Định hướng ôn tập Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 'nước rút'

GD&TĐ - Giai đoạn này, học sinh cần nắm chắc các kiến thức, kỹ năng làm bài và ôn tập môn Ngữ văn để sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Còn hơn 2 tháng nữa các em học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Còn hơn 2 tháng nữa các em học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Tập dượt cho kỳ thi

Thời gian này, học sinh lớp 12 các trường THPT trên toàn quốc đang bước vào giai đoạn "nước rút" để hoàn thành chương trình cũng như ôn tập các môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, trong đó có môn Ngữ văn. Việc tập dượt cho thí sinh làm quen với cấu trúc đề thi cũng được các địa phương thực hiện.

Trong hai ngày 5 và 6/4, học sinh Hà Nội đã tham gia Kì kiểm tra khảo sát do Sở GD&ĐT tổ chức. Cô giáo Thu Uyên - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận định, đề môn Ngữ văn được xây dựng bám sát cấu trúc đề minh họa được Bộ GD&ĐT công bố hồi tháng 3.

Cô giáo Thu Uyên - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Cô giáo Thu Uyên - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Đề thi gồm 2 phần: Phần I (3.0 điểm). Học sinh đọc hiểu một văn bản thơ ngoài chương trình với các dạng câu hỏi quen thuộc như xác định thể thơ, chỉ ra biện pháp tu từ, rút ra ý nghĩa của văn bản...

Phần II (7.0 điểm) yêu cầu mức độ kiến thức, kĩ năng cao hơn.

Trong phần này, câu 1 (2.0 điểm), học sinh phải viết đoạn văn nghị luận xã hội bàn luận về cách ứng xử cần có của tuổi trẻ trước cái mới trong thời đại công nghệ số.

Vấn đề nghị luận khá mới mẻ nhưng thiết thực, gần gũi, có ý nghĩa với đời sống; được đông đảo các bạn trẻ quan tâm. Qua đoạn văn này, các em có cơ hội được chia sẻ trải nghiệm của mình; từ đó, bày tỏ quan điểm cá nhân.

Câu 2 (5.0 điểm), học sinh phải viết bài văn nghị luận về vấn đề được đặt ra từ một đoạn trích trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài).

Đây là tác phẩm được các em học sinh rất yêu thích, tuy nhiên, đoạn trích của đề rơi vào phần ít được chú ý trong quá trình học nên ít nhiều sẽ khiến các em lúng túng. Đây cũng là xu hướng ra đề thi trong những năm gần đây, do đó, các em cần đặc biệt lưu tâm trong quá trình ôn luyện.

"Đề kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 của Sở GD&ĐT Hà Nội bám sát cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây và đề minh họa Bộ đã công bố trong tháng 3 vừa rồi. Đề có tính vừa sức và đảm bảo tính phân loại cao, đòi hỏi học sinh có kĩ năng giải quyết các yêu cầu của đề", cô Uyên cho hay.

Cố gắng trong cả quá trình

Một giờ học Ngữ văn của cô Thu Uyên và học trò.

Một giờ học Ngữ văn của cô Thu Uyên và học trò.

Theo cô Thu Uyên, đây là khoảng thời gian cuối cùng để các thí sinh tăng tốc, về đích. Chính vì vậy, các em cần hiểu rõ, nắm chắc nội dung, đặc sắc nghệ thuật của các tác phẩm văn học. Học sinh nên học có hệ thống qua các sơ đồ tư duy, bảng biểu, từ khóa để ghi nhớ nhanh, lâu dài; tránh rối loạn, khủng hoảng.

Ở phần Đọc hiểu, học sinh cần nắm chắc kiến thức Tiếng Việt, có khả năng tư duy, rèn luyện với nhiều đề đọc hiểu để quen các dạng câu hỏi, yêu cầu; cẩn thận, tỉ mỉ với từng ý hỏi nhỏ; tránh mất điểm đáng tiếc.

Phần Làm văn có hai yêu cầu. Với đoạn văn nghị luận xã hội, dung lượng khoảng 200 chữ, các em cần chuẩn bị cho mình hiểu biết về các vấn đề của đời sống, biết cách xác định trọng tâm vấn đề; triển khai đoạn văn, đảm bảo hình thức, nội dung và dung lượng phù hợp.

Trong đoạn văn của mình, các thí sinh lưu ý làm rõ các nội dung như giải thích vấn đề - bàn luận sâu sắc về vấn đề - đưa dẫn chứng thuyết phục và bài học liên hệ phù hợp.

Các em học sinh khối 12 đang tăng tốc ôn tập các môn cho kỳ thi.

Các em học sinh khối 12 đang tăng tốc ôn tập các môn cho kỳ thi.

Bài văn nghị luận văn học chiếm 50% điểm trong tổng điểm bài thi, do đó, tác phẩm được chọn vào đề thi luôn được thầy cô và học trò quan tâm.

Để có thể tự tin khi làm bài văn, các em phải đọc kĩ tác phẩm, hiểu rõ những đặc sắc nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; có khả năng phân tích, cảm nhận về tác phẩm; có tư duy phản biện, so sánh, đối chiếu với các tác phẩm cùng chủ đề.

Số lượng tác phẩm học trong chương trình không quá nhiều, tuy nhiên, để chủ động nắm chắc kiến thức, tránh rối loạn, các em có thể tổng hợp kiến thức thành sơ đồ tư duy; học bằng hình ảnh; từ khóa... để ghi nhớ lâu. Bài văn nghị luận về một đoạn trích (thơ, truyện ngắn, kí, kịch) đều có “khung bài” cố định.

Các em cần giới thiệu được tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận; có khái quát chung và phân tích, bình luận vấn đề nghị luận sâu sắc. Học sinh thường chủ quan, bỏ qua phần kết luận. Các ý “chốt” sẽ giúp bài viết của các em chặt chẽ hơn.

“Trăm hay không bằng tay quen”, luyện viết nhiều, thử sức với nhiều đề giúp các em phát triển tư duy, vốn từ ngữ, lối diễn đạt và có thêm nhiều ý tưởng cho bài viết. Mạnh dạn đưa những ý tưởng mới, sáng tạo; liên hệ với các tác phẩm có liên quan; dùng lí luận văn học ... là một điểm nhấn cho bài viết của các em.

"Cuối cùng, hãy chú ý phân bố thời gian hợp lý. Người làm chủ được thời gian, tốc độ là người chiến thắng. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là ngôn ngữ từ thuở lọt lòng các em đã được nghe, được nói. Hãy nghe kĩ, đọc chăm, giao tiếp tích cực, đó là một cách giúp các em cải thiện ở bộ môn Ngữ văn" - cô Thu Uyên lưu ý thêm.

Thí sinh cần tích cực ôn tập, rèn luyện với đề để nâng cao kỹ năng và tốc độ làm bài. Chỉ khi có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, các em mới có được sự tự tin, chủ động trong mọi tình huống. Luyện đề, chữa kĩ đề, học từ những lỗi sai là một cách học hiệu quả. Không nên chạy theo số lượng đề, các em nên quan tâm mình rút được kinh nghiệm gì để đề sau tốt hơn đề trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.