(GD&TĐ) - Nằm ở phía bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Bổ Đà là dãy núi lớn với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, có rất nhiều di tích, truyền tích về tín ngưỡng đạo Phật, trong đó nổi bật truyền thuyết về chùa Bổ Đà.
Huyền tích về ngôi chùa cổ
Mộc bản lưu giữ ở chùa |
Những cao niên trong làng kể rằng: thế kỷ thứ 11, dưới chân núi Bổ có một gia đình tiều phu tuy nghèo nhưng rất tốt bụng, chăm chỉ hiền lành, dân trong làng ai cũng quý mến. Hiềm một nỗi đã ngoài 40 tuổi mà họ vẫn chưa có con. Ngày tháng qua đi, họ chỉ còn biết cầu khấn “Quan Thế Âm Bồ Tát” và lời cầu của họ đã ứng nghiệm. Một hôm, người chồng vào rừng gặp một cây thông già trên núi, ông giơ rìu định chặt về nhưng khi bổ nhát đầu tiên bỗng dưng từ thân cây bật ra 32 đồng tiền. (Đó là 32 phép ứng hiện của “Quan Thế Âm Bồ Tát”). Người tiều phu sung sướng chạy về khoe với dân làng, ai cũng vui cho họ. Ít lâu sau vợ ông sinh được một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, ông đặt tên là Minh. Để tỏ lòng thành và tạ ơn “Quan Thế Âm Bồ Tát”, ông dựng chùa ngay gốc cây thông già. Đó chính là chùa “Quan Âm”, dân gian thường gọi là “chùa Bổ - núi Bổ Đà”. Sau gọi là “chùa Thượng” vì chùa ở cao trên sườn núi. Đến đời Lê Bảo Thái (1720-1729), nhà sư Phạm Kim Hưng, trụ trì chùa đã trùng tu lần thứ nhất. Đến đời vua Hiển Tông (1740-1786), sư tổ Ngô Tuệ Không khai phá sơn thạch dựng “chùa Tứ Ân và am Tam Đức (lúc này am mới có 3 tháp sư tổ). Đến đời vua Tự Đức (1847-1883) xây dựng thêm “tiền đường”. Đến đây toàn bộ quần thể chùa Bổ đã hoàn thành có tới 100 gian. Vườn tháp là một công trình kiến trúc muôn màu, muôn vẻ, gồm ngót một trăm tháp sư tổ. Từ 1786 trở đi, trải qua nhiều hòa thượng kế tiếp xây dựng chùa Bổ. Nay trụ trì chùa là Đại Đức Tự Tục Vinh
Chùa có gần trăm gian, còn nhiều di vật quý hiếm như cổng chùa, tường đất vây quanh, vườn tháp với 97 ngôi tháp (là vườn tháp lớn nhất Việt Nam). Các ngôi tháp tại chùa được xây dựng chủ yếu bằng đá và gạch chỉ, mạch được chít bằng vôi trộn mật mía và bột giấy bản nên rất bền và mịn. Nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó xây một bức tường rào bao quanh vườn tháp, khiến khu vườn luôn ở trong sự thanh tịch, một nơi yên nghỉ đúng nghĩa dành cho các bậc tiền nhân...
Bộ mộc bản độc đáo
Hiện nay tại chùa còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu quý hiếm về thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ tại Việt Nam qua gần 2000 bộ mộc bản. Bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa, muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa.
Vườn tháp chùa Bổ Đa |
Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250m² để rải các tấm ván kinh ra.
Bộ kinh Phật trên được khắc vào năm 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng. Hầu hết các ván kinh trong kho mộc bản tại chùa Bổ Đà đều dài 45cm, rộng 22cm và dày 2,5cm hoặc dài 60 cm rộng 25cm nhưng cũng có cả những ván kinh khổ rất lớn 150x30x2,5. Các ván kinh được khắc bằng cả chữ Hán chữ Nôm và chữ Phạn. Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Trên những tấm kinh, các nghệ nhân xưa còn trang trí thêm nhiều đường nét họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật. Nổi bật trong số đó là các hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán… Đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá và độc đáo cho thấy nhiều sự khác biệt so với bộ mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm.
Tuy ra đời cùng thời kỳ với kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhưng nội dung mộc bản chùa Bổ Đà lại hoàn toàn khác. Đại đức Tự Tục Vinh cho biết: “Nếu như bộ kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm thuộc trường phái Đại Thừa và một số bản mang tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm, Yên Tử thì bộ kinh khắc ở chùa Bổ Đà chủ yếu nói về Quán Thế Âm Bồ Tát và các giới. Trong đó nội dung chính của những bản khắc ở đây là ba bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quý”. Theo ông Nguyễn Văn Phong, phó Giám đốc bảo tàng Bắc Giang, những ván kinh khắc khổ lớn trong kho kinh chùa Bổ Đà còn in khắc các sớ điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong chùa hoặc để in áo cho các vị thiền sư.
Mặc dù mang trong mình nhiều dấu tích của lịch sử Phật giáo thời kỳ huy hoàng nhất tại miền Bắc, Việt Nam, nhưng cho đến nay hơn 2000 pho mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà hiện tại đang được bảo quản rất sơ sài, chủ yếu được xếp trên những kệ gỗ mà không có tủ chống ẩm. Đại đức cho biết bao năm nay nhà chùa vẫn để các mộc bản kinh Phật như vậy biết là không nên nhưng không có cách nào khác. Không chỉ có một nơi lưu giữ tuềnh toàng mà mộc bản còn đang đứng trước nguy cơ bị mất cắp. Do đó nhà chùa luôn đề cao cảnh giác, ai muốn vào thăm kho mộc bản phải có giấy giới thiệu hoặc có người bảo lãnh.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng cho biết thêm, tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch cụ thể cho việc nghiên cứu bảo tồn kho mộc bản tại chùa Bổ Đà, trong đó sẽ tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh số nghiên cứu và dịch thuật, mã hóa, đồng thời đề xuất các biện pháp bảo vệ thích hợp. Âu đó cũng là tín hiệu mừng cho kho mộc bản chùa Bổ Đà nói riêng và thế hệ mai sau nói chung.
Nguyễn An