Không đòi hỏi ghi nhớ máy móc
Nhận định chung, nội dung kiến thức của đề tham khảo tập trung chủ yếu ở Lịch sử 12 (38/40 câu) và bao phủ khá đồng đều chương trình, kiến thức Lịch sử 11 chiếm số ít (2/40 câu).
Lịch sử thế giới có 10/40 câu, nằm trong 10/11 bài của phần Lịch sử thế giới lớp 12 (trừ bài 3 không xuất hiện). Phần lịch sử thế giới của lớp 11 không có trong nội dung đề tham khảo.
Lịch sử Việt Nam có 30/40 câu, nằm trong 13/16 bài của phần Lịch sử Việt Nam lớp 12 (trừ bài 24, 26, 27 không xuất hiện). Chương trình lớp 11 có 2 bài xuất hiện trong đề (bài 21, 23) và một phần của bài 22 (liên hệ với bài 12 ở phần lớp 12).
Mức độ câu hỏi chủ yếu là nhận biết, thông hiểu (85%); vận dụng và vận dung cao chiếm 15%.
Nhận định cụ thể về đề, cô Bạch Thị Nguyệt, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Quốc học (Thừa Thiên Huế), cho biết: Đề tham khảo ổn định về cấu trúc với 40 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 50 phút, gồm 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; mức độ nhận thức tăng dần theo câu hỏi trong đề thi.
Nội dung đề tham khảo nằm trong chương trình môn Lịch sử Trung học phổ thông và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12 (36 câu, chiếm 90%). Đề không hỏi những chi tiết phải nhớ quá máy móc như: ngày, tháng; các số liệu, diễn biến chi tiết,…
Cũng theo nhận định của cô Bạch Thị Nguyệt, đề tham khảo có sự phân hóa. Các câu vận dụng, vận dụng cao tập trung phần Lịch sử Việt Nam. Trên cơ sở đề tham khảo, giáo viên, học sinh có thể rà soát lại những nội dung học tập trọng tâm nhất; kiến thức nào chưa vững có thể ôn luyện kỹ càng hơn để đạt kết quả cao nhất.
Còn theo cô Nguyễn Yến Hoàng, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ: Đề tham khảo khá nhẹ nhàng, phù hợp với học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Các câu hỏi trong đề chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm tỉ lệ hơn 70%; vẫn có các câu hỏi mức độ vận dụng, vận dụng cao để phân hóa học sinh.
Các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu có đáp án rõ ràng, không quá gây nhiễu. Học sinh chịu học bài và đọc đề kĩ sẽ làm được bài.
Đối với các câu hỏi ở mức độ vận dụng, học sinh phải học bài và vận dụng kiến thức đã học để phân tích câu hỏi, đáp án mới đưa ra được câu trả lời chính xác.
Điều chỉnh phương pháp dạy và học từ đề tham khảo
Dựa trên cơ sở đề tham khảo, giáo viên sẽ phân tích cấu trúc ma trận, nội dung đề. Việc này, theo cô Nguyễn Yến Hoàng, để định hướng nội dung ôn tập. Cụ thể, giáo viên sẽ chọn lọc nội dung ôn tập, cần xoáy vào nội dung kiến thức nào trọng tâm, bài học nào sẽ học trọng tâm, nội dung nào cần lướt qua để tránh mất thời gian không cần thiết.
Cùng với đó, định hướng phương pháp ôn tập: Nếu đề tham khảo đa số ở mức độ nhận biết, thông hiểu, tức là mức độ yêu cầu học sinh phải thuộc bài, ghi nhớ bài nhiều hơn, giáo viên sẽ điều chỉnh phương pháp làm sao cho học sinh nhớ bài hơn (sử dụng sơ đồ tư duy ngắn gọn, sử dụng trò chơi nhằm khắc họa kiến thức cho học sinh như “Ai nhanh hơn”, “Leo núi”, “Thì thầm”…)
Về hình thức ôn tập: Xác định hình thức ôn tập phù hợp đối với từng đối tượng học sinh. Đối với học sinh yếu, khả năng học bài và nhớ bài kém nên sử dụng phương pháp nào và đối với học sinh giỏi sẽ ra sao? Có thể kết hợp nhiều hình thức như ôn tập theo nhóm nhỏ học sinh yếu kém, giao bài tập trắc nghiệm trực tuyến với số câu hỏi ít ở mức độ thông hiểu, nhận biết cho học sinh làm…
Cô Nguyễn Yến Hoàng lưu ý: Học sinh dựa vào đề tham khảo để làm quen với cấu trúc đề thi. Đặc biệt, học sinh phải làm thử đề tham khảo, để đánh giá mức độ kiến thức tính tới thời điểm hiện tại, đưa ra dự đoán khả năng sẽ được bao nhiêu điểm nếu không học bài và nếu có học bài. Qua đó, học sinh điều chỉnh phương pháp học, cách thức học phù hợp để đạt được kết quả tốt.
Lưu ý học sinh ôn tập từ đề tham khảo, cô Nguyễn Yến Hoàng nhấn mạnh, học sinh tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu tập trung vào nội dung chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức cơ bản ở lớp 11. Đồng thời, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch ôn tập để trang bị đầy đủ kiến thức trước kỳ thi tốt nghiệp. Đưa ra phương pháp ôn tập phù hợp với bản thân để có thể nhớ bài lâu và kỹ nhất có thể, như hệ thống hóa kiến thức cơ bản qua các mô hình, sơ đồ để có tính xâu chuỗi các mạch kiến thức, giúp bao quát và dễ hình dung...