"Đóa hồng thép" của Cảnh sát cơ động Hà Nội

Giỏi võ thuật, thành thục các kỹ năng chiến đấu mà chưa chắc cánh đàn ông đã làm được, lại không quản ngày hay đêm, sẵn sàng đối mặt với những tình huống nguy hiểm nhất - đó chính là những nữ cảnh sát cơ động đặc nhiệm Công an thành phố Hà Nội.

"Đóa hồng thép" của Cảnh sát cơ động Hà Nội

Trong cái lạnh tê tái của những ngày cuối đông, chúng tôi bắt gặp những giọt mồ hôi lăn dài trên trán 7 "bông hồng thép” của Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đặc nhiệm khi các nữ chiến sỹ đang rèn luyện trên thao trường. 7 cô gái đã tốt nghiệp trường Trung học Cảnh sát vũ trang về đầu quân tại đơn vị từ tháng 11/2016.

Ý chí kiên cường của những cô gái tuổi đôi mươi

7 cô gái Hoàng Quỳnh, Trần Quỳnh, Thu, Thủy, Thanh, Nga, Hiền, là những nữ Cảnh sát Cơ động đặc nhiệm đầu tiên của CATP Hà Nội. Các cô đều đến từ những miền đất xa Thủ đô và với tuổi đời còn rất trẻ.

Như là duyên phận, sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ động và đặc nhiệm của trường Trung học Cảnh sát vũ trang, 7 cô gái về chung một đại đội, cùng sinh hoạt, tập luyện và chiến đấu bên các đồng đội nam.

Gặp các cô gái khi họ đang luyện tập võ thuật, các bài tập leo dây từ tầng 3 ở độ cao hơn 15m… chúng tôi không khỏi rùng mình, lo ngại cho sự an toàn của các cô, và rồi thật sự cảm phục trước tinh thần thép và ý chí vượt mọi khó khăn nguy hiểm của những “bóng hồng”. Là phái nữ nhưng những động tác võ thuật của các nữ cảnh sát cơ động đặc nhiệm nhanh nhạy, quyết liệt đẹp mắt và đầy uy lực.

Tâm sự với chúng tôi, Thượng sỹ Đậu Thị Thủy (quê Hà Tĩnh) cho biết: “Từ nhỏ tôi đã rất yêu thích và mong ước được đứng trong hàng ngũ lực lượng Công an nhân dân. Những khi rảnh rỗi, tôi cùng đám bạn trong làng chơi trận giả và trò công an bắt cướp.

Trong nhóm bạn đó toàn là con trai, chỉ duy nhất tôi là con gái. Là con gái nên nhiều khi bố mẹ cũng cảm thấy lo lắng vì mong muốn tôi sẽ đi theo con đường nhàn hạ, phù hợp với nữ giới hơn.

Như là duyên số vậy, càng lớn tôi càng trỗi dậy hơn cái ước muốn thi vào ngành Công an để trở thành nữ chiến sỹ cảnh sát phục vụ nhân dân. Vì thế mà bố mẹ cũng ủng hộ, tạo động lực cho tôi cố gắng”.

Những “bóng hồng” xinh đẹp ấy là những nữ cơ động đặc nhiệm đầu tiên về công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đặc nhiệm nên ban đầu họ cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Vì từ trước đến nay các thành viên trong đơn vị đều là nam nên đơn vị đã phải ngăn phòng, chia nhà tắm cho các bạn nữ tiện sinh hoạt.

Thượng sỹ Ma Thị Nga (quê Hà Tĩnh) cho biết: “Những ngày đầu tiên về đơn vị, tôi và cả 6 bạn đều rất lúng túng khi sống giữa một “rừng” toàn là nam.

Mọi sinh hoạt, tập luyện đều phải tuân thủ theo quy định chung. Đã có những lúc cả mấy đứa ngượng “chín” mặt, chạy nhanh vào phòng chốt cửa khi thấy các bạn nam cởi trần đá cầu”.

Nga vừa nói vừa tủm tỉm cười: “Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn không tin là mình đã làm được những điều đó, vứt bỏ mọi sự ẩm ương, nhõng nhẽo khi ở nhà để hòa đồng với mọi người.

Hơn nữa, chúng tôi lại được các anh trong đơn vị quan tâm giúp đỡ từ những việc nhỏ nhất như sửa bóng đèn, trang trí phòng đến hướng dẫn những mẹo tránh bị tổn thương khi tập luyện. Bởi thế, tình đồng chí đồng đội đã giúp tôi vượt qua để hòa nhập với đơn vị và quen với cuộc sống mới này”.

Trung tá Trần Quang Tuyến, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đặc nhiệm cho biết: “Các em mặc dù là nữ nhi, lại mới đôi mươi nhưng ý chí vô cùng kiên cường.

Cả 7 nữ chiến sỹ đều rất giỏi võ thuật khiến nhiều đồng chí nam phải kiêng nể. Chế độ tập luyện khắc nghiệt các em đều vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Vì là những chiến sỹ nữ đầu tiên của đơn vị nên ban chỉ huy cùng các anh em đồng đội đã cố gắng tạo môi trường thoải mái, thuận lợi nhất để các nữ chiến sỹ hòa nhập”.

Giọt lệ giấu kín

Chế độ tập luyện khắc nghiệt, không có sự phân chia mức độ khó dễ với cánh mày râu quả là những khó khăn không hề nhỏ với các cô gái.

“Hồi đầu mới vào đơn vị, đi tuần đêm quả là những thử thách đáng nhớ của chúng tôi. Mang tiếng là rắn rỏi hơn những cô gái cùng trang lứa và đã được đào tạo bài bản trong trường, ấy vậy mà những cuộc tuần tra đêm đầu tiên khiến tôi run sợ và lo lắng.

Vì là lần đầu tiên đi tuần tra lúc 1 giờ sáng nên tôi phải hẹn đồng hồ trước 30 phút. Nhưng vì quá lo lắng, nên mới 0 giờ, tôi đã choàng tỉnh giấc, lao ra khỏi giường, vội vàng mặc quân phục vì nghĩ là muộn giờ. Sau đó, khi bình tĩnh lại mới biết mình ngủ mơ và thế là lại ngồi chờ đồng đội cả tiếng”, Thượng sỹ Ma Thị Nga chia sẻ.

Thượng sỹ Đậu Thị Thủy thì nhớ lại: “Đêm 6-1, tôi cùng đồng chí Nguyễn Tiến Anh và hai đồng chí nữa đi tuần tra ca đêm từ 1 giờ đến 5 giờ sáng.

Khi đến ngõ Văn Chương khoảng gần 3 giờ sáng, gặp một đối tượng có dấu hiệu khả nghi, tôi cùng đồng đội liền áp sát. Mặc dù khá run vì lần đầu nhưng tôi nhanh chóng trấn tĩnh đề nghị kiểm tra hành chính và đã phát hiện trong túi trước của đối tượng có một túi nilon nghi là ma túy đá.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đối tượng đã không thể trối cãi và bị dẫn giải về đồn”. Mặc cho ngày đông giá rét, những “bông hồng thép” đều thức dậy từ 5 giờ 30 sáng và làm việc, tập luyện cả ngày. Nhiều hôm họ đi tuần tra từ 1 - 5 giờ sáng trong thời tiết vừa lạnh vừa mưa ướt, tay lái tê buốt, người run vì lạnh.

Cũng có lúc luyện tập võ thuật bị bong gân, sái tay, mình mẩy sưng tím đến cả tháng trời nhưng các nữ chiến sỹ hiểu hơn ai hết thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường bớt đổ máu. Vì thế những khó khăn kia chẳng hề hấn gì.

Là con gái lại khá trẻ tuổi, những “bông hồng thép” của Trung đoàn Cảnh sát cơ động, CATP Hà Nội luôn phải gồng mình vượt qua những khó khăn.

Ngày thường đã đành, những ngày lễ tết gần như không bao giờ được gần bên gia đình. Có những lúc, các bạn chỉ biết lấy công việc làm niềm vui để vượt qua tất cả.

Trần Thị Như Quỳnh là một trong những chiến sĩ quê xa Thủ đô nhất nên cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Cả năm cô chỉ tranh thủ được vài ngày về thăm gia đình.

“30 Tết, mọi người quây quần bên nhau còn tôi vẫn như ngày bình thường bận rộn với công việc của một người chiến sỹ công an giữ gìn bình yên cho nhân dân vui Tết, vẫn cùng đồng đội tăng cường cho cảnh sát giao thông giữ thông suốt các tuyến đường để người dân về nhà đón Tết an toàn.

Còn dịp 8-3, 20-10, dù lấy công việc làm niềm vui nhưng những bó hoa của đồng đội cùng đơn vị trong những ngày này luôn là nguồn động viên tuyệt vời nhất đối với chúng tôi” - Trần Thị Như Quỳnh tâm sự.

Được nuông chiều từ nhỏ nên Thượng sỹ Hoàng Thị Như Quỳnh không tránh khỏi những lúc bật khóc vì lòng tự ái dâng cao. Quỳnh kể, nhiều hôm cường độ tập luyện quá lớn, cộng với áp lực phải vượt qua các bài tập như các bạn nam khiến Quỳnh vừa lo lắng, vừa mệt mỏi.

Nhiều lúc có sơ suất làm chưa đúng, bị chỉ huy nhắc nhở, bắt thực hiện lại nhiều lần, Quỳnh cũng bật khóc. Nhưng rồi nghĩ lại, đến hôm sau lại bình tĩnh và trở về công việc.

Có lẽ ít ai biết được đằng sau sự mạnh mẽ của những cô gái tay không đập vỡ gạch, rồi treo ngược người từ tầng 14 xuống để đột nhập phòng, tay không đối kháng với 3-4 nam giới có vũ khí là cả một quá trình rèn luyện gian khổ. Họ phải học cách chiến thắng chính bản thân mình, vượt qua nỗi sợ hãi.

Đôi bàn tay của những cô gái đôi mươi chai sần thô cứng vì rèn luyện cùng vũ khí, cùng dây thừng… Nhưng vượt qua tất cả, họ đã trưởng thành và lòng yêu nghề cứ thế lớn dần lên trong lòng những nữ chiến sỹ trẻ.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.