(GD&TĐ)-Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ y tế năm 2012, sơ kết việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 của Bộ Y tế diễn ra ngày hôm nay (23/2).
Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến xúc động nhắc lại Thư của Bác gửi ngành y tế: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao danh hiệu Thầy thuốc nhân dân cho 72 cán bộ y tế có thành tích xuất sắc (ảnh Chí Cường) |
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2011, với tinh thần quyết tâm, đổi mới, xây dựng và không ngừng phát triển, ngành Y tế đã tích cực vượt qua khó khăn, thử thách để tiếp tục đạt và vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ giao. Năm 2011 là năm thứ ba liên tục ngành Y tế tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội giao: Chỉ tiêu số giường bệnh/1 vạn dân; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 17,3%; chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ sinh 0,2 phần nghìn; chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt trên 82%. Ngoài ra, 16 chỉ tiêu khác được Chính phủ giao, ngành Y tế cũng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tình trạng sức khỏe của người dân đã có những cải thiện. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đạt 73,2 tuổi. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2010 đạt hơn 60% số dân, từng bước phấn đấu đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2015. Mới đây, Chính phủ cũng đã phê duyệt đề xuất nâng mức hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo từ 50% lên 70%. Đặc biệt, năm 2011 cũng là năm Bộ Y tế tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng dịch vụ tuyến xã và triển khai BHYT tuyến xã; bắt đầu thực hiện quản lý một số bệnh mãn tính như hen, cao huyết áp... góp phần giảm tải cho tuyến trên. Ngoài ra, ngành Y tế đã đảm bảo đủ thuốc có chất lượng phục vụ nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, kể cả những lúc xảy ra thiên tai, dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá thuốc, không để biến động giá thuốc bất hợp lý.
Năm 2011, mặc dù đối mặt với nhiều dịch bệnh, nhưng ngành đã chủ động, tích cực triển khai công tác phòng chống dịch, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên. Tỷ lệ mắc và chết ở một số bệnh truyền nhiễm giảm so với năm 2010. Ngành Y tế đã khống chế được các dịch bệnh xảy ra trong năm như dịch tay chân miệng, viêm não mô cầu, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1, tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Ngành Y tế đã ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Một số lĩnh vực ngang tầm các nước tiên tiến trong như ghép tạng, phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch, tách dính, hỗ trợ sinh sản...
Với công tác DS- KHHGĐ, từ năm 2005, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, tiếp tục duy trì được mức sinh này trong 5 năm qua. Bộ Y tế đã xây dựng và hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động theo mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng giống nòi như: Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm dị tật, bệnh bẩm sinh tại 51 tỉnh thành; duy trì thực hiện và mở rộng mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 15 tỉnh. Về mức giảm sinh, so với năm 2010, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên giảm 3%. Cùng với đó, các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em đều đạt kế hoạch.Thực hiện lời dạy của Người, năm 2011 là năm thứ ba liên tục ngành y tế tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội giao gồm: Chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân; Chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; Chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ sinh; Chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý. Các chỉ tiêu hoạt động khác được Chính phủ giao cũng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra trong các lĩnh vực YTDP, ATVSTP, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, DS-KHHGĐ, phát triển nhân lực y tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại HN |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ kỷ niệm 57 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam là dịp để chúng ta tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, càng tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành Y tế nước ta đã đạt được, chúng ta càng phải nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với sự phấn đấu, hy sinh của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam và với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đề cập tới những nhiệm vụ của ngành Y tế trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng, đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt nhất. Đồng thời, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gắn với việc thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân theo Luật Bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu rõ và ủng hộ việc triển khai đề án điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế đã được Chính phủ cho phép thực hiện, gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Thủ tướng yêu cầu ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, tiến tới không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan liên quan và UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sớm trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án giảm tải bệnh viện”, trước mắt tập trung ưu tiên giải quyết giảm quá tải cho các bệnh viện đa khoa trung ương, các bệnh viện chuyên khoa tại hai thành phố trên.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành Y tế quan tâm tới việc mở rộng các hình thức đào tạo nhằm bảo đảm nhân lực cho các cơ sở y tế trong thời gian tới; chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý.
Ngành cần triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động khống chế không để các dịch bệnh lớn xảy ra; tăng cường giáo dục y đức, tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc hoàn thiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao danh hiệu Thầy thuốc nhân dân cho 72 cán bộ y tế đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ y bác sĩ, các cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp cao cả của mình, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Người thầy thuốc của nhân dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 11 tập thể thuộc Bộ Y tế đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của ngành y tế năm 2011; trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 11 cá nhân thuộc Bộ Y tế đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công tác được giao và có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã trao tặng Bằng khen cho 30 công trình và cụm công trình khoa học y dược nổi bật của ngành y tế, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nền y học Việt Nam.
Xuân Hương