Bảo đảm độ phân hóa
Thầy Trần Liên Quang, giáo viên Trường trung học phổ thông Mỹ Quý, Đồng Tháp, nhận định đề tham khảo Ngữ văn giữ ổn định về cấu trúc; có tính phân hoá cao. Các câu hỏi phân hoá từ dễ đến khó theo các mức độ nhận thức nhận biết - thông hiểu - vận dụng.
Cụ thể, phần Đọc hiểu sử dụng ngữ liệu là một đoạn thơ hiện đại với nội dung gần gũi, giản dị, ngôn từ giàu hình ảnh và cảm xúc, kết hợp hài hoà giữa chất trữ tình với những suy tư sâu lắng.
Phần này gồm 4 câu hỏi theo các mức độ nhận thức. Các câu 1,2,3 đặt ra yêu cầu tương đối nhẹ nhàng, nhìn chung quen thuộc so với đề các năm gần đây. Song, câu 4 đòi hỏi học sinh phải có khả năng vận dụng sự nhận biết, thông hiểu của bản thân để giải quyết tình huống, bày tỏ ý kiến, nhận xét, đánh giá về tư tưởng của tác giả thể hiện trong ngữ liệu (thông qua 2 dòng thơ).
Đây là câu hỏi khó, đòi hỏi ở học sinh khả năng cảm thụ thơ văn (cụ thể là cảm thụ ý nghĩa 2 dòng thơ), nhất là hiểu được ý nghĩa của hình ảnh thơ cũng như giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ trong thơ, từ đó liên hệ bản thân để rút ra những ý nghĩa thiết thực mang tính thực tiễn.
Phần Làm văn gồm 2 câu. Câu 1 yêu cầu viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Vấn đề bàn luận tương đối gần gũi, tuy nhiên những tri thức về vấn đề bàn luận tương đối rộng lớn, trừu tượng (sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc) gây khó cho học sinh trong việc xác định, chọn lọc phạm vi và góc độ bàn luận.
Câu này đòi hỏi ở học sinh khả năng lập luận tốt, biết chọn lọc những lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, nhất là cần có những chính kiến rõ ràng, thể hiện cái nhìn đúng đắn và tiến bộ về một vấn đề xã hội lớn trong tình hình hiện nay.
Câu 2 yêu cầu nghị luận về một đoạn trích trong tác phẩm văn xuôi (Vợ nhặt – Kim Lân). Đối tượng nghị luận trong đề quen thuộc so với đề thi các năm gần đây. Tuy nhiên, trong đề còn có yêu cầu nâng cao (nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích).
Điều này đòi hỏi học sinh không chỉ hiểu về vấn đề nghị luận mà còn phải nắm vững những giá trị về nội dung tư tưởng, nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm; đồng thời phải có những hiểu biết nhất định cơ bản về tư tưởng nhân đạo trong văn học nói chung và tư tưởng của nhà văn nói riêng. Thông qua một đoạn trích của tác phẩm, yêu cầu nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn thực sự là yêu cầu khó đối với nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh có học lực trung bình – khá. Do đó, đây là yêu cầu có tính phân hoá cao.
“Nhìn chung lại, đề tham khảo về cơ bản không thay đổi gì lớn so với đề năm 2021. Tính ổn định về mặt cấu trúc sẽ là điều kiện thuận lợi cho học sinh trong việc ôn luyện. Đề có tính định hướng rõ ràng và giúp học sinh có thể “cân đo” năng lực bản thân, từ đó xác định kế hoạch ôn tập cụ thể. Đối với giáo viên, đề tham khảo là cơ sở để xây dựng kế hoạch ôn tập và đổi mới phương pháp ôn luyện cho học sinh” - thầy Trần Liên Quang nhận định.
Giúp đánh giá, phân loại đúng năng lực học sinh
Cùng quan điểm, thầy Trần Văn Toản, giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học (Thừa Thiên Huế) đánh giá việc ban hành đề tham khảo giúp thầy và trò rõ định hướng trong quá trình ôn tập.
Ngữ liệu được chọn trong phần Đọc hiểu, theo thầy Toản, là đoạn thơ hay, có ý nghĩa nhân văn. Bởi trong ý thơ của Lưu Quang Vũ, dòng sông ấy chảy qua thời gian, mang theo và đắp bồi phù sa cho quê hương xứ xở; kết tinh những trầm tích văn hóa, mang hồn thiêng dân tộc. Những vần thơ gợi cảm xúc và suy nghĩ sâu sắc trong mỗi bạn trẻ. Các câu hỏi phân chia theo các cấp độ nhận thức phù hợp và vừa sức; tạo điều kiện và cơ hội cho học sinh khi làm bài. 4 câu hỏi đó sẽ đánh giá và phân loại đúng năng lực của từng học sinh: trung bình, khá, giỏi.
Phần Làm văn 7 điểm gồm 2 câu, câu nghị luận xã hội 2,0 điểm và câu nghị luận văn học 5,0 điểm. Số điểm và cấu trúc này cũng đã quen thuộc, phù hợp tâm lí, nhận thức của học sinh.
Câu Nghị luận xã hội cũng như các năm trước yêu cầu viết một đoạn văn có quan hệ với nội dung ý nghĩa của ngữ liệu Đọc hiểu. Điều này không làm khó cho thí sinh. Tất nhiên, thầy Toản cho rằng, vừa dựa vào ngữ liệu ở Đọc hiểu, vừa có sự trải nghiệm và vận dụng kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh mới đáp ứng trọn vẹn yêu cầu đề ra.
Đề yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là vấn đề hay. Bởi lẽ, trong thời đại ngày nay, nhiều người, nhất là bạn trẻ, chạy theo nhịp sống mới mà xem nhẹ hoăc vô tâm trước những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì thế, đây là dịp để người trẻ thể hiện quan điểm, nhận thức của mình, từ đó góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ở câu Nghị luận văn học, đề thi tập trung vào chương trình lớp 12 là phù hợp với tâm lí học sinh, phù hợp với tình hình các trường đang dạy và học trong mùa dịch và qua online.
Đề thi tham khảo yêu cầu học sinh đi từ phân tích tâm trạng nhân vật mà rút ra nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn thể hiện trong đoạn trích. Đây là kiểu bài nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi mà các em đã được học trong chương trình. Vì thế các kĩ năng làm bài đã được giáo viên trang bị, rèn luyện nên hoàn toàn không làm khó các em. Học sinh nắm tác phẩm và có kĩ năng phân tích thì không khó để ăn điểm.
Hơn nữa câu lệnh trong đề có 2 yêu cầu, phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích và nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân trong đoạn trích đã tạo cơ hội cho những học sinh có năng khiếu văn thể hiện ở yêu cầu thứ hai. Đó cũng là chỗ để giám khảo đánh giá các mức độ bài làm của học sinh.