bậc yêu thương thì rõ ràng sẽ không còn là gánh nặng mà luôn là những khúc ca của sẻ san, yêu thương… Vậy nên, thật cảm động khi có người đã từng thốt lên rằng: “Cảm ơn mùa thi. Vì mùa thi đã dạy cho tôi bài học về tình người. Bất kỳ ở đâu có điểm thi, có thí sinh lặn lội đường xa, từ quê lên phố đi thi là lại có những bàn tay sẵn lòng chìa ra tiếp sức. Đặc biệt là những người trẻ, những bạn sinh viên đã hòa vào mùa thi trong màu áo xanh tình nguyện, sẻ chia với những ước mơ của đàn em…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.