Định hướng rõ ràng
Đề tham khảo được nhận định chủ yếu có nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và một phần chương trình lớp 11. Lượng câu hỏi nhận biết (chiếm khoảng 40 đến 50%); câu hỏi thông hiểu (chiếm khoảng 10 đến 15%). Nhìn chung, tỷ lệ câu hỏi nhận biết và thông hiểu các môn khoảng 70 - 75%; vận dụng, vận dụng cao khoảng 20 - 30%. Đề có cấu trúc quen thuộc như đề thi chính thức các năm gần đây.
Phân tích từ đề tham khảo môn Hóa học, cô Lương Thị Mỹ Tiên, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cho biết: Đề bám sát nội dung chương trình Hóa THPT, đặc biệt là chương trình lớp 12 (chiếm khoảng 80%); chương trình khối 10, 11 thường ở dạng tổng hợp kiến thức với mức độ biết, hiểu (khoảng 3 câu) và một số câu bài tập vận dụng cao (khoảng 5 câu).
Đề thi cho thấy có sự phân hóa nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu chính của Kỳ thi là xét tốt nghiệp. Nhìn chung độ khó của đề không cao, với các câu hỏi mức độ biết, thông hiểu chiếm khoảng 70% và đều là kiến thức căn bản bám sát chương trình.
Với môn Ngữ văn, thầy Trần Văn Toản, Trường THPT chuyên Quốc Học (Thừa Thiên - Huế) đánh giá: Đề tham khảo bám sát chương trình, đúng với tính chất của một đề mẫu, đề minh họa trên các phương diện như cấu trúc, mức độ, nội dung… đáp ứng tinh thần giảm tải trong tình hình dạy học hiện nay. Nếu đề tham khảo được xem là định hướng chắc chắn cho đề thi chính thức thì đây được xem là cẩm nang quý cho cả giáo viên và học sinh, giúp thầy trò an tâm hơn, có định hướng sát hơn khi ôn tập.
Đề tham khảo môn Tiếng Anh không có nhiều thay đổi so với đề thi tốt nghiệp THPT 2 - 3 năm trở lại đây, cô Nguyễn Thị Hồng Lê, giáo viên Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên nhận định và chỉ ra một vài thay đổi nhỏ ở phần ngữ pháp; ví dụ có sự xuất hiện của câu hỏi về trật tự của tính từ trong tiếng Anh. “Độ khó của đề phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT trong điều kiện các em phải học trực tuyến thời gian dài. Phổ điểm dự kiến sẽ tương đương như năm trước” - cô Nguyễn Thị Hồng Lê nhận định.
Chia sẻ về đề tham khảo môn Sinh học, cô Huỳnh Thị Hoàng Lan, tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên - Huế) nhìn nhận: Đề vẫn giữ nguyên cấu trúc như năm 2021 với lượng kiến thức tập trung vào chương trình 12, có 4/40 câu kiến thức của lớp 11. Về độ khó, đề có 16 câu ở mức độ nhận biết, 12 câu mức độ thông hiểu, 8 câu vận dụng thấp và 4 câu vận dụng cao (mức độ dễ hơn so với đề thi năm 2021).
Kiến thức phân bố đều trong các nội dung lớp 12; trong đó, kiến thức nhận biết và thông hiểu tập trung vào các phần cơ sở di truyền phân tử, tiến hóa, sinh thái. Phần vận dụng và vận dụng cao tập trung vào kiến thức về tính quy luật của hiện tượng di truyền, quần thể ngẫu phối, lưới thức ăn.
Ôn tập từ đề tham khảo
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành đề thi tham khảo, cô Lương Thị Mỹ Tiên lưu ý học sinh hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình Hóa học THPT thành các chủ đề theo từng chương, hoặc theo nội dung kiến thức liên quan dưới hình thức như sơ đồ tư duy, tóm tắt trọng tâm lý thuyết... Đối với học sinh có học lực trung bình - khá, nên tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12; tận dụng tối đa các bài giảng từ thầy cô, Internet và truyền hình để nắm bắt và hệ thống các kiến thức phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
“Các em cần chủ động làm nghiêm túc các đề thi tham khảo, tham gia thi thử, để làm quen với cấu trúc đề, tâm lý trong giờ thi; đồng thời hình thành kinh nghiệm trong việc kiểm soát, làm chủ thời gian thi, rèn luyện khả năng tập trung trong một khoảng thời gian dài” - cô Lương Thị Mỹ Tiên đưa lời khuyên.
Đề tham khảo sẽ giúp học sinh nắm được cấu trúc đề thi theo ma trận đã được Bộ GD&ĐT xây dựng theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Tuy nhiên, nhiều thầy cô cũng lưu ý không vì dựa vào đề tham khảo mà chủ quan. Là giáo viên dạy Lịch sử, cô Bạch Thị Nguyệt, Trường THPT chuyên Quốc học cho rằng: Đây là đề mang tính tham khảo, vì thế học sinh không được chủ quan dựa vào đề thi tham khảo dẫn đến học lệch kiến thức.
Các em cần nắm vững kiến thức cơ bản, đặc biệt là kiến thức lớp 12 bao gồm lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Ở các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, các đáp án nhiễu khá lớn, đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức; khi học và ôn tập phải biết so sánh, rút ra điểm giống và khác nhau, liên hệ các sự kiện lịch sử thế giới tác động đến Việt Nam…
Cùng quan điểm này, thầy Trần Văn Toản nhấn mạnh: Văn chương bao giờ cũng đòi hỏi sự bất ngờ, mới mẻ, kể cả đề thi. Vì thế, tránh tình trạng cả người dạy và người học hoàn toàn dựa vào đó mà “đoán già, đoán non”, suy diễn, loại trừ dẫn đến “học tủ”. Làm quen và luyện rèn theo cấu trúc, mức độ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT là cần thiết. Tuy nhiên, người thầy cần coi trọng việc học sinh của mình phải nắm chắc và linh hoạt trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức văn chương cũng như kỹ năng làm bài để giải quyết bất cứ dạng câu hỏi và yêu cầu của đề ra.